• Vừa rồi Ngài có giảng về tâm bồ-đề. Mong Ngài giải thích rõ hơn về tâm bồ-đề.
    Luyện tâm

    Tâm bồ-đề là tâm suy nghĩ đến lợi lạc của tất cả chúng sinh hữu tình. Tôi sẽ tiếp cận trên phương diện lý thuyết và thực hành.

    Trên phương diện lý thuyết, tâm nghĩ đến lợi lạc của tất cả chúng sinh chính là tâm bồ-đề. Trong cuộc sống, có rất nhiều điều chúng ta không thể làm được. Nếu quý vị chỉ có một đô-la và thấy một trăm người ăn xin, quý vị không thể làm được gì. Quý vị buộc phải chấp nhận, dù lúc đó quý vị phát khởi lòng bi mẫn mạnh mẽ đối với họ. Tôi nhớ đến một chuyện ở Ấn Độ. Tôi đã cho một người ăn xin 2 rupees Ấn Độ và anh ta nói với tôi, “Ôi, thầy ơi! Thời này 2 rupees cũng không thể mua được một ly trà.” [Rinpoche cười]. Đôi lúc chúng ta phải chấp nhận dù lúc đó tâm ta phát khởi lòng bi mẫn mạnh mẽ đối với người khác. Có lúc chúng ta cảm thấy mình rất vô dụng. Về điểm này, đôi khi quý vị cảm thấy buồn hay tuyệt vọng; đó không phải là tâm bồ-đề chân thật. Tâm bồ-đề chân thật là lòng bi mẫn đầy dũng khí. Đó mới là tâm bồ-đề chân thật. Có một câu nói rất nổi tiếng, “Cho đến khi nào hư không còn, con nguyện tiếp tục hiện diện trên cõi đời này để làm lợi lạc cho hết thảy chúng sinh hữu tình. Với tâm nguyện đó, con nguyện tái sinh trở lại nhiều lần để làm lợi lạc cho hết thảy chúng sinh.” Trên phương diện lý thuyết, chúng ta phải tư duy như vậy.

    Về mặt thực hành, hãy nhắm mắt lại và quán tưởng tất cả bạn bè, tất cả mọi người, bất cứ ai… đang hiện diện trước mặt quý vị. Khi thở vào, hãy nghĩ rằng quý vị đang nhận về mình tất cả mọi khổ đau của họ. Khi thở ra, hãy nghĩ rằng quý vị đang trao tặng họ tất cả an lạc hạnh phúc của mình. Khi thở vào, hãy nghĩ rằng mọi khổ đau của họ đi vào lỗ mũi trái của quí vị dưới dạng tia màu đen. Khi thở ra, hãy nghĩ rằng tất cả mọi hạnh phúc an lạc của quý vị thoát ra lỗ mũi phải dưới dạng tia màu trắng và đến với họ. Đây là phương pháp thực hành tâm bồ-đề chân thật. Quý vị có thể thực hành một, hai, hoặc ba lần. Đôi lúc, nếu không phân tích kỹ thì chúng ta sẽ bị nhầm lẫn giữa lòng bi mẫn và cảm xúc nhất thời. Cảm xúc nhất thời không tồn tại lâu. Khi quý vị phát khởi được lòng bi mẫn chân thật, nó tồn tại rất lâu dài. Lòng bi mẫn và tình thương chân thật dành cho người khác hiện diện rất lâu dài. Cảm xúc nhất thời đến rồi lại đi.

    Tôi nguyện cho tất cả quý vị thành tựu tâm bồ-đề và Phật quả càng sớm càng tốt. Nếu quý vị đắc Phật quả trước tôi thì đừng quên tôi! Hãy nhớ đến tôi! [Rinpoche và đại chúng cười] Bất cứ nơi nào tôi đến, tôi đều nói điều này; câu nói này nửa đùa nửa thật [Rinpoche cười].

