01-02-2014
2014

Bát Nhã Tâm Kinh - Khangser Rinpoche chú giải.

Phần bốn, TP.HCM ngày 01/02/2014 (mùng 2 Tết Giáp Ngọ)

Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh

Tôn sư Khangser Rinpoche chú giải

Phần bốn (giảng tại TP.HCM)

 ­Như Thị Thất, ngày 01/02/2014

(Mùng 2 Tết Giáp Ngọ)

 

Trước tiên, tôi gửi đến quý vị lời chúc mừng năm mới!

Hôm nay là ngày đầu năm mới nên chúng ta sẽ có một thời pháp ngắn. Sau đó, chúng ta sẽ có một bài cầu nguyện nhỏ. Hôm nay sẽ không có phần hỏi đáp.

Như quý vị đã biết, hôm nay là buổi giảng thứ tư về Bát Nhã Tâm Kinh, và ngày mai là lễ quán đảnh Phật A-Di-Đà. Trong những buổi giảng trước tôi đã nói về quan điểm tánh không mà Đức Phật đã thuyết giảng. Có một điềm cát tường rằng trong dịp đầu năm mới này, chúng ta lại luận bàn về tánh không. Tôi nghĩ trong suốt cuộc đời tôi, đây là lần đầu tiên tôi giảng pháp trong dịp đầu năm mới. Tôi nghĩ đây cũng là lần đầu tiên quý vị đến nghe pháp trong ngày đầu năm mới.

Đây không phải là một thời pháp thông thường. Quý vị đang nghe giảng về Bát Nhã Tâm Kinh––tánh không, đó là một trong những điểm cốt lõi của Phật pháp. Trong nhiều Mật Điển Đức Phật đã dạy rằng, “Thực hành tánh không là phương pháp tốt nhất để vượt qua chướng ngại.” Hôm nay chúng ta luận bàn về tánh không. Tánh không là một trong những điểm cốt lõi và quan trọng nhất của Phật pháp. Do đó, tôi nghĩ đây là điềm cát tường khi chúng ta có thời pháp này trong dịp đầu năm mới. Đặc biệt, như tôi đã từng nói, nếu không hiểu tánh không, quý vị không thể hành trì bất cứ pháp hành nào đã được Đức Phật dạy trong Đại Thừa và Kim Cang Thừa. Khi xem xét kinh điển Đại Thừa, Đức Phật đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần về tánh không. Bất cứ nghi quỹ hành trì Kim Cang Thừa nào cũng đề cập đến việc quán tưởng bổn tôn sinh khởi từ tánh không. Do đó, tánh không là điểm trọng yếu mà bất cứ pháp hành Phật giáo nào cũng đều nhắc đến. Không chỉ vậy, như tôi đã nói trong buổi giảng trước, tánh không không chỉ là điểm trọng yếu của Phật pháp mà ý tưởng tánh không còn được bao hàm trong khoa học hiện đại.

Hôm nay chúng ta nói về Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa, đặc biệt về tánh không. Ở đây, chúng ta phải hiểu ba điểm vô cùng quan trọng về tánh không. Điểm thứ nhất, khi thực hành tánh không, quý vị phải tịnh hóa ác nghiệp của mình. Thứ hai, quý vị cần nhận gia trì từ chư Phật và chư Bồ-tát. Thứ ba, quý vị phải tập trung vào kinh điển đặc biệt nói về tánh không, nhất là luận giải của các học giả truyền thống Na-lan-đà (Nalanda). Khi kết hợp ba điểm này với việc hành thiền về tánh không, quý vị có thể hiểu được tánh không. Nếu không, nếu chỉ hành thiền mà không kết hợp với ba điểm này, quý vị không thể thành tựu hoặc liễu ngộ tánh không.

Có nhiều quan điểm về tánh không mà Đức Phật đã giảng giải. Đôi khi Ngài giảng tánh không chỉ từ ba đến bốn trang như bài Bát Nhã Tâm Kinh này. Đôi khi Ngài giảng tánh không trong một bộ kinh, thuộc Tạng ngữ, có đến hàng trăm ngàn đoạn kệ. Có lúc Đức Phật chỉ giảng trong bốn hoặc năm trang giấy, nhưng những lúc khác Ngài giảng tánh không qua mười hai bộ kinh. Nguyên nhân là khi Đức Phật giảng tánh không cho hàng đệ tử có trí tuệ tinh anh và nhiều thiện nghiệp, chỉ cần ba hoặc bốn trang giấy, những vị đệ tử ấy đã có thể tiếp nhận thông điệp từ Phật một cách chính xác. Đối với những đệ tử kém trí tuệ, thậm chí Đức Phật đã dùng nhiều năm liền để giảng tánh không.

