22-03-2015
2015

Khangser Rinpoche giảng về chủ đề Đạo Phật là gì? tại chùa Đình Quán

Hà Nội, ngày 22 tháng 03 năm 2015

Pháp thoại của Khangser Rinpoche

 

Đạo Phật là gì?

 

Chùa Đình Quán – Hà Nội,

ngày 22 tháng 03 năm 2015

 

Đầu tiên, tôi gửi lời chào đến tất cả quý vị. Tôi cảm ơn ban tổ chức rất nhiều vì đã trao cho tôi cơ hội, và tôi rất vui khi được đến ngôi chùa đặc biệt này. Sáng nay, khi đang trên đường đến đây, tôi vẫn chưa biết mình sẽ nói về chủ đề nào. Tôi chỉ biết chủ đề khi vừa đến chùa. Khi vừa đến ngôi chùa này thì ban tổ chức muốn tôi nói về chủ đề “Đạo Phật là gì?”

Khi vừa nghe câu hỏi này, tôi vẫn không thể có câu trả lời. Chủ đề “Đạo Phật là gì?” là một chủ đề rất quan trọng. Đây là một câu hỏi rất quan trọng. Mọi câu hỏi quan trọng đều có câu trả lời quan trọng. Tuy nhiên, chưa từng có ai hỏi Đức Phật “Đạo Phật là gì?” Tôi nghĩ đây là một câu hỏi hay, nhưng nó xuất hiện rất trễ. Câu hỏi này nên được đặt ra vào khoảng 2500 năm trước, vào thời Phật còn tại thế. Nếu có người hỏi Phật “Đạo Phật là gì?” vào khoảng 2500 năm trước, chắc chắn sẽ có lời giải của Đức Phật, nhưng chúng ta lại hỏi câu này đến 2500 năm sau khi Đức Phật nhập diệt. Tuy vậy, nếu quý vị nêu câu hỏi này vào 2500 năm trước thì nó sẽ là một câu hỏi lạc lõng và không quan trọng. Thời gian trôi qua, đến thế kỷ 21 này thì câu hỏi này đã trở nên rất quan trọng.

Đạo Phật là gì? Để hiểu câu hỏi này, trước hết chúng ta phải hiểu một câu hỏi khác. Có một câu hỏi mà tôi cảm thấy rất quan trọng để hiểu đạo Phật là gì, đó là “Cái gì không phải là đạo Phật?” Chúng ta phải phân biệt giữa đạo Phật và những gì không phải là đạo Phật. Tôi vẫn thường hay nói rằng trong thế kỷ 21 này, người ta thường hiểu lầm về đạo Phật. Khi nói về đạo Phật, người ta thường cho rằng đạo Phật là một dạng tôn giáo; tuy nhiên, đạo Phật hoàn toàn không phải là một tôn giáo. Đạo Phật là một môn khoa học, khoa học về tâm. Đạo Phật và khoa học chỉ có một điểm khác biệt nhỏ. Tôi đang nói đến khoa học hiện đại. Chúng chỉ khác nhau ở một điểm nhỏ. Khoa học luôn truy tìm chân lý và thực tại, và đạo Phật cũng luôn truy tìm chân lý và thực tại. Tuy nhiên, điểm khác biệt là khoa học truy tìm chân lý và thực tại mà không đề cập đến lòng bi mẫn; trong khi đạo Phật truy tìm chân lý và thực tại cùng với lòng bi mẫn. Đó là điểm khác biệt duy nhất. Một bên thì đặt nền tảng trên lòng bi mẫn, còn bên kia thì không. Đó là điểm khác biệt duy nhất, những mặt còn lại đều giống nhau.

Tôi vẫn thường nói một điều rất đơn giản, đặc biệt là trong bối cảnh thế kỷ 21 này. Trong thế kỷ 21, chúng ta đã được sinh ra làm người và có một điều chúng ta vẫn chưa biết. Chúng ta đã biết rất nhiều điều nhưng vẫn chưa biết một điều rất đơn giản. Đó là làm thế nào để sống an lạc và hạnh phúc. Quý vị có thể nghĩ rằng mình biết cách sống an lạc; tuy nhiên, vẫn có nhiều lúc quý vị thất bại, không thể sống an lạc và hạnh phúc. Tại sao quý vị lại thất bại? Bởi vì chúng ta không biết cách sống hạnh phúc. Tại sao chúng ta không biết cách sống hạnh phúc? Khi mua bất cứ món hàng nào ngoài chợ như điện thoại, máy tính…, quý vị sẽ nhận được sách hướng dẫn sử dụng điện thoại hoặc máy tính đó. Tuy nhiên, khi được sinh ra đời, chúng ta không nhận được chỉ dẫn để sống hạnh phúc. Do đó, chúng ta phải tìm được chỉ dẫn đó. Chúng ta cần dạng thông điệp đó, và thông điệp đó đến từ đạo Phật. Đạo Phật luôn cố gắng truyền trao cho con người thông điệp làm thế nào để sống an lạc và hạnh phúc. Đạo Phật hướng dẫn chúng ta nghệ thuật sống, và dạy ta cách sống vui vẻ và có ý nghĩa.