  • Khi thực hành thở vào nhận về tất cả khổ đau của người khác và thở ra trao tặng họ tất cả hạnh phúc dưới dạng ánh sáng, khi thực hành điều này thì có biện pháp phòng hộ nào hay không? Với những người bình thường, nếu thực hành nhận vào năng lượng tiêu cực mà không thể chuyển hóa chúng thành năng lượng tích cực thì sẽ nguy hiểm khi họ không được phòng hộ. Như vậy, khi thực hành có cần điều kiện tiên quyết nào không?
    Luyện tâm

    Khi thở vào, nghĩ rằng quý vị đang nhận về tất cả khổ đau của người khác. Khi thở ra, nghĩ rằng quý vị trao tặng người khác mọi hạnh phúc của mình. Đây là một điểm khá lắt léo. Vì sao tôi nói điểm này lắt léo? Khi gửi tiền vào ngân hàng, quý vị phải đợi ít nhất sáu tháng hoặc một năm mới có lãi. Trong sáu tháng đó, trong tay quý vị hoàn toàn không có tiền. Hành thiền cũng giống như vậy. Khi quý vị thở vào và nghĩ rằng mình nhận về tất cả khổ đau của người khác, điều này cũng giống như gửi tiền vào ngân hàng, lúc đó quý vị cạn hết tiền. Bất kể mọi điều tiêu cực nào vào cơ thể quý vị, chúng sẽ tịnh hóa ác nghiệp của quý vị. Một khi đã tịnh hóa mọi ác nghiệp thì quý vị sẽ không gặp trở ngại nào, khi đó quý vị bắt đầu nhận tiền lãi. Khi đó quý vị mới bắt đầu có lãi. Vì vậy, bây giờ quý vị cần phải gửi tiền vào ngân hàng, và quý vị phải đợi ít nhất một năm nữa mới có tiền lãi. Tôi không chắc về lãi suất ngân hàng Việt Nam nhưng tôi hy vọng nó không thấp như lãi suất ngân hàng Châu Âu [Rinpoche cười].

  • Vì sao chúng ta luôn sợ một điều gì đó? Nỗi sợ hãi là gì và làm cách nào để vượt qua sợ hãi?
    Luyện tâm

    Có rất nhiều điều chúng ta chỉ có thể biết qua kinh nghiệm, chứ không thể nào diễn giải bằng lời. Ví như vị ngọt, quý vị chỉ có thể biết qua kinh nghiệm, quý vị không thể biết vị ngọt qua ngôn từ. Nỗi sợ hãi cũng chỉ được biết qua kinh nghiệm. Hiểu biết về nỗi sợ qua ngôn từ không quan trọng, điều quan trọng nhất là biết cách vượt qua nỗi sợ. Chúng ta sợ rất nhiều điều. Nỗi sợ tồi tệ nhất chính là sợ chết. Đây là nỗi sợ tồi tệ nhất với tất cả mọi người. Quý vị sợ chết vì quá bám chấp. Khi quá bám chấp vào một điều gì đó, quý vị sẽ sợ mất đi điều đó. Nếu quá bám chấp vào cái đồng hồ thì quý vị sợ mất nó. Tôi có một thí dụ, đây là chuyện có thật. Một dịp nọ, trong một chuyến du hành, máy bay của tôi chuẩn bị đáp xuống sân bay Dehli. Lúc đó, chúng tôi chưa hạ cánh xuống Dehli mà vẫn còn đang bay. Trên máy bay không có nhiều hành khách. Lúc đó, đột ngột có một tia sét đánh gần máy bay. Tôi thấy tia sét qua cửa sổ. Mọi người trên máy bay đã rất hoảng loạn và họ la hét. Thậm chí tiếp viên hàng không cũng đã vô cùng hoảng hốt. Tôi nghĩ nếu có thêm một tia sét thứ hai đánh trúng động cơ thì mọi chuyện đã kết thúc [Rinpoche cười]. Trong vài giây tôi đã rất sợ hãi. Sau đó, tôi nhớ đến pháp thực hành về cõi Tịnh Độ. Tôi đã bắt đầu thực hành chuẩn bị cho đời sau. Khi tôi bắt đầu thực hành thì mọi nỗi sợ hãi đều đã tan biến. Thật sự lúc đó chiếc máy bay bay loạng choạng như đường zig-zag, nhưng tâm tôi hoàn toàn không sợ hãi. Tôi không sợ hãi vì khi đó tôi không bám chấp vào đời này; tôi đang chuẩn bị cho đời sau. Khoảng 10 đến 15 phút sau, người ta thông báo máy bay chuẩn bị hạ cánh. Sau khi máy bay đáp xuống mặt đất, lúc đó tôi cảm thấy sợ hãi trở lại [Rinpoche cười], vì tôi không còn nghĩ đến đời sau nữa mà đã bám chấp trở lại vào đời này. Nỗi sợ là như vậy. Khi quý vị quá bám chấp vào điều gì đó, đó là một nguyên nhân gây ra nỗi sợ.