Tôi nghĩ quý vị đã nghe câu chuyện về ngài Bồ-đề-đạt-ma khi Ngài gặp vị đệ tử đầu tiên tại Trung Hoa. Vị đệ tử nói rằng tâm của anh ta không an, và xin Ngài an tâm giúp anh ta. Khi đó ngài Bồ-đề-đạt-ma nói, “Hãy đưa tâm của anh cho ta, ta sẽ an tâm cho anh.” Tuy nhiên, vị đệ tử nói với Ngài rằng anh ta không thể tìm ra tâm mình. Khi đó ngài Bồ-đề-đạt-ma nói, “Ta đã an tâm cho anh rồi đó.” Tôi nghĩ quý vị đã từng nghe câu chuyện này. Quý vị đã từng nghe câu chuyện này chưa? Tôi nghĩ một số người đã nghe rồi, một số khác thì chưa. Ai đã nghe rồi thì hãy kể lại cho người chưa nghe. Đây là một trong những phương tiện nói về tánh không, không phải là sáng kiến của ngài Bồ-đề-đạt-ma mà chính Đức Phật cũng đã dùng những phương tiện như vậy. Khi vị đệ tử nói rằng anh ta không thể tìm được tâm mình, ở trạng thái đó, anh ta đang nói đến tánh không của tâm. Nơi sinh của ngài Bồ-đề-đạt-ma rất gần với tu viện Sera ở Nam Ấn [Rinpoche cười]. Có một điều lạ là tiểu bang này đã sản sinh ra rất nhiều học giả truyền thống Na-lan-đà, như ngài Bồ-đề-đạt-ma, hay ngài Pháp Xứng––một luận sư vĩ đại,… Tiểu bang ấy đã sản sinh ra nhiều bậc thầy vĩ đại.

Khi vị đệ tử của ngài Bồ-đề-đạt-ma nói rằng anh ta không thể tìm ra tâm mình; khi ấy anh ta đang nói trên quan điểm tánh không. Do đó, có một câu Thiền ngữ nổi tiếng, “Tâm không thể thành Phật. Thân không thể thành Phật. Những gì không thể thành Phật có thể thành Phật.” Đức Phật cũng đã dạy tương tự như vậy. Bây giờ tôi phải dịch từ Tạng ngữ sang Anh ngữ, quý vị chờ một chút [Rinpoche cười]. Đức Phật đã nói, “Bạn phải thấy được ý nghĩa của của những ngôn từ vô nghĩa. Hãy đi sai đường. Hãy làm tâm xao lãng và ô nhiễm. Và rồi bạn sẽ đắc Phật quả.” Khi Đức Phật nói những lời này, những đệ tử nghe được lời Phật lập tức giác ngộ. Câu nói này rất lạ, và chính việc quý vị cảm thấy nó lạ làm cho vấn đề phức tạp hơn. Nếu quý vị nhìn nó một cách đơn giản, quý vị sẽ có câu trả lời.

Tôi thường nói một điều. Tôi nghĩ quý vị đã từng nghe câu chuyện về tên cướp Ương-quật-ma-la (Angolimala). Ương-quật-ma-la đã đuổi theo và muốn giết Phật. Hắn mang một thanh gươm đến gần Phật, hét lớn “Dừng lại! Dừng lại!” và nhảy đến chỗ Phật. Đức Phật nói, “Ta đã dừng lại rồi, tại sao anh vẫn chưa chịu dừng lại?” Nghe được lời nói ấy, Ương-quật-ma-la vứt thanh gươm xuống và sụp lạy ôm lấy chân Phật. Đức Phật đã nói như vậy, nhưng nếu chúng ta thử nói điều tương tự với Ương-quật-ma-la thì thanh gươm sẽ đâm xuyên cổ chúng ta [Rinpoche và đại chúng cười]. Nếu nói câu này với Bin Laden thì chắc chắn chúng ta sẽ bị bắn ngay [đại chúng cười lớn].

Tương tự những lời này của Phật, khi Ngài dạy “không có mắt, không có sắc”––với những lời đơn giản này, vài đệ tử đã có thể chứng ngộ và thấu hiểu tánh không rất đúng đắn. Tôi đã nhắc đến câu Thiền ngữ, “Tâm không thể thành Phật. Thân không thể thành Phật. Những gì không thể thành Phật có thể thành Phật.” Khi tôi đọc câu này lần đầu tiên, trong hàng giờ liền đã có rất nhiều học thuyết và tư tưởng nảy sinh trong tâm tôi. Đôi khi, thậm chí vài lời ngắn gọn có thể mang đến nhiều sự thấu hiểu, chỉ cần quý vị có thể hiểu một cách đúng đắn. Điều đó tùy thuộc vào quý vị.