Tôi có nghe một câu chuyện về một tu sĩ già qua đời và tái sinh vào cõi trời. Khi ông tu sĩ đó qua đời và tái sinh vào cõi trời, ông ấy rất vui sướng hưởng thụ mọi lạc thú ông có được ở cõi trời. Vài ngày sau, ông ta phát hiện một sự việc lạ lùng ở cõi trời. Ông phát hiện ra tổ tiên và bạn bè của ông ta bị xiền xích trong một nhà tù ở cõi trời. Ông ấy rất sửng sốt và hỏi chư Thiên, “Tại sao ông giam bạn bè và tổ tiên của tôi trong tù?” Tại sao ông trói họ lại?” Vị Thiên trả lời, “Nếu tôi không trói tổ tiên và bạn bè của ông trong tù thì họ sẽ đòi về trần gian mà không muốn sống ở cõi trời nữa.” Ông tu sĩ hỏi, “Tại sao tổ tiên và bạn bè tôi lại muốn trở về trần gian?” Vị Thiên đáp, “Bởi vì tổ tiên và bạn bè ông nói rằng cõi trời rất chán. Ở cõi trời không có Internet, không có điện thoại di động. Vì vậy họ muốn trở lại trần gian. Ở trần gian có tất cả những thứ đó!” [Rinpoche cười] Đây là một điểm chúng ta cần hiểu. Nếu không thể điều phục tâm thì dù có ở cõi trời, chắc chắn chúng ta sẽ gặp rắc rối. Rất đơn giản, nếu sinh vào cõi trời, chắc là trước tiên quý vị sẽ rất nhớ món phở. Nếu không thể điều phục tâm thì dù có được sinh vào cõi trời đi nữa, quý vị sẽ cảm thấy “sao không có phở, sao không có mì xào…” [Rinpoche cười] Theo quan điểm của đạo Phật, thông điệp để sống an lạc và hạnh phúc chính là chúng ta có thể thay đổi rất nhiều thứ bằng cách thay đổi thái độ, đường lối tư duy của bản thân, và luyện tâm. Chính vì vậy, Đức Phật đã dạy [trong kinh Pháp Cú]:

Ác hạnh thế nào cũng không làm

Thiện hạnh tròn đầy hành viên mãn

Hoàn toàn điều phục tâm chính mình

Đây là giáo pháp của Phật đà.

Đức Phật đã dạy “Hoàn toàn điều phục tâm chính mình. Đây là giáo pháp của Phật đà.” Một khi có thể điều phục tâm mình thì quý vị có thể thay đổi rất nhiều thứ. Nếu không thể điều phục tâm thì sẽ có rất nhiều thử thách và khổ đau nảy sinh trong cuộc sống. Mặt khác, đạo Phật hướng dẫn chúng ta cách kiểm soát tư tưởng tiêu cực của bản thân. Rất đơn giản, luyện tâm không là gì khác ngoài việc kiểm soát mọi phiền não trong tâm. Kiểm soát phiền não chính là luyện tâm. Luyện tâm chính là kiểm soát phiền não.