    Thứ hai, những suy nghĩ không cần thiết cũng là nguyên nhân của nỗi sợ. Giả sử bây giờ quý vị phải ra khỏi nhà, nếu suy nghĩ quá nhiều đến những thứ không cần thiết thì quý vị sẽ cảm thấy sợ hãi. Thí dụ, nếu quý vị nghĩ rằng có thể bên ngoài có chó, rắn, và chúng sẽ cắn mình, thì những suy nghĩ như vậy sẽ khiến quý vị lo sợ. Khi quý vị có một suy nghĩ không cần thiết thì tự động tâm sẽ nghĩ đến điều thứ hai, và hai điều sẽ khơi dậy bốn điều… Các tư tưởng không cần thiết rất lạ thường. Nếu quý vị đang lái xe và cứ nghĩ mình có thể gặp tai nạn, xe khác có thể đụng mình, nếu cứ nghĩ như vậy thì quý vị sẽ sợ lái xe. Do đó, suy nghĩ không cần thiết sẽ tạo ra nỗi sợ hãi.

    Có một số giải pháp để vượt qua nỗi sợ. Quý vị phải luôn nhắc nhở bản thân rằng “Tôi sẽ chấp nhận tất cả.” Chúng ta cần phải suy nghĩ mãnh liệt như vậy, một lần, hai lần, và dần dần nỗi sợ sẽ không còn. Do đó, quý vị phải luôn nhắc nhở bản thân rằng “Tôi sẽ chấp nhận tất cả mọi kết quả.” Đức Phật đã dạy một điều, “Nếu đã tạo ác nghiệp trong đời quá khứ thì bạn phải gánh chịu hậu quả; nếu không làm gì sai trái thì bạn không phải gánh chịu bất cứ điều gì.” Vì vậy, quý vị phải nghĩ rằng sợ hãi không có ích lợi gì, lo lắng cũng không có ích lợi gì. “Nếu trong đời quá khứ tôi đã tạo ác nghiệp thì giờ đây tôi không thể trốn thoát; nếu tôi không làm gì sai thì chẳng có gì xấu xảy ra với tôi.” Hãy chấp nhận tất cả mọi việc xảy đến trong cuộc sống của quý vị. Một học giả vĩ đại đã có một câu nói rất hay, “Khi đối mặt với khó khăn và thử thách, hãy nhìn nhận cẩn thận để xem có phương án giải quyết hay không. Nếu bạn có giải pháp thì cớ gì phải lo lắng và sợ hãi? Nếu bạn không có giải pháp thì lo lắng có ích gì?” Quý vị cần nhìn nhận theo cách này. Nếu nghĩ được như vậy một lần, hai lần, dần dần quý vị sẽ thấy tâm lý của mình thay đổi rất khác biệt. Tôi sẽ cho quý vị một thí dụ. Nếu có một người nào đó đưa tiền bằng hai tay cho quý vị thì quý vị sẽ nghĩ như thế nào? Tôi nghĩ người Việt Nam không cảm thấy có gì sai cả. Nhưng nếu làm như vậy với người Nhật Bản thì đó là việc rất tồi tệ. Thông thường, họ để tiền hoặc bất cứ món đồ nào lên bàn và đẩy chúng tới người đối diện. Có sự khác biệt lớn trong cách nhìn của người Nhật so với người Trung Hoa, họ đã tự gầy dựng một đường lối tư duy khác biệt như vậy. Đường lối tư duy của chúng ta cũng giống như chương trình máy tính, chúng ta có thể tạo ra chúng. Vì vậy, chúng ta cần gỡ bỏ vài chương trình và cài vào một số chương trình mới. Đức Phật đã tạo ra những chương trình này và chúng hoàn toàn miễn phí [Rinpoche và đại chúng cười].