Hai câu nói “Tâm không thể thành Phật. Thân không thể thành Phật. Những gì không thể thành Phật có thể thành Phật.” và “Bạn phải thấy được ý nghĩa của của những ngôn từ vô nghĩa. Hãy đi sai đường. Hãy làm tâm xao lãng và ô nhiễm. Và rồi bạn sẽ đắc Phật quả,” chúng có ý nghĩa gì với quý vị không? Đức Phật đã chuyển tải thông điệp này đến đúng đối tượng, nên họ đã hiểu ý nghĩa chân thật. Tuy nhiên, vấn đề hiện tại là đôi khi thông điệp của Phật bị chuyển tải đến sai đối tượng, gây ra nhiều tư tưởng sai lầm. Bất cứ khi nào giảng dạy giáo pháp, Đức Phật luôn dạy đúng pháp cho đúng đối tượng. Vấn đề hiện tại là chúng ta có thể mang thông điệp của Phật, mang chánh pháp đến sai đối tượng; điều này tạo nên nhiều rắc rối.

Trước khi thực hành tánh không, quý vị phải trở thành một hành giả đúng đắn. Khi đã trở thành một hành giả đúng đắn, quý vị sẽ hiểu đúng đắn. Một hành giả đúng đắn mang ba phẩm tính: (1) tịnh hóa ác nghiệp, (2) nhận gia trì từ chư Phật và chư Bồ-tát, (3) tập trung đặc biệt vào luận giải về tánh không do các học giả truyền thống Na-lan-đà trước tác. Ba điểm này giúp quý vị trở thành một người thích hợp để thấu hiểu tánh không mà Đức Phật đã dạy trong Bát Nhã Tâm Kinh.

Bây giờ,

“Tương tự, không có khổ, nguồn gốc của khổ, diệt khổ và con đường dẫn đến diệt khổ.”

Khi Đức Phật chuyển Pháp luân lần thứ nhất ở thành Ba-la-nại (Varanasi), Ngài đã dạy Tứ Thánh Đế: khổ (khổ đế), nguồn gốc của khổ (tập đế), diệt khổ (diệt đế), và con đường dẫn đến diệt khổ (đạo đế). Khi Đức Phật giảng Bát Nhã Tâm Kinh, Ngài lại dạy rằng không có khổ, không có nguồn gốc của khổ, không có diệt khổ, và không có con đường dẫn đến diệt khổ.

Có hai quan điểm khác nhau về thời điểm Đức Phật chuyển Pháp luân lần thứ nhất tại thành Ba-la-nại: 49 ngày hoặc 60 ngày sau khi Ngài giác ngộ. Người Tây Tạng tin rằng Đức Phật đã giảng bài pháp đầu tiên sau 49 ngày; vài truyền thống khác tin rằng sau 60 ngày. Ở điểm này tôi nghĩ người Tây Tạng đã tính sai. Tôi nghĩ Đức Phật đã giảng bài pháp đầu tiên 60 ngày sau khi Ngài giác ngộ. Câu trả lời rất đơn giản. Đức Phật đã ở Bồ Đề Đạo tràng trong suốt 49 ngày, Ngài đã giảng bài pháp đầu tiên ở Ba-la-nại. Ngài phải đi bộ từ Bồ Đề Đạo Tràng đến Ba-la-nại. Đức Phật không thể đến nơi trong vòng một ngày. Phải mất một tuần. Nếu di chuyển bằng ô-tô cũng phải cần sáu đến bảy giờ đồng hồ. Do đó, đây là phương án có nhiều bằng chứng xác thực hơn về mặt lý luận. Đức Phật luôn dạy một điều, “Hãy phân tích để tìm ra chân lý.” Tôi làm theo lời dạy đó. Tư tưởng nào hợp lý hơn, có nhiều chứng cứ xác thực hơn, tôi sẽ cho là đúng và tôi sẽ theo tư tưởng đó.

Đức Phật đã giảng Bát Nhã Tâm Kinh một năm sau khi Ngài giác ngộ. Khi giảng bài pháp đầu tiên, Ngài đã không đề cập đến tánh không. Đức Phật biết rằng nếu Ngài giảng tánh không ngay trong bài pháp đầu tiên, người nghe chưa sẵn sàng để hiểu giáo lý này. Con người khi ấy không có nền tảng để hiểu tánh không. Do đó, một năm sau, Ngài bắt đầu thuyết về tánh không. Từ thời điểm đó đến khi nhập niết-bàn, Ngài đã giảng rất nhiều về tánh không. Tại thời điểm giảng bài pháp đầu tiên, Ngài đã dạy Tứ Thánh Đế. Tứ Thánh Đế là một trong những cửa ngõ chính để bước vào đạo Phật. Tư tưởng nhà Phật cần nương tựa trên bốn trụ cột này––Tứ Thánh Đế.