Bước thứ nhất là kiểm soát nóng giận, căng thẳng và đố kị. Làm sao để kiểm soát những phiền não này? Quý vị phải luyện tâm để kiểm soát chúng. Một khi đã luyện được tâm mình thì quý vị có thể kiểm soát những phiền não này. Đó chính là đạo Phật. Tôi vẫn thường nói một điều. Quý vị có theo đạo Phật hay không, quý vị có trở thành Phật tử hay không, đó là những vấn đề cá nhân. Tuy nhiên, trong cuộc sống, chúng ta luôn mong mỏi sống an lạc và hạnh phúc. Do đó, chúng ta cần biết mình phải làm gì để sống hạnh phúc. Chúng ta phải kiểm soát tâm mình, và phải luyện tâm. Rất nhiều điều có thể được thay đổi từ bên trong thông qua luyện tâm. Đạo Phật luôn đưa ra thông điệp như vậy. Tuy nhiên, nhiều người hiểu sai về đạo Phật. Họ cho rằng đạo Phật là một tôn giáo. Có một vị học giả nổi tiếng người Ấn Độ là tổ Atisha. Atisha đến Tây Tạng vào khoảng thế kỷ 11 hoặc 12. Khi đến Tây Tạng, Atisha thấy một người liên tục lễ lạy một ngôi chùa. Atisha nói với người đó, “Lễ lạy ngôi chùa là điều tốt, nhưng nếu anh có thể thực hành Pháp thì sẽ tốt hơn.” Lúc đó, người đàn ông kia nghĩ rằng lễ lạy một ngôi chùa không phải là thực hành Pháp, và anh ta bắt đầu tụng chú. Atisha nói, “Tụng chú là điều tốt, nhưng nếu anh có thể thực hành Pháp thì sẽ tốt hơn.” Anh kia nghĩ rằng tụng chú không phải là thực hành Pháp, và anh ta chuyển sang kinh hành quanh ngôi chùa. Atisha nói tương tự, “Kinh hành là điều tốt, nhưng nếu anh có thể thực hành Pháp thì sẽ tốt hơn.” Anh kia hoang mang và đến hỏi Atisha, “Tôi cảm thấy rất khó hiểu. Phải thực hành Pháp như thế nào?” Atisha trả lời, “Thực hành Pháp là luyện tâm.” Tôi cũng muốn nói với quý vị điều tương tự. Nếu quý vị tụng chú, điều đó rất tốt; nếu quý vị lễ lạy cũng rất tốt. Tuy nhiên, nếu quý vị có thể luyện tâm thì sẽ tốt hơn rất nhiều. Chỉ khi nào luyện được tâm mình thì quý vị mới có thể thấy lợi lạc của đạo Phật. Nếu không thể luyện tâm thì quý vị sẽ không thấy bất cứ lợi lạc nào của đạo Phật.

Luyện tâm rất đơn giản. Quý vị cần giảm thiểu mọi cảm xúc tiêu cực như giận dữ, lo âu, đố kị, chấp ngã… Tôi từng nghe một câu chuyện nổi tiếng ở Tây Tạng. Có một hành giả thực hành liên tục chín năm trong một hang động nhỏ. Ông ta bỏ ra chín năm để hành thiền trong hang. Khi hành thiền suốt chín năm, râu tóc và móng tay của ông mọc rất dài. Một ngày nọ, có một con chuột cắn đứt một bên tóc của ông. Sau chín năm, ông phát hiện một bên tóc của ông đã bị chuột gặm, còn bên kia thì vẫn mọc dài. Bởi ông ta nhập thiền rất sâu trong suốt chín năm nên ông ấy đã không biết tóc mình bị chuột cắn. Khi ông phát hiện một bên tóc của mình bị chuột cắn, ông đã rất giận dữ và hét lớn, “Ta sẽ giết con chuột nào cắn tóc ta!” Nếu vậy thì đâu là lợi ích của việc hành thiền suốt chín năm? Ông ta đã làm gì trong suốt chín năm đó? Tại sao ông ấy vẫn không để điều phục sân giận? Điều đó có nghĩa là trong chín năm ròng, ông ấy đã không thực hành gì cả, mà chỉ là tự ép mình thực hành mà thôi. Có sự khác biệt giữa thực hành gượng ép và thực hành thật sự. Có một vị thầy yêu cầu đệ tử hành thiền. Khi hành thiền, vị đệ tử không thể tập trung vào đề mục thiền, và anh ta hỏi thầy mình phải làm sao. Vị thầy chỉ luôn nói một điều: “Hãy tập trung! Tập trung! Tập trung!” Phương pháp này hoàn toàn không hiệu quả. Tương tự, trong suốt chín năm, ông hành giả đã không thực hành đúng cách nên ông ta không thể điều phục cơn giận của mình.

Ở đây, làm thế nào để luyện tâm? Luyện tâm có rất nhiều bước. Chỉ khi nào thực hành theo những bước này thì quý vị mới có thể luyện tâm. Có một câu chuyện nổi tiếng ở Tây Tạng. Một vị đệ tử hỏi thầy mình cách hành thiền. Vị thầy nói, “Con có thể thiền về bất cứ điều gì, nhưng không được thiền về con khỉ.” Bây giờ quý vị có thể biết điều gì sẽ hiện ra trong tâm người đệ tử. Vị thầy dạy không được thiền về con khỉ, nhưng mỗi khi người đệ tử cố gắng hành thiền thì con khỉ lại hiện lên trong tâm anh ta. Chúng ta phải biết tâm mình vận hành ra sao, điều này khá phức tạp. Làm sao để luyện tâm? Có vài bước để thực hành.