  • Khi hy vọng vào một ai đó hoặc một điều gì đó mà bị thất vọng nhiều lần thì có nên tiếp tục kỳ vọng vào người đó hoặc việc đó nữa hay không?
    Luyện tâm

    Khi bạn hy vọng vào một ai đó thì tùy thuộc vào cách bạn đặt hy vọng. Khi bạn hy vọng vào một người, bạn sẽ kỳ vọng rất nhiều và điều đó sẽ làm bạn thất vọng. Khi bạn tin tưởng ai đó và ít kỳ vọng hơn thì niềm hy vọng đó sẽ không làm tổn thương bạn. Trong đời sống hàng ngày của chúng ta, khi yêu thương ai đó thì đôi lúc chúng ta lại kỳ vọng vào họ quá nhiều. Quá nhiều kỳ vọng sẽ làm cho tình thương yêu của bạn không còn thuần khiết nữa. Khi các bạn tin tưởng ai đó, việc phân tích là quan trọng hàng đầu. Thứ hai, không chỉ phân tích mà bạn còn phải xem xét năng lực của người mà bạn đặt niềm tin vào họ. Khi tôi ở Việt Nam, bất cứ khi nào tôi nói về vấn đề sức khỏe thì tất cả mọi người đều trở thành bác sĩ. Nếu tôi tin họ là bác sĩ thì đó quả là một niềm tin mạnh mẽ [Thầy cười]. Ngay cả khi họ không phải là bác sĩ nhưng lại cư xử như họ là bác sĩ thì đó là niềm tin sai lạc. Có nhiều cách tin tưởng, bạn cần phải biết khả năng của họ. Vì lẽ đó mà khi bạn tin tưởng một người thì có hai việc bạn cần phải chú ý. Điều thứ nhất là phải phân tích. Điều thứ hai là khả năng của người đó, họ có thể thật sự làm được gì.

  • Nếu chúng ta ở trong nhà hoặc một nơi rất dễ để đối trị với cơn nóng giận thì không sao; nhưng nếu đang đi xe hoặc ở trong cơ quan, mỗi ngày chúng ta đều có những cơn nóng giận, chúng ta cố gắng kiểm soát theo ba bước thầy vừa dạy nhưng tiến hành hoài mà vẫn không kiểm soát được. Vậy phải làm sao khi thực hiện ba bước này mà vẫn không kiểm soát được cơn tức giận?
    Luyện tâm

    Tôi sẽ kể kinh nghiệm của tôi khi đối mặt với cuộc sống. Khi đó, tôi ở Nam Ấn. Ở Nam Ấn có rất ít Phật tử nên chúng tôi phải đối mặt với những khó khăn khi chung sống với nhiều người theo các truyền thống tôn giáo khác nhau. Một số sự việc đã xảy ra trong cuộc sống của tôi. Một ngày nọ, tôi đi ngang qua một quán rượu. Một người đàn ông say rượu đến trước mặt tôi, la hét và yêu cầu tôi vào quán rượu. Tôi chỉ phớt lờ ông ta và đi tiếp. Sau đó, người đó đuổi theo tôi và đến đứng trước mặt tôi. Ông ta la mắng tôi với thái độ rất tức giận, hỏi tại sao tôi lại phớt lờ ông ta. Tôi chỉ chắp tay lại, cúi đầu xuống và nói “Tôi xin lỗi.” Sau đó, người say trở nên bình tĩnh lại và bỏ đi. Do vậy, quý vị thật sự có thể làm những điều tương tự mà không gặp trở ngại nào.

    Một dịp nọ, một việc đã xảy ra khi tôi vào thành phố để đến nhà sách. Ở đó, họ phát sách miễn phí. Đặc biệt, họ phát miễn phí sách bắt lỗi những tu sĩ Phật giáo. Các học trò của tôi nói rằng tôi không nên đến đó vì nội dung sách buộc tội tu sĩ Phật giáo. Nhưng tôi đã đến trước quầy phát sách đó và nói người ta đưa tôi một quyển sách. Tôi nhận quyển sách, chắp tay lại và cúi đầu trước người đó. Lúc đó, sắc mặt của anh ta thay đổi hoàn toàn, cách ứng xử của anh ta đối với tôi cũng thay đổi hoàn toàn. Chúng ta phải biết rằng trong cuộc sống, có rất nhiều người không muốn hợp tác với chúng ta, nhưng ít nhất chúng ta phải cố gắng hợp tác với cảm xúc của chính mình. Đây là điều rất quan trọng.