Trước hết Đức Phật dạy về khổ đế. Vấn đề lớn nhất đối với con người là họ không hiểu về khổ. Nếu không hiểu rõ về khổ, quý vị không thể nào thoát khổ. Nếu không biết bản thân mình đang mắc bệnh, quý vị không thể nào thoát khỏi căn bệnh. Quý vị có biết vấn đề nghiêm trọng nhất của một người điên là gì không? Vấn đề lớn nhất của người điên là anh ta không biết mình đang bị điên. Có một câu nói, “Nếu một người điên biết mình đang bị điên, anh ta đã ở rất gần Phật quả.” Đó chính là vấn đề của người điên, anh ta không biết mình đang bị điên. Có một người trở về sau sáu tháng ở bệnh viện tâm thần. Mọi người hỏi anh ta về thời gian ở bệnh viện. Anh ta nói rằng bốn tháng đầu của anh trong bệnh viện tâm thần đã diễn ra rất hạnh phúc, nhưng hai tháng sau đó anh ta đã cảm thấy rất khổ sở. Anh ta kể rằng, “Trong bốn tháng đầu tôi đã cảm thấy rất hạnh phúc vì tôi nghĩ rằng mình là vua, và tất cả những người điên khác cũng công nhận tôi là vua. Đó là quãng thời gian rất hạnh phúc. Bốn tháng sau, tôi chợt nhận ra mình đang trong bệnh viện tâm thần; và tôi đã nói với những người xung quanh ‘Các anh bị điên.’ Ngay cả khi tôi nói với bác sĩ rằng tôi không bị điên, bác sĩ đã bảo rằng, ‘Người điên nào cũng nói là mình không bị điên.’ Sau khi biết rằng mình đang ở bệnh viện tâm thần, tôi đã rất đau khổ trong suốt hai tháng.” Chính vì vậy, vấn đề lớn nhất của người điên là họ không biết mình đang bị điên. Tương tự với người đang say, rất khó để những người say biết mình đang say. Khi còn là một chú tiểu, tôi có một người họ hàng lớn tuổi. Người này đã say và ông ấy nói với tôi, “Rinpoche, hãy uống một ly rượu để tăng trưởng cát tường!” [Rinpoche cười] Người say không thể biết họ đang say. Cũng như vậy, vấn đề lớn nhất là chúng ta không hiểu mình đang khổ. Đó là lý do trong bài pháp đầu tiên Đức Phật đã thuyết khổ đế.

Cuộc sống của chúng ta chứa đựng nhiều khó khăn. Chúng ta phải chấp nhận. Chúng ta phải chấp nhận rằng khó khăn và nghịch cảnh có hiện diện trên cõi đời này. Trong cuộc đời tôi, mỗi khi đối diện với nghịch cảnh, ý nghĩ đầu tiên xuất hiện trong tâm tôi là, “Phải! Khó khăn có thể đến. Khổ đau có thể đến vì chúng ta đang trong luân hồi.” Khi tâm quý vị có thể chấp nhận điều này, chúng sẽ không làm quý vị tổn thương nhiều. Khi không thể chấp nhận, những vấn đề đó sẽ khiến quý vị tổn thương trầm trọng và nặng nề. Do đó, trước hết chúng ta phải chấp nhận rằng mọi việc đều có thể xảy ra, kể cả rắc rối, và nhìn nhận chúng “Phải! Khó khăn đang hiện hữu!” Vì lý do đó, để hướng dẫn chúng ta biết cách chấp nhận, Đức Phật đã nói về khổ trong chân lý đầu tiên (khổ đế).