Có vài bước luyện tâm, tuy nhiên nếu tổng kết những điểm chính của luyện tâm thì quý vị sẽ đi đến hai điểm: trí tuệ và từ bi. Đây là hai điểm trọng yếu đối với việc luyện tâm. Từ bi là một trong những điểm trọng yếu giúp chúng ta sống an lạc, nó hướng dẫn chúng ta cách đào luyện tâm mình để có được lòng bi mẫn. Để phát khởi lòng bi mẫn, chúng ta phải thấu hiểu nỗi khổ của người khác. Lòng bi mẫn không liên quan đến bất kỳ tôn giáo nào; đó là một tình cảm cao quý của con người. Nếu nhìn cảnh một người mẹ cho con bú, chúng ta chỉ thấy cảnh tượng đó mà không thấy được tình yêu thương và lòng bi mẫn của người mẹ dành cho đứa con. Chúng ta không thấy được điều đó.

Một người mẹ có một đứa con trai và con trai bà đang làm việc ở một công ty. Khi đang làm việc, có một tai nạn xảy ra và đứa con qua đời ngay tại công ty đó. Giám đốc công ty gửi một lá thư cho người mẹ nói rằng ông ta rất tiếc và xin lỗi bà rất nhiều. Khi nghe tin con trai mình qua đời, người mẹ rất đau buồn và bà đã khóc. Khi người mẹ khóc, nước mắt của bà chảy đầy một cái bình, và người mẹ gửi bình nước mắt đến công ty. Khi bình nước mắt được gửi đến công ty, giám đốc công ty lo sợ bình nước có thể chứa chất độc nên ông ta gửi nó đến phòng thí nghiệm để kiểm tra. Kết quả phân tích từ phòng thí nghiệm cho thấy không có chất độc trong bình, mà chỉ có 70% nước, 20-30% muối, v.v… Người mẹ biết chuyện và gửi lá thư thứ hai đến công ty. Trong thư người mẹ nói, “Tôi nghe nói ông đã gửi bình nước mắt của tôi đến phòng thí nghiệm, và họ kết luận trong đó có 70% nước, 20-30% muối, v.v… Tuy nhiên, phòng thí nghiệm không thể tìm ra được một thứ trong nước mắt của tôi. Đó là nỗi đau và sự thống khổ của một người mẹ bị mất con trai. Phòng thí nghiệm không thể tìm ra điều đó.” Rất đúng! Khi chúng ta được sinh ra, mẹ cho chúng ta vài phần protein, vài phần can-xi…, nhưng chúng ta không nhận ra tình thương và lòng bi mẫn bao la của người mẹ. Ngay từ khi chào đời, chúng ta đã đón nhận tình thương và lòng bi mẫn từ mẹ. Đây là một điểm then chốt: Chúng ta cần lòng bi mẫn để sinh tồn.

Về cơ bản, mục đích của đạo Phật là để luyện tâm qua hai điểm, như tôi đã nói, từ bi và trí tuệ. Làm sao để chúng ta có trí tuệ? Điểm này phức tạp hơn và chúng ta cần rèn luyện nhiều hơn. Phát khởi từ bi là một dạng phát khởi tư tưởng tích cực. Những tư tưởng tích cực này thật sự giúp chúng ta đương đầu với nghịch cảnh. Khi thương yêu và bi mẫn đối với người khác, quý vị sẽ có thêm dũng khí để làm việc. Đôi khi, nếu có dũng khí thì mọi việc đều trở nên rất dễ dàng. Nếu không có tình thương và lòng bi mẫn đối với người khác thì quý vị chỉ lo nghĩ cho bản thân mình. Càng tập trung vào bản thân mình thì quý vị càng đánh mất chính mình, và quý vị sẽ căng thẳng và lo âu nhiều hơn. Đó là hệ thống quy luật của tư duy con người.

Bây giờ, làm thế nào để đào luyện trí tuệ. Đây là một chủ đề hoàn toàn khác, chúng ta cần được giảng giải nhiều hơn. Có lẽ hôm nay tôi dừng ở đây, và dành nhiều thời gian hơn cho phần hỏi đáp. Theo kinh nghiệm của tôi, nhiều lúc tôi không thể trả lời mọi câu hỏi. Lúc đầu người ta không giơ tay, nhưng sau đó thì lại giơ tay đặt rất nhiều câu hỏi và tôi không thể trả lời tất cả. Lần đầu tiên tôi đến Việt Nam, khi thảo luận Phật pháp thì có rất ít câu hỏi. Bây giờ thì đã có rất nhiều câu hỏi, nên tôi dành thời gian để trả lời các câu hỏi.

 

Hỏi: Phật giáo khác với tôn giáo như thế nào?

