19-07-2015
Bảy Điểm Luyện Tâm

Bài giảng "Bảy Điểm Luyện Tâm" (tuần 3).

​​III. CHUYỂN NGHỊCH CẢNH THÀNH CON ĐƯỜNG GIÁC NGỘ

BẢY ĐIỂM LUYỆN TÂM

 

KHANGSER RINPOCHE chú giải

 

Tuần thứ 3, Ngày 19 tháng 07 năm 2015

 

Hôm nay chúng ta học Bảy Điểm Luyện Tâm. Luyện tâm có bảy bước, bây giờ chúng ta sang bước thứ ba: Chuyển nghịch cảnh thành con đường giác ngộ.

 

3. CHUYỂN NGHỊCH CẢNH THÀNH CON ĐƯỜNG GIÁC NGỘ

Khi thế giới dẫy đầy tội lỗi,

Hãy chuyển hoàn cảnh không may

Thành con đường giác ngộ.

Nói chung, trong cuộc sống và trong thế giới này đầy dẫy những điều không may. Rất nhiều điều không như ý luôn xảy đến trong cuộc đời chúng ta. Khi nghịch cảnh và điều không mong muốn xảy đến trong cuộc sống, chúng ta phải làm gì? Khi nghịch cảnh đến, con người thường trở nên chán nản. Chán nản rất hay xảy đến khi những điều không mong muốn đến trong cuộc sống. Tôi đang nói về bước [luyện tâm] thứ ba và tầm quan trọng của nó trong cuộc đời chúng ta.

Khi thế giới dẫy đầy tội lỗi,

Hãy chuyển hoàn cảnh không may

Thành con đường giác ngộ.

Với chúng ta, cuộc sống này là cõi thế gian. Cõi thế gian này đầy dẫy tội lỗi, đầy dẫy nghịch cảnh, đầy dẫy sự thống khổ; tuy nhiên, chúng ta có thể chuyển hóa chúng thành con đường đưa đến giác ngộ. Chúng ta có thể chuyển hóa nghịch cảnh thành thuận duyên. Có hai khía cạnh của việc chuyển hóa: chuyển hóa qua ý nghĩ và chuyển hóa qua hành động.

 

3.1 Chuyển hóa nghịch cảnh qua ý nghĩ

Chuyển hóa nghịch cảnh qua ý nghĩ có hai phần nhỏ: chuyển hóa một cách tương đối và chuyển hóa một cách tuyệt đối. Thông qua ý nghĩ, có hai cách chuyển hóa nghịch cảnh thành thuận duyên như vậy.

Tương đối:

Hãy trách cứ một điều duy nhất.

Thiền quán sự tử tế của tất cả hữu tình.

Điểm này nói đến một chủ đề rất quan trọng trong Phật pháp. Con người có nhiều quan điểm khác nhau về Phật pháp. Ở đây, chánh văn nói:

Hãy trách cứ một điều duy nhất.

Thiền quán sự tử tế của tất cả hữu tình.

Thứ nhất, Hãy trách cứ một điều duy nhất có nghĩa là mỗi khi nghịch cảnh hoặc những điều không như ý xảy ra trong cuộc sống, chúng chủ yếu đến từ tư tưởng chỉ biết nghĩ cho bản thân, thái độ ái ngã của chúng ta. Do đó, chúng ta phải đổ lỗi cho tâm ái ngã. Chúng ta phải biết rằng mọi nghịch cảnh và những điều không may trong cuộc sống đều có liên hệ đến thái độ chỉ yêu thương bản thân.