Hiện tại ở thế kỷ hai mươi mốt này, trẻ con được sinh ra với tư tưởng hưởng thụ cuộc đời, tất cả mọi việc đều rất hoàn hảo. Khi trẻ con lớn lên với tư tưởng này, nếu phải đối mặt với khó khăn thì chúng không thể chấp nhận. Do đó, đối với mọi khó khăn, thử thách trong cuộc sống, bước đầu tiên là chấp nhận chúng. Đó là lý do Đức Phật đã thuyết chân lý về khổ trước tiên. Có một thí dụ đơn giản. Khi quý vị thấy ai đó làm những việc mình không mong muốn, nếu không chấp nhận được thì quý vị sẽ nổi giận. Tuy nhiên, nếu quý vị có thể chấp nhận thì đó chính là nhẫn nhịn. Điều này rất đơn giản. Khi ai đó làm những việc mình không mong muốn nhưng quý vị vẫn có thể chấp nhận, đó chính là nhẫn nhịn. Tuy nhiên, khi nói về nhẫn nhịn, quý vị không nên hiểu lầm. Nhẫn nhịn không có nghĩa là quý vị không nên đấu tranh trở lại. Ở Tây Tạng có một câu chuyện nổi tiếng. Thời xưa có một bậc thầy vĩ đại. Vị thầy này đang đi trên đường và mang theo một quyển kinh. Ở Tây Tạng, các quyển kinh khá dài. Bất chợt có một con chó chạy đến và tấn công ông. Khi bị con chó tấn công, vị thầy cầm quyển kinh gõ lên đầu con chó và nói, “Nguyện cho chú chó này nhận được gia trì từ quyển kinh Phật.” Tương tự, trong cuộc sống, nhiều người hay hỏi tôi về pháp hành trì nhẫn nhịn và lòng bi mẫn. Đôi lúc họ gặp khó khăn trong việc luyện tâm. Tuy nhiên, nhẫn nhịn không có nghĩa là không nên đấu tranh trở lại, đó là sự hiểu lầm về nhẫn nhịn và lòng bi mẫn.

Một dịp nọ tôi có đến nói chuyện ở một nhà tù. Buổi nói chuyện ấy không liên quan đến đạo Phật; tôi chỉ nói đến cách suy nghĩ tích cực chứ không giảng Phật pháp. Một tù nhân đã hỏi tôi một câu rất hay. Anh ta hỏi, “Chúng tôi đang ở trong tù, còn ông thì ở ngoài. Ông hiểu gì về việc bị giam nhốt trong nhà tù này?” Đó là một câu hỏi rất hay. Nhưng vấn đề là ở cách nhìn của quý vị. Nếu là một tu sĩ, quý vị phải giữ 253 giới. Nếu tôi hỏi người tù đó, “Anh sẽ giữ 253 giới hay tuân theo luật nhà tù?” thì có lẽ anh ta sẽ chọn nhà tù. Khi quý vị tư duy mạnh mẽ theo hướng tích cực, giữ 253 giới không phải là việc khó.

Tiếp theo, Đức Phật đã nói đến chân lý thứ hai––nguồn gốc của khổ (tập đế). Mọi khó khăn, thử thách và khổ đau đều có nguồn gốc. Đâu là nguồn gốc? Nguồn gốc của khổ có hai loại: nghiệp và tâm chưa được điều phục. Khi không thể điều phục tâm và không thể kiểm soát tâm mình, quý vị sẽ gặp phải nhiều loại tâm bệnh và khổ đau về tinh thần. Nguồn gốc thứ hai là ác nghiệp. Trong cuộc sống, có nhiều chuyện xảy ra vượt ra khỏi tầm hiểu biết của khoa học cũng như vượt khỏi mọi lý giải thông thường. Thậm chí khi quý vị nhìn vào cuộc đời mình, có rất nhiều sự việc diễn ra mà chúng ta không thể lý giải vì sao chúng xảy đến. Tất cả chúng đều bắt nguồn từ nghiệp.

Tôi có thể giải thích về nghiệp rất đơn giản. Khi Đức Phật nói đến nguồn gốc của khổ, Ngài đã dạy hai điểm: ác nghiệp và ác tâm. Ác nghiệp và ác tâm là yếu tố chủ yếu mang đến nhiều khổ đau trong cuộc sống của chúng ta. Tôi sẽ giải thích về nghiệp một cách đơn giản. Karma (nghiệp) là một từ tiếng Phạn. Đôi khi để hiểu lời Phật dạy, chúng ta cần phân tích trực tiếp từ ngữ của Ngài. Khi xem xét từ tiếng Phạn “karma,” nó xuất phát từ chữ “karm.” Nếu chúng ta hỏi bất cứ một người Ấn Độ nào thì chắc chắn họ sẽ nói “karm” có nghĩa là “hành động.” “Karma” có nghĩa là một “hành động.” Trong buổi giảng trước, khi chúng ta đề cập đến nguồn gốc của vũ trụ này, vũ trụ khởi nguồn từ Big Bang. Big Bang chính là “karma”––một “hành động.” Vũ trụ khởi nguồn từ hành động đó. Nếu quý vị nhìn vào một tách trà thì nó cũng là kết quả của hành động. Ta phải pha nước, lá trà, cùng nhiều thứ khác với nhau. Tất cả chúng đều là hành động. Tương tự, trong cuộc sống của chúng ta, mọi việc diễn ra đều là kết quả của hành động. Đối với một ly trà ngọt, việc làm cho nó ngọt hơn hoặc bớt ngọt đi là điều trong tầm tay của chúng ta. Cũng như vậy, chúng ta có thể điều chỉnh từ bên ngoài những kết quả mà nghiệp sẽ mang đến. Không chỉ điều chỉnh, chúng ta có thể tận diệt tất cả ác nghiệp và ác tâm.