Rinpoche: Tôn giáo thường dựa vào quy tắc và luật lệ nhiều hơn. Các tôn giáo không dựa vào chân lý, mà họ dựa vào những gì họ tin tưởng. Đạo Phật dựa vào chân lý, chứ không phải đức tin. Đạo Phật dạy rằng trước hết hãy tìm chân lý, rồi mới tin theo. Tôn giáo lại nói rằng trước hết hãy tin và sau đó chấp nhận những điều mình tin như là chân lý. Đó là điểm khác biệt. Chính vì vậy, Đức Phật luôn dạy hãy phân tích, vì phân tích là chìa khóa để tìm ra chân lý. Phật dạy rằng trước hết hãy phân tích để tìm ra chân lý rồi mới tin theo. Tôn giáo lại nói rằng hãy tin trước rồi làm theo. Đó là khác biệt giữa đạo Phật và tôn giáo. Vì vậy, Đức Phật luôn khuyến khích phân tích để tìm ra chân lý.

 

Hỏi: Chúng con là những người tu sĩ từng thực tập thiền và đã từng nghe như Ngài dạy là chúng ta phải điều phục tâm mình và phải giữ tâm mình không rơi vào tình trạng nóng giận, ghen ghét, nhỏ nhen…; đó là tính xấu. Đôi khi chúng con cũng thực tập được giúp tâm an tĩnh và kiểm soát được tâm mình. Nhưng đôi khi chúng con bị chi phối bởi nhiều công việc, hoặc trong lúc phát khởi thì chưa có ý thức chánh niệm kịp thời. Xin Ngài dạy chúng con cách để chánh niệm kịp thời và chế ngự tâm mình ngay trong lúc mình có tâm niệm khởi lên khiến bản thân không có an lạc hạnh phúc?

Rinpoche: Nói về điều phục cơn giận thì có hai điểm. Khi không có đối tượng gây phiền não, khi sống ở nơi biệt lập, khi cơn giận không trỗi dậy, điều đó không có nghĩa là quý vị đã điều phục được cơn giận. Đó chỉ là không có điều kiện để cơn giận phát khởi mà thôi, cơn giận chưa trỗi dậy và quý vị cũng chưa thể điều phục nó. Thậm chí với một con chó, nếu không có ai ghẹo con chó thì nó sẽ chẳng bao giờ nổi giận, và điều đó không có nghĩa là con chó đã điều phục cơn giận. Điều phục sân giận là điều hoàn toàn khác. Tôi có một kinh nghiệm khi đến một cửa hàng bán thú cưng. Người bán hàng nói rằng ông ta có thể huấn luyện chó. Nếu một con chó đang hiền lành thì ông ta có thể huấn luyện nó trở nên rất hung dữ và có thể tấn công người. Tôi hỏi ông ấy, “Nếu tôi mang đến một con chó hung dữ thì ông có thể huấn luyện nó trở nên hiền lành không?” Đã điều phục sân giận và sân giận không phát khởi là hai điều hoàn toàn khác nhau.

Bây giờ đến điểm thứ hai, làm sao thể đào luyện tỉnh thức và chánh niệm? Có vài điểm chúng ta cần tư duy để phát khởi chánh niệm. Bước thứ nhất là chúng ta phải quán sát tâm mình: Mình đang nghĩ gì? Mình đang nói gì? Thậm chí khi không nổi giận, chúng ta vẫn phải quán sát nội tâm và liên tục kiểm tra xem mình đang nghĩ gì. Bước thứ hai là chúng ta phải luôn nghĩ đến khuyết điểm của sân giận, và khuyết điểm của chấp ngã. Chúng ta phải nghĩ đi nghĩ lại về chúng. Thường thì chúng ta nghĩ đến khuyết điểm của người khác nhiều hơn. Chúng ta phải nhìn lại những phiền não của bản thân như sân giận, chấp ngã.. và chúng ta phải suy đi nghĩ lại về tác hại của những cảm xúc này. Càng nghĩ nhiều về tác hại của sân giận thì mỗi khi nổi giận, chúng ta có thể ngay lập tức nhận ra là mình đang nổi giận. Bước thứ ba, khi đã nhận ra mình đang nổi giận thì quý vị phải tiến hành kiểm soát cơn giận. Rất đơn giản, khi biết mình đang nổi giận, quý vị phải đánh lạc hướng tâm mình ra khỏi cơn giận.

 

Hỏi: Nếu mình bị một người chọc giận và áp dụng phương pháp dập cơn giận thì người kia thấy mình không phản kháng, người đó dễ tiếp tục. Vậy mình có nên bộc lộ một ít tức giận để người ta hiểu mà tránh không?