Thứ hai, chúng ta phải nghĩ đến sự tử tế của chúng sinh khác. Có một câu chuyện trong Kinh Thánh của Chúa Jesus. Tôi rất thích mẩu chuyện này. Chúa Jesus chữa bệnh cho 10 người mù và họ đã có thể nhìn thấy trở lại. Tuy nhiên, trong 10 người đó, chỉ có một người cảm ơn Chúa. Có một câu chuyện như thế trong Kinh Thánh [Thầy cười]. Điều đó có nghĩa là có đến chín người không hề nghĩ đến lòng từ của những người khác. Trong thế giới này, quý vị có thể tưởng tượng có đến 90% nhân loại hiếm khi nghĩ đến sự tử tế của người khác, chỉ có 10% suy nghĩ về lòng từ của người khác mà thôi. Trong cuộc sống, phần lớn chúng ta chỉ nghĩ về những việc mình đã làm cho người khác, chúng ta chẳng bao giờ nghĩ đến những gì người khác đã làm cho ta. Mỗi khi nghịch cảnh xảy đến trong cuộc sống, trước hết chúng ta phải nghĩ rằng nghịch cảnh đến là do tâm ái ngã mà ra. Bởi tâm ái ngã, chúng ta tạo ác nghiệp và ác nghiệp trổ quả thành nghịch cảnh. Vì vậy, thật sự thì chúng ta phải tự trách chính mình chứ không được đổ lỗi cho người khác. Mỗi khi nghịch cảnh đến trong cuộc sống, nếu quý vị nghĩ đó chính là hậu quả từ ác nghiệp của chính mình thì suy nghĩ đó giúp chúng ta giảm thiểu nỗi đau rất nhiều.

Tôi có một kinh nghiệm. Tôi gặp một người đàn ông nhiều năm trước. Lúc đó ông ta bị bệnh rất nặng. Khi ông ấy đến gặp tôi, ông nói rằng ông đã giải phẫu cắt bỏ 90% ruột của mình. Ông đến gặp tôi cùng gia đình ông ấy, con trai, con gái và vợ của ông. Tuy nhiên, khi tôi nói chuyện thì ông ấy rất thoải mái chứ không căng thẳng nhiều. Ông ta nói với tôi có lẽ căn bệnh của ông đến từ ác nghiệp mà ông tạo từ nhiều đời trước. Khi ông ta chuẩn bị ra về, con trai ông nói riêng với tôi rằng bác sĩ nói cha của anh chỉ sống thêm được ba tháng nữa. Anh ấy vừa nói vừa khóc. Tuy nhiên, cha của anh đã sống đến chín tháng. Sau chín tháng, tôi nhận được điện thoại báo tin ông ấy qua đời. Bác sĩ nói ông chỉ sống được ba tháng, nhưng ông ấy đã sống lâu hơn thế, đến chín tháng. Điều này cho thấy rõ suy nghĩ của chúng ta ảnh hưởng rất nhiều đến tình trạng thể chất.

Đôi lúc có những nghịch cảnh rất lạ xảy ra trong cuộc sống, và rất khó nói trước kiểu nghịch cảnh nào sẽ xảy đến với chúng ta. Ba tuần trước, tôi có nói chuyện với một học trò, một ni sinh người Hàn Quốc. Tôi đã hoàn toàn kinh ngạc khi cô ấy nói cô là một người mang bệnh chờ qua đời. Tôi hỏi cô ấy, “Cô mắc bệnh gì?” và cô trả lời là thật buồn cười, bác sĩ cũng không tìm ra bệnh. Đôi lúc, nghịch cảnh lại như vậy. Rất khó đoán. Chính vì vậy, mỗi khi nghịch cảnh đến, trước hết chúng ta phải nghĩ rằng đó là vì tâm ái ngã của chính mình. Bởi tâm ái ngã mà chúng ta tích tập nhiều ác nghiệp, và các ác nghiệp đó đưa đến khổ đau.

Bây giờ, chúng ta phải tư duy thế nào về sự tử tế của người khác? Cách tư duy rất đơn giản. Khi quý vị bị đau tay, hãy cầu nguyện cho cơn đau tay này không xảy đến với mọi chúng sinh, và nguyện rằng việc bản thân gánh chịu cơn đau tay này sẽ giúp tất cả chúng sinh không bị đau tay. Mỗi khi gặp nghịch cảnh trong cuộc sống, hoặc phải đối mặt với bất cứ hoàn cảnh nào, quý vị phải nguyện rằng việc bản thân gánh chịu nghịch cảnh sẽ giúp cho hết thảy chúng sinh thoát khỏi hoàn cảnh tương tự.

Hai điểm trên rất quan trọng, bởi mỗi khi gặp nghịch cảnh hoặc khó khăn trong cuộc sống, chúng ta luôn cố đổ lỗi cho điều gì đó. Điểm này dạy chúng ta cách nhìn nhận đúng đắn mỗi khi nghịch cảnh, thử thách hoặc vấn đề xảy đến trong cuộc sống. Với cái nhìn đúng đắn, chúng ta phải nghĩ rằng nghịch cảnh đến là vì ác nghiệp của chính mình. Chúng ta phải tự trách bản thân chứ không đổ lỗi cho người khác.