Tiếp theo là chân lý thứ ba––chân lý về diệt khổ (diệt đế). Chân lý này có nghĩa là chúng ta có thể đoạn trừ ác tâm, tận diệt ác nghiệp. Chúng ta có thể giảm thiểu ác tâm và ác nghiệp. Tận diệt ác nghiệp chính là tận diệt khổ đau. Khi quý vị giảm thiểu ác nghiệp và ác tâm, đau khổ cũng được thuyên giảm. Đó là chân lý thứ ba––diệt đế.

Khi quý vị bước vào hành trì đoạn trừ ác nghiệp và ác tâm, đó chính là chân lý thứ tư––chân lý về con đường dẫn đến diệt khổ (đạo đế). Đây chính là cấu trúc chính của Phật pháp. Nhiều khó khăn và thử thách sẽ đến trong cuộc sống của chúng ta, chúng ta phải tìm ra nguồn gốc của chúng. Sau khi xác định được nguồn gốc, quý vị phải tìm đường vượt qua những khó khăn ấy. Sau đó quý vị có thể loại trừ tất cả mọi gian nan thử thách. Đôi lúc, khi nhìn vào cuộc đời, quý vị cảm thấy không có cách nào để vượt qua thử thách. Trong những lúc ấy, việc không tìm được phương án thoát khỏi nghịch cảnh cho thấy quý vị đã không tìm được nguồn gốc thật sự của vấn đề. Nếu tìm đúng nguồn gốc hay nguyên nhân của nỗi khổ thì quý vị sẽ tìm được con đường diệt khổ.

Thí dụ, có một người bị gù lưng, anh ta không thể đi đứng ngay ngắn được. Anh ta đến một buổi giảng pháp. Vị thầy giảng rằng cuộc sống rất hoàn hảo, tốt đẹp và không có gì đáng lo. Khi đó anh chàng gù lưng đứng lên hỏi vị thầy, “Thầy nói rằng cuộc đời tốt đẹp, nhưng hãy nhìn bộ dạng xấu xí của tôi, tôi chẳng thể nào đứng thẳng được! Đúng là đời! Đời thật là khổ!” Khi đó vị thầy nói rằng, “Tôi sẽ nói cho anh biết một điều. Trong cuộc đời tôi, tôi đã gặp hàng trăm người gù lưng, tất cả họ đều không đứng thẳng được. Trong số hàng trăm người tôi từng gặp đó, anh là người đẹp trai nhất!” Khi vị thầy nói xong, thái độ của anh ta thay đổi, “Có phải như vậy không? Thật thế ư?” Cuộc sống tùy thuộc vào quan điểm nhìn nhận của quý vị. Khi vị thầy nói như vậy, anh chàng gù đã thay đổi cách nhìn cuộc đời. Khi có ai đó nói rằng mình thật trẻ, thật tốt bụng, lập tức quý vị sẽ thay đổi quan điểm. Quý vị sẽ bắt đầu cho rằng người đó là người tử tế nhất. Do đó, quý vị có thể thay đổi mọi điều từ bên trong. Khi Đức Phật giảng về đạo đế, đó chính là con đường quý vị có thể tự khai phá, chúng ta có thể tự mình thực hiện được.

Ở tu viện Sera có một chú tiểu khoảng bảy hoặc tám tuổi. Phật giáo Tây Tạng có những vị Hộ Pháp trong hình tướng rất phẫn nộ. Chú tiểu này có màu da hơi đen. Khi chú tiểu này đến trường học, mọi người đều nói da của chú đen quá. Do đó, đôi lúc chú cảm thấy chán màu da của mình. Dù chú tiểu không nói với tôi điều đó nhưng tôi có thể cảm nhận được rằng chú chán màu da của mình. Khi đó tôi đã nói với chú tiểu ấy, “Hãy nhìn các bức thang-ka! Trong các bức họa này, những vị Hộ Pháp mạnh mẽ nhất đều màu đen!” Khi nói xong, tôi có thể thấy nét mặt chú ta đã thay đổi. Vì vậy, vấn đề không nằm ở màu da, vấn đề nằm ở tâm của chú tiểu. Có rất nhiều vấn đề không đến từ bên ngoài, chúng nảy sinh từ trong tâm quý vị. Điều duy nhất là quý vị cần loại trừ mọi vấn đề trong tâm mình.