Rinpoche: Chúng ta phải kiểm soát cơn giận chứ không phải hành động. Tôi có một kinh nghiệm. Một lần nọ, tôi nói về kiểm soát nóng giận tại một trại cải tạo vị thành niên ở Đài Loan. Có một đứa trẻ hỏi tôi, “Nếu có người đấm vào mặt ông thì ông có nổi giận không? Ông sẽ làm gì?” [Đại chúng cười] Tôi nói, “Không! Nếu có người đấm vào mặt tôi, tôi sẽ không nổi giận nhưng tôi sẽ tìm luật sư giỏi để kiện người đó.” [Rinpoche cười] Chúng ta đang nói về kiểm soát cơn giận, chứ không phải kiểm soát hành vi. Với cùng một công việc, làm việc mà không nóng giận sẽ tốt hơn rất nhiều so với làm việc mà lại nổi giận. Nếu nổi giận trong lúc hành động thì đôi khi quý vị không thể kiểm soát được hệ quả của hành động. Nếu làm việc mà không nóng giận thì quý vị sẽ có thể kiểm soát kết quả.

 

Hỏi: Con muốn hỏi về ba bước kiểm soát nóng giận như thầy vừa nói: bước thứ nhất là chánh niệm, bước thức hai là nhận biết nóng giận, và bước thứ ba là làm phân tâm khỏi sự nóng giận. Con muốn hỏi thêm về bước thứ ba, mình làm phân tâm khỏi sự nóng giận như thế nào? Làm phân tâm như vậy có tác dụng xua đuổi sự nóng giận ở lần sau không, có diệt tận gốc sự nóng giận không?

Rinpoche: Làm như vậy không thể tận diệt gốc rễ của sân giận. Gốc rễ của sân giận đến từ bản ngã. Nếu muốn tận diệt gốc rễ của sân giận, quý vị phải đoạn trừ bản ngã. Để đoạn trừ bản ngã thì quý vị phải chứng ngộ tánh không. Một lần nọ, có người nhổ nước bọt vào mặt Phật, và Ngài vẫn mỉm cười. Người nhổ vào mặt Phật đã không thể tin là Ngài vẫn có thể mỉm cười. Ngày hôm sau, ông ta đến gặp Phật để xin Ngài tha lỗi. Đức Phật nói, “Tôi không thể tha lỗi cho ông, vì ngay từ đầu tôi đã không hề nổi giận với ông. Ông nên xin lỗi thầy A-nan (Ananda), thầy ấy sẽ rất vui vì A-nan đã nổi giận. Ông hãy xin lỗi A-nan, thầy ấy sẽ rất vui.” Sân giận nảy sinh từ bản ngã. Để chặt đứt bản ngã, quý vị phải chứng ngộ tánh không của bản ngã; đó chính là tánh không. Khi đã chứng ngộ tánh không của bản ngã, quý vị sẽ không còn chấp ngã. Khi không còn chấp ngã thì bản ngã không còn cơ hội sinh khởi. Không còn bản ngã thì không còn sân giận, và sẽ không còn ác nghiệp và không còn luân hồi. Chúng ta sẽ có một thời pháp khác về Bát Nhã Tâm Kinh.

 

Hỏi: Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Kính bạch thầy, vừa rồi thầy có dạy chúng con trong cuộc sống điều phục tâm bằng hai cách, một là từ bi, hai là trí tuệ. Từ bi thì thầy đã dạy chúng con rồi, thế còn phần trí tuệ thì con cũng vẫn thấy rất khó. Nếu muốn điều phục tâm bằng trí tuệ thì thực hành như thế nào? Con mong thầy từ bi hoan hỷ chỉ bảo cho chúng con! A Di Đà Phật!

Rinpoche: Nói về trí tuệ, không thể giảng giải chủ đề này một cách ngắn gọn được. Thậm chí Đức Phật đã mất 40 năm để giảng về trí tuệ. Phật đã dùng gần 40 năm để giảng về trí tuệ và tánh không. Nếu tôi buộc phải giảng giải một cách ngắn gọn tầng mức cao nhất của trí tuệ, thì đó chính là “sắc tức là không, không tức là sắc, sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc.” [Đại chúng vỗ tay]

 

Hỏi: Con có một câu hỏi đến thầy là làm sao để chiến thắng bản thân và kiềm chế ham muốn của mình? Làm sao để mạnh mẽ hơn và dũng cảm hơn?