Bây giờ chúng ta sang khía cạnh tuyệt đối, điểm này mang ý nghĩa rất sâu sắc:

Mọi hiện tượng giả dối

Đều xem như bốn thân.

Đây là cách tốt nhất để duy trì

Tánh không tuyệt đối.

Mọi hiện tượng giả dối có nghĩa là những gì chúng ta nghe và thấy, theo quan điểm rốt ráo, đều là những ý niệm sai lầm. Điểm này rất khó hiểu, bởi cho đến nay quý vị chưa từng kinh nghiệm điều này, quý vị sẽ không cảm thấy đó là sự thật. Những gì quý vị nghe và những gì quý vị thấy đều là vọng tưởng. Điểm này nói về vọng tưởng. Tất cả những gì chúng ta nghe và thấy, mọi thứ đều là những hiện tướng giả dối.

Mọi nghịch cảnh, mọi thứ mà quý vị nhìn thấy đều là một dạng vọng tưởng. Nghịch cảnh là một dạng vọng tưởng. Những gì chúng ta thấy và nghe là một dạng ý niệm sai lầm. Có một câu nói, “Một thực tại thật sự thuận lợi và một thực tại thật sự trắc trở, chúng đều không tồn tại.” Điểm này đề cập đến quan điểm về tánh không ở mức độ rất cao. Năm ngoái, có một sự việc đã diễn ra ở Thụy Sĩ. Họ xếp lịch cho tôi có 3-4 ngày hoàn toàn rảnh rỗi, không có chương trình gì cả. Họ cho tôi ở vùng núi bên cạnh một dòng sông. Tôi không có việc gì để làm trong suốt 3-4 ngày. Lúc đó, tôi bắt đầu tư duy rằng mọi hiện tượng đều là vọng tưởng, đó là điều Đức Phật đã dạy. Khi tư duy như vậy, tôi có một cảm giác rất lạ trong những ngày đó. Tôi cảm thấy mọi sự vật chỉ hiện hữu như là những danh xưng, thực tế thì không có gì thật sự hiện hữu. Thậm chí ở thời điểm đó, tôi cảm thấy cái “tôi”, tên tôi là “Rinpoche,” cùng mọi thứ khác cũng đều chỉ là những danh xưng. Tôi không thể tin vào chính mình rằng “Tôi là Rinpoche.” Tôi không thể tin như vậy. Mọi thứ chỉ hiện hữu qua danh xưng. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, tôi biết nếu có người hỏi tôi “Ngài có phải là Rinpoche không?” thì tôi phải trả lời “Phải.” Nếu tôi không trả lời “Phải” thì mọi người sẽ nghĩ tôi bị điên. Một mặt, trong tâm tôi cảm thấy như vậy, nhưng mặt khác, tôi có cảm giác mãnh liệt rằng tất cả mọi thứ chỉ đều là danh xưng. Khi nhìn vào máy tính, tôi cảm thấy cái máy tính không tồn tại, “máy tính” chỉ là tên gọi. Lúc đó, trong lúc giao tiếp, nếu tôi diễn tả chân thật cảm giác của tôi thì tôi chắc rằng mọi người sẽ nghĩ tôi bị điên rồi. Khi tôi ăn và người ta hỏi tôi thức ăn có ngon không, từ sâu thẳm trong tâm tôi cảm thấy cả vị ngon và vị dở đều không tồn tại. Mọi thứ đều là vọng tưởng. Tuy nhiên, khi họ hỏi tôi thức ăn ra sao, tôi phải trả lời ngon hoặc dở, vì tôi biết nếu tôi không trả lời một cách bình thường thì họ sẽ nghĩ rằng tôi bị điên.

Khi Đức Phật giảng sâu về vọng tưởng và không-hiện-hữu lần đầu tiên, mọi người đã không thể tin Ngài. Khi người khác không tin theo Ngài, Phật đã nói, “Như Lai sẽ chấp nhận tất cả những gì người thế gian nói. Những gì người thế gian cho rằng hiện hữu, Như Lai sẽ nói rằng chúng hiện hữu. Những gì người thế gian cho rằng không hiện hữu, Như Lai sẽ nói rằng chúng không hiện hữu.” Đức Phật đã phải đối mặt một tình huống nan giải khi Ngài không thể diễn tả chân thật kinh nghiệm của mình.