    Thật sự có rất nhiều khó khăn xảy đến trong cuộc sống của chúng ta. Tôi sẽ cho một thí dụ đơn giản. Lần trước, tôi có chuyến đi từ Mông Cổ đến Ấn Độ. Ở Mông Cổ, thủ tục lên máy bay rất suôn sẻ. Bởi Mông Cổ là một quốc gia Phật giáo nên họ cho tôi vào cổng VIP. Nhưng khi tôi đến sân bay Ấn Độ, nhân viên sân bay cư xử với tôi khá gay gắt. Họ hỏi tôi ở lại Ấn Độ bao lâu. Tôi trả lời là tôi không chắc. Khi đó nhân viên hải quan nói với tôi, “Ông không biết ông ở lại bao lâu thì ông đến đây làm gì?” [Rinpoche cười]. Những lời nói như vậy không làm tổn thương tôi. Tôi vẫn không mất kiên nhẫn và vẫn tôn trọng ông ta. Đó chỉ là một bài tập nhỏ. Nếu lúc đó tôi nổi giận thì tôi không giúp được gì cho mình, và cũng không có ích lợi gì cho ông ta. Thật sự điều này khó, nhưng khi cố gắng thực hành thì càng ngày sẽ càng dễ hơn.

    Trong cuộc đời Đức Phật, một số người đã nhổ vào mặt Phật nhưng Ngài vẫn mỉm cười. Khi còn nhỏ, tôi nghĩ đến pháp hành này như chuyện thần thoại. Nhưng khi tôi thực hành thì thấy rằng đó không phải là chuyện thần thoại nữa. Tôi đảm bảo rằng nếu quý vị thực hành thì càng ngày sẽ càng dễ thực hiện hơn. Đó là kinh nghiệm của tôi. Nếu có thể thay đổi được như vậy thì cuộc sống của quý vị sẽ thay đổi rất nhiều, nhất là đời sống nội tâm.

  • Thứ nhất, đôi lúc chúng ta không có cơ hội để đối thoại với những người làm cho mình tức giận như trong ví dụ của thầy để giải tỏa cơn giận. Thứ hai, chúng ta đã biết rất nhiều về lý thuyết và đã áp dụng trong thời gian dài; dù vậy trên thực tế phần lớn chúng ta vẫn không loại bỏ được những cơn tức giận hay căng thẳng trong cuộc sống. Khi đó chúng ta cần làm những gì?
    Luyện tâm

    Trước hết, tôi không nói rằng khi áp dụng ba bước này, quý vị hoàn toàn không còn nóng giận nữa. Áp dụng ba bước này sẽ giúp quý vị giảm thiểu nóng giận. Đầu tiên, khi áp dụng quý vị phải đặt ra mục tiêu giảm ít nhất 10% sân giận. Giảm được 10% đã là một thành công rất lớn. Đây là mục tiêu đầu tiên quý vị cần đặt ra. Khi áp dụng ba bước này, tôi không nói quý vị có thể hoàn toàn loại bỏ sân giận 100%. Nếu quý vị loại bỏ được sân giận 100% thì quý vị đã thành Phật rồi. Điều đó cần rất nhiều thời gian. Quý vị phải đặt mục tiêu giảm được 10%, 20% rồi 30%. Ít nhất trong một tháng quý vị phải đạt được mục tiêu giảm 10% sân giận. Quý vị nói rất đúng, trong cuộc sống hằng ngày có rất nhiều tình huống khiến chúng ta nổi giận. Nhưng điều chúng ta cần xem xét lúc này là làm thế nào để giảm bớt sân giận. Đó là tất cả những gì chúng ta cần làm. Nếu không giảm được 100% thì ít nhất hãy cố gắng giảm 10%. Đó là mục tiêu của chúng ta. Với kinh nghiệm của tôi, tôi cảm nhận rằng tôi đã có thể giảm 60% nóng giận. Nếu ai đã giảm nóng giận 100% thì người đó đã thành Phật rồi. Do đó, tôi chúc quý vị thành Phật càng sớm càng tốt.