Rinpoche: Khi anh nói “giảm ham muốn,” đặc biệt là ở độ tuổi này [tuổi trẻ], anh có chắc là mình đang đi đúng hướng không? [Rinpoche cười] Chúng ta cần phải biết một điều, đặc biệt là giới trẻ. Tôi biết rằng các bạn đều muốn thành công trong cuộc sống. Đâu là chìa khóa của thành công? Chìa khóa thứ nhất của thành công đó là ham muốn. Thành công chỉ có thể khởi đầu với ham muốn. Nếu không có ham muốn thì làm sao các bạn thành công được? Nếu muốn trở thành kiến trúc sư thì các bạn phải có ước muốn trở thành kiến trúc sư. Tôi thấy các bạn còn rất trẻ, và tôi biết các bạn đang khởi nghiệp. Trong cuộc sống, thành công luôn quan trọng. Có một lần, tôi nói rằng tôi là một tu sĩ không có phương hướng trong cuộc sống, người đã mất phương hướng, còn các bạn đều có ham muốn. Trong cuộc sống, nếu muốn thành công thì các bạn phải có ham muốn.

Theo quan điểm của đạo Phật, đôi khi ham muốn của con người rất kỳ lạ. Đôi lúc, họ có những ham muốn không thực tế. Một ví dụ đơn giản, khi có quá nhiều ham muốn thì các bạn không thể tập trung vào một ước muốn. Khi từ trường học về nhà, các bạn nảy sinh ước muốn xem TV, Facebook, và làm bài tập; có ba mong muốn như vậy. Các bạn ưu tiên cho mong muốn nào? Có lẽ là Facebook và TV. Các bạn phải từ bỏ những mong muốn như thế. Đức Phật dạy “giảm ham muốn” [“thiểu dục”], nhưng Ngài chưa từng nói là phải từ bỏ mọi ham muốn. Ngài dạy là thiểu dục. Nếu có quá nhiều ham muốn thì chắc chắn chúng ta sẽ thất bại. Nếu có ít ham muốn, chúng ta có thể tập trung tốt hơn, làm việc chăm chỉ hơn và chúng ta sẽ thành công. Như tôi đã cho ví dụ, khi đi học về, có thể các bạn sẽ có rất nhiều mong muốn như dùng Facebook, xem TV… Càng có nhiều ham muốn sẽ càng làm mất tập trung và các bạn không thể chú tâm làm việc. Đối với mọi ham muốn, các bạn phải xem xét hệ quả của nó. Các bạn cần giữ lại những ham muốn mang đến kết quả tốt.

 

Hỏi: Tình yêu đích thực là gì? Đâu là nguồn gốc của tình yêu? Người ta thường nói yêu mới ghen, không yêu thì không ghen, con muốn hỏi là mình nên ghen hay không nên ghen trong tình yêu?

Rinpoche: Tôi sẽ cho quý vị một ví dụ. Một người đàn ông chuẩn bị kết hôn trong vòng một tuần, và anh ta muốn tôi chúc phúc cho đời sống hôn nhân của anh. Tôi hỏi anh, “Tại sao anh lại muốn cưới cô ấy?” Anh ta nói với tôi rằng nếu anh cưới cô ấy thì anh sẽ hạnh phúc hơn. Tôi nói, “Anh đã sai! Anh nên nghĩ rằng nếu cưới cô ấy thì vợ anh sẽ hạnh phúc hơn.” Đó mới là tình yêu đích thực. Tình yêu theo cách nghĩ ban đầu của anh ta không phải là tình yêu đích thực.

Điểm thứ hai, khi yêu ai đó, quý vị đừng mong chờ điều gì cả. Nếu mong chờ điều gì đó thì tình yêu không còn trong sáng nữa. Quý vị yêu ai đó 50%, 70% hay 100% là ước muốn của quý vị. Khi toàn tâm toàn ý yêu một ai đó, quý vị đừng mong đợi người đó cũng sẽ yêu mình 100%. Nếu mong chờ như vậy thì sẽ rất khó khăn. Một người yêu hoa không bao giờ mong chờ hoa sẽ yêu lại mình. Nếu mong chờ như vậy thì sẽ rất khó khăn. Chính vì vậy, điểm thứ hai là đừng kỳ vọng khi yêu.

Thứ ba, khi yêu ai đó, quý vị đừng cố sở hữu họ. Nếu cố sở hữu người khác thì khó khăn sẽ đến. Con người không giống với loài thú, chúng ta không thể lúc nào cũng kiểm soát người khác.

Tuy nhiên, quý vị đừng hiểu lầm tôi! Tôi muốn kể một câu chuyện. Có một cô gái đến gặp một vị thầy. Mẹ cô dẫn cô đến gặp vị thầy đó, và xin thầy cho cô vài lời khuyên, vì cô gái đó vừa chia tay bạn trai. Vị thầy bắt đầu khuyên giải cô gái. Cô gái hỏi vị thầy, “Thầy đã từng yêu chưa?” Vị thầy đáp, “Chưa.” Rồi cô gái nói, “Vậy thì thầy không hiểu vấn đề phức tạp này đâu.” [Đại chúng cười] Quý vị đừng nghĩ tôi cũng gống như vậy. Tuy tôi là một tu sĩ từ lúc còn nhỏ, nhưng tôi đã làm luận án tiến sĩ về Phật học. Phật giáo là khoa học về tâm. Do đó, tôi hiểu rõ khoa học về tâm, cách vận hành của tâm.