Khi tôi có cảm giác mãnh liệt như vậy, tôi buộc phải dừng tư duy rằng thực tại hiện hữu như vọng tưởng. Bởi vì khi tôi tư duy và thiền quán sâu xa về điểm này, tự nhiên ý niệm không-hiện-hữu đến trong tâm, và mọi thứ thật sự đều là vọng tưởng. Lúc đó, có hai luồng tư tưởng xuất hiện. Thứ nhất là vấn đề giao tiếp với thế giới bên ngoài, và thứ hai là cảm giác chân thật bên trong. Hai luồng tư tưởng đó xuất hiện trong tâm tôi, và do đó tôi thật sự thấu hiểu lời Phật dạy, Ngài thật sự vĩ đại. Đó chính là trạng thái đã giác ngộ, Đức Phật có thể đối phó với nhiều luồng tư tưởng khác nhau.

Có một câu Pháp ngữ rất nổi tiếng, “Mọi vọng tưởng đến từ tâm. Tâm đến từ tánh không.” Đây là một câu nói nổi tiếng của một vị thầy vĩ đại. Vị thầy đã đạt đến trạng thái chứng ngộ và dạy rằng vọng tưởng chính là cơ chế vận hành của tâm. Tuy nhiên, ở trình độ khởi đầu, chúng ta nói gì về vọng tưởng? Chúng ta thật sự cảm thấy mọi điều mình nói đều đúng. Tuy nhiên, chúng chỉ như giấc mộng. Khi thấy được giấc mộng chỉ là mộng, kinh nghiệm của quý vị sẽ rất khác. Khi thấy mộng là thực, thực sự hiện hữu, quý vị cảm nhận nó và kinh nghiệm sẽ khác đi. Thông thường, trong trạng thái mộng, chúng ta bám chấp và thấy chúng thật sự hiện hữu. Chính vì vậy mà trong giấc mơ, khi thấy một con hổ quý vị sẽ hoảng sợ. Trong giấc mơ, nếu nhìn nhận mọi thứ chỉ là mộng mị, nếu nhận ra mình đang nằm mơ thì thậm chí có gặp con hổ quý vị cũng không sợ. Đó là những kinh nghiệm khác nhau, và là một dạng vọng tưởng. Những gì trình hiện trước chúng ta, thực tại chúng không giống như vậy. Sự vật không hiện hữu như những gì chúng ta nhìn thấy. Những sự vật như cái bình, cái bàn… không hiện hữu như những gì chúng ta nhìn thấy. Đây là nền tảng rất tương đồng giữa vật lý lượng tử và học thuyết tánh không của đạo Phật.

Mọi hiện tượng giả dối

Đều xem như bốn thân.

Đây là cách tốt nhất để duy trì

Tánh không tuyệt đối.

Nói chung, trong cuộc sống, chúng ta bám chấp vào những gì mình nghe và thấy, và cho rằng chúng thật sự hiện hữu. Ở đây, bốn thân có nghĩa là những trạng thái khác nhau của Đức Phật. Mọi vọng tưởng, những gì chúng ta thấy, ta phải xem chúng là biểu hiện của bốn thân, hay những trạng thái khác nhau của Phật. Bây giờ có một câu hỏi: Vì sao tâm ta lại nhìn thấy quá nhiều điều tiêu cực? Vì sao tâm ta lại nhìn nhận như vậy? Thực tại thật sự có rất nhiều điều tiêu cực, hay là những gì tâm ta nhìn nhận đã bị một yếu tố khác tác động? Khi nhìn vào kẻ thù, quý vị sẽ thấy anh ta có rất nhiều điểm xấu; tuy nhiên bạn bè của anh ta không bao giờ thấy như vậy. Đây là một câu hỏi lớn.

Tôi dừng ở đây và dành thời gian để cầu nguyện.

 

Ban Biên Tập Dipkar Việt Nam dịch và hiệu đính @27/07/2015.

Nguyện cho các Bậc Thầy kính yêu phúc thọ an khang,

Nguyện cho cơn mưa to Mật pháp tối thượng thấm nhuần khắp mọi nơi,

Nguyện cho mật nhủ Kim Cang Thừa xuôi dòng Cửu Long đến tận quê hương tôi,

Nguyện cho giáo pháp diệu thâm của Đức Thích Ca chiếu sáng đời đời.