  • Việc tập trung vào hơi thở cũng giống như chúng ta chọn một đối tượng khác, phớt lờ những vấn đề làm chúng ta tức giận. Khi có quá nhiều cơn tức giận đến, chúng ta áp dụng phương pháp này thì lâu dần cơn giận bị dồn nén, trở thành một quả bóng bị đè trên nước, đè càng sâu quả bóng bật càng mạnh và xảy ra nhiều trường hợp đáng tiếc. Nếu chúng ta không làm chủ được cơn tức giận, không hóa giải được nó bằng cách nhìn ra bản chất của nó và bản chất chúng ta là ai trong vũ trụ này thì đây cũng chỉ là những phương pháp đuổi hình bắt bóng. Vậy ngoài những phương pháp Thầy đã dạy thì cần làm gì để chúng ta nhận ra được bản chất đó trong mỗi người?
    Luyện tâm

    Đầu tiên, bạn nói đúng rằng khi đè quả bóng càng sâu vào nước thì quả bóng bật lại càng mạnh. Ở đây, khi thực hành kiểm soát cơn giận, bạn không nên dồn nén nó như đè quả bóng xuống nước. Chúng ta đang nói về phương pháp chặt đứt gốc rễ của cơn giận. Khi quý vị dồn nén cơn tức giận thì chắc chắn sau đó nó sẽ bùng nổ. Ở đây, chúng ta đang cố gắng chặt đứt gốc rễ của cơn giận. Khi tức giận, điều quý vị cần làm là thay đổi đối tượng tập trung của tâm. Khi có ai đó nói năng thô lỗ với quý vị, quý vị sẽ tức giận. Lý do chính khiến quý vị nổi giận là quý vị suy nghĩ đến những lời mắng chửi đó. Khi quý vị thay đổi sự tập trung vào đối tượng khác, ví dụ như hơi thở, cơn tức giận sẽ tan biến. Đây không phải là đè nén cơn giận. Nếu khi nổi giận, quý vị cứ nghĩ về cơn giận, tập trung vào nó và cố đè nén nó, đó là cách đối trị rất tệ hại. Nhiều bác sĩ nói rằng tức giận là một cảm xúc tiêu cực mà chúng ta nên giải tỏa chúng. Nếu quý vị nổi giận, và la hét để giải tỏa cơn giận, đó là một biện pháp rất nhất thời. Một lần nữa, khi cơn giận này qua đi thì cơn giận khác sẽ đến. Sân giận giống như một chứng bệnh, nó sẽ ngày càng trầm trọng. Do đó khi nhìn vào cơn giận, quý vị phải cố gắng giảm thiểu chúng. Để giảm thiểu những cơn nóng giận thì cần thực hành những bước như tôi đã trình bày. Bất cứ khi nào nổi giận, nếu quý vị cố gắng đè nén nó thì cũng giống việc đè một quả bóng xuống nước. Kìm nén cơn giận là điều hoàn toàn khác. Chúng ta phải nhìn nhận theo hướng giảm thiểu nó, chứ không phải kìm nén.

  • Ở nhà mẹ con thường đi chùa, gần như đi chùa mỗi ngày. Con có hỏi mẹ con một câu hỏi, nhưng con vẫn chưa hài lòng với câu trả lời của mẹ con. Tại sao người ta phải theo tín ngưỡng đạo Phật và đạo Phật giúp được gì cho cuộc sống và công việc của chúng con?
    Luyện tâm