 

Hỏi: Trong cuộc sống hiện đại, mình cần phải học tập, làm việc, phát triển. Mình luôn muốn trong tâm bình yên, tuy nhiên trong công việc sự cạnh tranh, ganh đua và ganh ghét nhau có thể xảy ra. Khi mình cứ bình yên mãi, cứ hiền mãi thì mình sẽ không phát triển, sẽ không có động lực; nhưng nếu mình chạy theo sự ganh đua thì mình không có hạnh phúc tại tâm. Vậy con muốn hỏi thầy có phương pháp nào để dung hòa không?

Rinpoche: Đây là một câu hỏi rất hay. Nói chung, tôi có thể hiểu rằng ở trường học và nơi làm việc, quý vị phải đối mặt với nhiều sự cạnh tranh. Khi làm những công việc mang tính cạnh tranh, quý vị phải luôn nhớ một điều: kết quả không nằm trong tay chúng ta. Đôi lúc, trong khi làm những công việc mang tính cạnh tranh, chúng ta quan tâm quá mức đến kết quả. Khi làm những việc cạnh tranh, đôi khi chúng ta phải thật sự đối mặt với rất nhiều khó khăn, căng thẳng và lo âu. Khi làm công việc manh tính cạnh tranh thì quý vị đừng kỳ vọng kết quả. Chỉ cần tập trung vào việc mình đang làm thôi, đừng quan tâm đến kết quả.

Thứ hai, quý vị phải nhìn vào mặt cơ hội. Mọi sự tranh đua đều có một mặt khác của nó, đó là cơ hội. Mọi thời cơ đều có mặt khác của nó, đó là cạnh tranh. Nhìn vào mặt tranh đua hay mặt cơ hội, điều đó tùy thuộc vào quý vị. Nếu nhìn vào mọi thử thách, chúng ta sẽ thấy mọi khó khăn đều mang theo thời cơ, và mọi thời cơ đều mang theo thử thách. Quý vị phải nhìn thấy thời cơ trong từng thách thức. Đừng nhìn vào thách thức trong mọi thời cơ. Do đó, quý vị phải nhìn vào mặt cơ hội. Ví dụ, nếu quý vị nhìn vào cuộc đua Olympic, có 10 người thi chạy trong sân, một cuộc đua rất khốc liệt. Tuy nhiên, người ta chỉ có một phần triệu cơ hội để được thi tài trên đường chạy đó. Vậy thì những vận động viên đó may mắn hay đen đủi? Người nhìn vào mặt cơ hội sẽ nói là may mắn. Người nhìn vào mặt khó khăn sẽ nói là đen đủi. Với mọi sự cạnh tranh, quý vị phải nhìn vào mặt tích cực của nó.

 

Hỏi: Con muốn hỏi về việc điều kiện tự nhiên ảnh hưởng đến sự sân hận của con người nói chung. Thế giới hiện đại ngày nay có một vấn đề là khủng bố. Con để ý là ở những nước Trung Đông, điều kiện thời tiết rất khắc nghiệt có ảnh hưởng đến tâm lý con người và tạo nên sự sân hận ở con người không? Con xin hỏi thầy sự ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên đến tâm lý con người?

Rinpoche: Điều kiện tự nhiên có thể ảnh hưởng đến tâm tánh con người, nhưng không nhiều. Do đó, quý vị có thể thay đổi hoàn toàn tâm mình trở nên tốt đẹp hơn.

Cảm ơn quý vị! Bây giờ tôi sẽ tụng một bài cầu nguyện ngắn, và chúng ta sẽ dừng. Qua bài cầu nguyện này, tôi hy vọng và cầu nguyện cho tất cả quý vị đều hạnh phúc và luyện tâm thành công.

 

Ban Biên Tập Dipkar Việt Nam dịch và hiệu đính @30/05/2015.

 

Nguyện cho các Bậc Thầy kính yêu phúc thọ an khang,

Nguyện cho cơn mưa to Mật pháp tối thượng thấm nhuần khắp mọi nơi,

Nguyện cho mật nhủ Kim Cang Thừa xuôi dòng Cửu Long đến tận quê hương tôi,

Nguyện cho giáo pháp diệu thâm của Đức Thích Ca chiếu sáng đời đời.