Có một người đến gặp một vị thầy để xin được chữa bệnh. Vị thầy hỏi anh ta bệnh gì. Anh ta nói rằng khi anh ta mở miệng, một con ruồi đã bay vào miệng và chui vào dạ dày của anh. Anh ta nói rằng hiện con ruồi vẫn còn bay trong dạ dày mình. Anh đã đến gặp nhiều bác sĩ. Các bác sĩ đều nói con ruồi không thể sống trong dạ dày anh được vì trong đó không có không khí; nó đã chết, anh không phải lo. Tuy nhiên, anh ta nói vẫn cảm thấy con ruồi còn bay trong dạ dày mình, và cho rằng các bác sĩ không hiểu bệnh của anh. Vị thầy nói, “Được rồi, tôi sẽ chữa bệnh cho anh. Khi tôi đang chữa bệnh thì anh phải nhắm mắt lại, anh không được mở mắt.” Sau đó vị thầy bảo anh ta nhắm mắt lại và mở miệng ra. Khi anh ta nhắm mắt và mở miệng, vị thầy đến gần cửa sổ bắt một con ruồi và trở lại chỗ anh ta. Vị thầy nói, “Bây giờ anh có thể mở mắt. Tôi đã bắt con ruồi ra khỏi dạ dày của anh.” Khi đó anh rất sung sướng, “Thầy thật giỏi! Bác sĩ không chữa được bệnh cho tôi, thầy đã chữa được!”

Cũng giống như con ruồi đang bay trong dạ dày, hiện có rất nhiều vấn đề trong tâm quý vị. Như tôi đã nói từ đầu, ngoài những vấn đề đó ra, điều thứ hai là quý vị không thấu hiểu rằng tâm mình có vấn đề. Có nhiều rắc rối không bắt nguồn từ ngoại cảnh mà nảy sinh từ nội tâm, nhưng chúng ta vẫn không nhận ra. Rất đơn giản, đa phần chúng ta không tự quyết định cách mình mặc quần áo hay mang giày dép, mà quý vị thường ăn mặc theo quan điểm của người khác. Khi tôi đến cửa hiệu để mua mắt kính, người bán hàng chỉ tôi một cặp kính rất tốt. Tôi đã hỏi tại sao nó tốt. Anh ta nói rằng vì có rất nhiều người mang kính này. Tương tự, chúng ta hành xử nhiều điều giống người khác làm, chúng ta chỉ chạy theo điều gì đó. Điều này cho thấy tâm ta không có khả năng quyết định điều gì đúng và điều gì sai. Vì lẽ đó, khi Đức Phật dạy Tứ Thánh Đế, Ngài chỉ bày từng bước mà chúng ta phải hành xử trong cuộc sống hàng ngày. Bây giờ quý vị có thể thấy rằng có những vấn đề thật sự trong tâm mình, quý vị phải loại trừ chúng.

Tiếp theo,

“Không có trí tuệ, không có chứng đắc, và cũng không có không chứng đắc.”

Thật sự thì có chứng đắc. Khi Đức Phật nói về không có không chứng đắc, Ngài đã dạy một điều rất thú vị, “Đối với những người bị mất ngủ, đêm rất dài. Đối với những người mỏi mệt, một vài yard rất xa.” [1 yard = 0,914 mét] Giác ngộ rất xa đối với những người không hiểu giáo pháp. Nếu hiểu giáo pháp thì giác ngộ trong lòng bàn tay của quý vị. Khi không hiểu giáo pháp, quý vị sẽ đi lạc đường.

Tôi đã đi giảng pháp vào một dịp nọ. Tôi không biết đường ở vùng đó và phải đi trên đường cao tốc. Người tài xế đưa tôi đi cũng phải dùng hệ thống định vị GPS để tìm đường. Lúc đó tôi có một thời pháp ngắn ở một bệnh viện. Chúng tôi đã đi vào đường không thể dẫn tới bệnh viện đó. Chúng tôi đã vượt khỏi bệnh viện 30 hoặc 40 cây số và đã vào địa phận của một thành phố khác. Có một điều rõ ràng là đối với việc hành trì giáo pháp, đôi khi không những cần sự hiểu biết, mà kinh nghiệm thực hành cũng rất quan trọng. Khi thực hành pháp, hiểu biết chỉ là kiến thức lý thuyết. Đôi lúc quý vị cần phải trải qua kinh nghiệm; như vậy quý vị sẽ đi đúng đường. Khi quý vị áp dụng và thấu hiểu việc hành trì một cách đúng đắn, giác ngộ trong tầm tay quý vị. Nếu quý vị không hiểu thì chẳng hề có giác ngộ.