    Như tôi đã nói, tôn giáo không quan trọng, Phật giáo cũng chẳng quan trọng. Tất cả những điều này đều không quan trọng. Bạn phải suy xét đâu là điều quan trọng đối với mình. Điều quan trọng nhất đối với tất cả mọi người là hạnh phúc. Ai cũng muốn hạnh phúc. Để hạnh phúc thì các bạn nghĩ điều quan trọng nhất là gì? Bởi hạnh phúc xuất phát từ nội tâm chứ không phải từ ngoại cảnh; do đó, luyện tâm rất quan trọng. Tôi sẽ cho một thí dụ. Một người mẹ có ba đứa con. Ba đứa trẻ muốn ăn cam và xin mẹ chúng những quả cam. Người mẹ cho con mình mỗi đứa một quả chanh. Đứa trẻ thứ nhất hét lên, "Con muốn ăn cam, tại sao mẹ lại đưa chanh cho con?" Đứa trẻ thứ hai cố gắng ăn quả chanh vừa đắng lại vừa chua. Nó cố gắng tận hưởng quả chanh nhưng đã thất bại. Đứa trẻ thứ ba dùng quả chanh của nó để pha nước chanh bằng cách thêm nước và đường. Điều tương tự cũng xảy ra trong cuộc sống của chúng ta. Đôi khi chúng ta mong ước những quả cam nhưng lại không thể nào có được chúng, mà chỉ có được những quả chanh. Việc chọn lựa giữa trách mắng cuộc đời, cố gắng ăn chanh, hay pha nước chanh để thưởng thức là điều nằm trong tầm tay của chúng ta. Đạo Phật chỉ bày cho chúng ta nhiều phương pháp để pha nước chanh từ quả chanh mà ta hiện có. Đến chùa không là gì cả, đó không phải là đạo Phật. Cầu nguyện trước Phật cũng chẳng phải là đạo Phật. Điều duy nhất đó chính là những lời dạy của đức Phật nhằm xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Đó là điểm trọng yếu nhất của đạo Phật. Ý nghĩa thật sự của đạo Phật là chỉ dạy phương pháp luyện tâm, giảm thiểu nóng giận, và vượt qua căng thẳng. Đây là tất cả mục đích của đạo Phật. Nhiều người hiểu sai về đạo Phật. Đến chùa, thắp hương,… đều không phải là đạo Phật. Chúng không mang lại điều gì cả. Nhiều lời dạy trong đạo Phật mang đến nhiều điều cho cuộc sống. Tôi đã hỏi một câu hỏi ở một trường cao đẳng. Tôi yêu cầu sinh viên hãy giơ tay lên nếu các em có thể sống thiếu điện thoại thông minh trong suốt một tuần. Tất cả đều ngạc nhiên và sửng sốt. Hạnh phúc của các bạn phụ thuộc quá nhiều vào điện thoại thông minh, mạng internet, và những thứ bên ngoài; nhưng hạnh phúc của tôi không phụ thuộc vào ngoại cảnh. Hạnh phúc xuất phát từ nội tâm, đó là lời Phật dạy. Đó là một trong những tư tưởng chính của đạo Phật, và đạo Phật cố gắng chỉ dẫn chúng ta tiếp cận hoàn cảnh khó khăn một cách đúng đắn.

  • Qua những lời thầy dạy, con có một câu hỏi. Trong cuộc sống và công việc, tất cả chúng con thường gặp những việc bất như ý. Theo phương pháp của thầy dạy, chúng ta nên nhắm mắt lại và hít thở. Con cảm nhận đó là một phương pháp giống như “lấy đá đè cỏ,” mình tránh nó đi. Phương pháp thứ hai là không nhìn bằng ánh mắt so sánh. Con cảm thấy đó là phương pháp hiệu quả nhất thời, hiệu quả chỉ mang tính tạm thời thôi. Đạo Phật có những phương pháp nào cụ thể hơn để giải quyết dứt điểm tâm phiền não và phiền muộn trong tâm do những tham muốn mình đặt ra mà không có được, rồi mình lại triền miên trong nỗi buồn phiền đó? Có phương pháp cụ thể hơn để giải quyết dứt điểm tâm phiền muộn đó hay không?
    Luyện tâm

    Đầu tiên, tôi ước mình có thể nói tiếng Việt. Thứ hai, khi chúng ta có thể hoàn toàn tận diệt căng thẳng, tất cả cảm xúc tiêu cực và mọi phiền não, đó chính là trạng thái của một vị Phật. Đối với đạo Phật, tất cả mọi người đều có tiềm năng thành Phật. Trong trường hợp các bạn thành Phật trước tôi thì xin đừng quên tôi! Khi các bạn chấm dứt vĩnh viễn tất cả mọi cảm xúc tiêu cực, đó là Phật quả. Từ kinh nghiệm của tôi, tôi đã thực hành nhiều và đến nay những cảm xúc tiêu cực như giận dữ,… đã thuyên giảm được sáu mươi phần trăm. Cảm xúc tiêu cực càng được giảm thiểu thì bạn sẽ càng hạnh phúc. Bạn chỉ có thể hiểu được điều này khi bạn kinh nghiệm qua. Khi bạn chưa nếm vị ngọt thì bạn không biết vị ngọt như thế nào. Bạn chỉ có thể biết khi đã nếm. Bạn chỉ có thể hiểu kinh nghiệm này khi bạn thành công trong việc giảm thiểu cảm xúc tiêu cực.

  • Thưa thầy, trong môi trường làm việc, mỗi người có một tiêu chí làm việc, công ty dựa vào đó để tăng lương hay giảm lương hoặc đuổi việc. Nếu không so sánh và phấn đấu lên những tiêu chí khác cao hơn, con bị đuổi việc thì sao? Chúng con còn vợ con ở nhà nữa [đại chúng cười]. Chúng con phải cân bằng giữa hoài bão, công việc và gia đình như thế nào?
    Luyện tâm

    Đây là một câu hỏi rất hay. Thăng tiến rất quan trọng. Tăng lương để có lương cao cũng rất quan trọng. Tôi thường nói một điều. Nếu bạn nghĩ rằng thăng tiến là tất cả, điều đó là sai lầm. Nếu bạn nghĩ thăng tiến chẳng là gì cả, suy nghĩ này cũng không đúng. Thăng tiến là một mặt, và còn những mặt khác nữa. Bạn phải cân bằng. Đôi khi các bạn nghĩ quá nhiều về thăng tiến và cho rằng nó là tất cả; đó là suy nghĩ sai. Tôi thường nói rằng tiền không phải là tất cả, nhưng tiền cũng không phải không là gì cả. Do đó, thăng tiến quan trọng nhưng bạn đừng chỉ tập trung vào thăng tiến. Khi bạn phấn đấu để được thăng tiến, đừng kỳ vọng quá nhiều. Hãy cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của mình và đừng kỳ vọng quá cao. Tôi nghe nói khi các bạn đầu tư vào thị trường, đôi khi các bạn kỳ vọng quá cao vào lợi nhuận. Do đó, khi các bạn không có lợi nhuận thì rất đau khổ. Cân bằng có nghĩa là bạn làm việc đúng đắn để được thăng tiến, nhưng đừng nghĩ rằng chỉ có thăng tiến có thể mang lại hạnh phúc. Đó là toan tính sai lầm. Điểm thứ hai, tôi thấy có một điều sai trái ở những người đang đi làm. Khi làm việc cật lực, đôi khi bạn bỏ quên một điều: chia sẻ thời gian cùng gia đình. Bạn dùng thời gian với máy tính nhiều hơn hay với gia đình nhiều hơn? Ở thời hiện đại này, tôi nghĩ trẻ con dành nhiều thời gian hơn với đồ chơi, và thanh thiếu niên dành nhiều thời gian hơn với điện thoại thông minh. Tôi không bao giờ phản đối việc dùng điện thoại thông minh, nhưng tôi không dùng. Ở nhà tôi, tôi khuyên cha mẹ mình không dùng ti-vi. Trong vài năm, cha mẹ tôi không xem ti-vi. Khi không có ti-vi thì gia đình tôi trò chuyện cùng nhau. Rồi một hôm, anh tôi mua một chiếc ti-vi. Tôi hỏi, “Tại sao anh lại mua ti-vi?” Anh tôi nói rằng ông ấy muốn xem Cúp Bóng Đá Thế Giới [Rinpoche cười]. Thời gian dành cho gia đình rất quan trọng. Khi bạn tập trung quá mức vào công việc, khi bạn nghĩ rằng công việc là tất cả, thăng tiến là tất cả, bạn sẽ bỏ lỡ rất nhiều thứ trong cuộc sống. Trong thế kỷ hai mươi mốt này, quan hệ giữa người và người đang trở nên tồi tệ hơn. Chỉ có quan hệ giữa người và máy móc mà không có quan hệ giữa người và người.