Như tôi đã nói, hôm nay là ngày đầu năm mới, tôi sẽ ngừng ở đây. Thông thường khi không thể hoàn tất bài giảng, tôi sẽ truyền khẩu bài kinh. Chúng ta đã xong phần Tứ Thánh Đế.

Cảm ơn quý vị rất nhiều. Vì đây là dịp đầu năm mới, tôi sẽ có một bài cầu nguyện nhỏ để tiêu trừ chướng ngại cho năm mới. Trước khi cầu nguyện, tôi sẽ tụng Bát Nhã Tâm Kinh bằng Tạng ngữ. Sau đó quý vị có thể tụng bằng tiếng Việt. Khi cầu nguyện, điều quan trọng nhất là quý vị phải nghĩ rằng mình đang cầu nguyện để xua tan mọi chướng ngại của tất cả chúng sinh hữu tình.

Nhân dịp đầu năm mới, tôi có một điều nói với quý vị. Đặc biệt trong năm nay, vào ngày 1/1, tôi đã mừng năm mới. Bây giờ tôi lại đón Tết Việt Nam. Sau đó tôi quay về Nepal và lại đón thêm một cái Tết nữa, vì Tết Tây Tạng sẽ đến sau đây một tháng. Nhiều Tết quá! Tôi thường nói một điều khi đón năm mới. Khi đón năm mới, hãy cố gắng trở thành một người mới; điều này rất quan trọng. Hãy tìm ra những điều mới mẻ bằng nhiều cách khác nhau để trở thành một con người mới, điều đó sẽ thật sự giúp quý vị. Đặc biệt trong năm nay, tôi hy vọng quý vị sẽ cố gắng trở thành một con người mới, cố gắng thay đổi bản thân mình, cải thiện bản thân để trở thành một người tốt hơn. Trong tiếng Anh có một câu nói, “Trở nên tốt hơn người khác không quan trọng. Trở nên tốt hơn chính mình của ngày hôm qua mới là điều quan trọng nhất.” Vì vậy, hãy luôn tâm niệm rằng ở mọi dịp đón năm mới, hãy cố gắng trở nên tốt hơn chính mình của ngày hôm qua. Cải thiện rõ rệt nhất là việc chúng ta cố gắng cải đổi chính mình. Đó mới thật sự là hành trì giáo pháp. Đôi khi quý vị nói rằng mình đang thực hành pháp nhưng lại không thể nào cải thiện bản thân mình, khi đó quý vị không thực hành pháp mà thực hành một điều gì đó ngoài giáo pháp. Chính vì vậy, đặc biệt trong năm nay, quý vị phải cải thiện chính mình.

Tôi nghĩ năm nay là một năm đặc biệt, năm ngựa. Ngựa chạy rất nhanh, tôi hy vọng quý vị có thể cải thiện bản thân nhanh chóng như ngựa! [đại chúng cười] Ở Mông Cổ, họ nói tôi biết vì sao đế chế Mông Cổ khi xưa trở nên rất vĩ đại và xâm chiếm gần như khắp nơi. Lý do chính là ngựa Mông Cổ. Ngựa Mông Cổ không những chạy nhanh mà còn có thể chạy liên tục trong quãng đường rất dài. Đối với ngựa của nhiều nước khác, như Ả Rập, chúng chạy nhanh nhưng không thể chạy quãng đường dài. Ngựa Mông Cổ thì vừa chạy nhanh, vừa có thể chạy đường dài mà không mệt. Trong năm mới này, quý vị nên cải thiện bản thân mình không chỉ nhanh chóng mà còn phải bền bỉ như ngựa Mông Cổ! [đại chúng cười]

Tôi chúc tất cả quý vị năm mới thật an lạc. Tôi sẽ tụng Bát Nhã Tâm Kinh. Sau đó chúng ta tụng bằng tiếng Việt. Hôm nay chúng ta sẽ tụng Tâm Kinh theo cách khác một chút. Thông thường sau khi tụng Tâm Kinh, trong tu viện chúng tôi thường vỗ tay. Vỗ tay mang ý nghĩa để tiêu trừ chướng ngại. Do đó, sau khi tụng kinh, quý vị hãy vỗ tay ba lần. Khi vỗ tay, quý vị cần nghĩ việc vỗ tay sẽ tiêu trừ tam độc và chướng ngại từ ba cõi. Lần đầu vỗ ba nhịp, và lặp lại sáu nhịp nữa. Đây là phong cách Sera Jey! [đại chúng cười] Thông thường trong tu viện có đến hàng ngàn tu sĩ; khi họ cùng vỗ tay, âm thanh như tiếng trống vậy.

 

*Ban Biên Tập Dipkar Việt Nam dịch và hiệu đính lần thứ nhất @ 22/02/2014.