• Khi thực hành thở vào nhận về tất cả khổ đau của người khác và thở ra trao tặng họ tất cả hạnh phúc dưới dạng ánh sáng, khi thực hành điều này thì có biện pháp phòng hộ nào hay không? Với những người bình thường, nếu thực hành nhận vào năng lượng tiêu cực mà không thể chuyển hóa chúng thành năng lượng tích cực thì sẽ nguy hiểm khi họ không được phòng hộ. Như vậy, khi thực hành có cần điều kiện tiên quyết nào không?
    Luyện tâm

    Khi thở vào, nghĩ rằng quý vị đang nhận về tất cả khổ đau của người khác. Khi thở ra, nghĩ rằng quý vị trao tặng người khác mọi hạnh phúc của mình. Đây là một điểm khá lắt léo. Vì sao tôi nói điểm này lắt léo? Khi gửi tiền vào ngân hàng, quý vị phải đợi ít nhất sáu tháng hoặc một năm mới có lãi. Trong sáu tháng đó, trong tay quý vị hoàn toàn không có tiền. Hành thiền cũng giống như vậy. Khi quý vị thở vào và nghĩ rằng mình nhận về tất cả khổ đau của người khác, điều này cũng giống như gửi tiền vào ngân hàng, lúc đó quý vị cạn hết tiền. Bất kể mọi điều tiêu cực nào vào cơ thể quý vị, chúng sẽ tịnh hóa ác nghiệp của quý vị. Một khi đã tịnh hóa mọi ác nghiệp thì quý vị sẽ không gặp trở ngại nào, khi đó quý vị bắt đầu nhận tiền lãi. Khi đó quý vị mới bắt đầu có lãi. Vì vậy, bây giờ quý vị cần phải gửi tiền vào ngân hàng, và quý vị phải đợi ít nhất một năm nữa mới có tiền lãi. Tôi không chắc về lãi suất ngân hàng Việt Nam nhưng tôi hy vọng nó không thấp như lãi suất ngân hàng Châu Âu [Rinpoche cười].

  • Vừa rồi Ngài có giảng về tâm bồ-đề. Mong Ngài giải thích rõ hơn về tâm bồ-đề.
    Luyện tâm

    Tâm bồ-đề là tâm suy nghĩ đến lợi lạc của tất cả chúng sinh hữu tình. Tôi sẽ tiếp cận trên phương diện lý thuyết và thực hành.

    Trên phương diện lý thuyết, tâm nghĩ đến lợi lạc của tất cả chúng sinh chính là tâm bồ-đề. Trong cuộc sống, có rất nhiều điều chúng ta không thể làm được. Nếu quý vị chỉ có một đô-la và thấy một trăm người ăn xin, quý vị không thể làm được gì. Quý vị buộc phải chấp nhận, dù lúc đó quý vị phát khởi lòng bi mẫn mạnh mẽ đối với họ. Tôi nhớ đến một chuyện ở Ấn Độ. Tôi đã cho một người ăn xin 2 rupees Ấn Độ và anh ta nói với tôi, “Ôi, thầy ơi! Thời này 2 rupees cũng không thể mua được một ly trà.” [Rinpoche cười]. Đôi lúc chúng ta phải chấp nhận dù lúc đó tâm ta phát khởi lòng bi mẫn mạnh mẽ đối với người khác. Có lúc chúng ta cảm thấy mình rất vô dụng. Về điểm này, đôi khi quý vị cảm thấy buồn hay tuyệt vọng; đó không phải là tâm bồ-đề chân thật. Tâm bồ-đề chân thật là lòng bi mẫn đầy dũng khí. Đó mới là tâm bồ-đề chân thật. Có một câu nói rất nổi tiếng, “Cho đến khi nào hư không còn, con nguyện tiếp tục hiện diện trên cõi đời này để làm lợi lạc cho hết thảy chúng sinh hữu tình. Với tâm nguyện đó, con nguyện tái sinh trở lại nhiều lần để làm lợi lạc cho hết thảy chúng sinh.” Trên phương diện lý thuyết, chúng ta phải tư duy như vậy.

    Về mặt thực hành, hãy nhắm mắt lại và quán tưởng tất cả bạn bè, tất cả mọi người, bất cứ ai… đang hiện diện trước mặt quý vị. Khi thở vào, hãy nghĩ rằng quý vị đang nhận về mình tất cả mọi khổ đau của họ. Khi thở ra, hãy nghĩ rằng quý vị đang trao tặng họ tất cả an lạc hạnh phúc của mình. Khi thở vào, hãy nghĩ rằng mọi khổ đau của họ đi vào lỗ mũi trái của quí vị dưới dạng tia màu đen. Khi thở ra, hãy nghĩ rằng tất cả mọi hạnh phúc an lạc của quý vị thoát ra lỗ mũi phải dưới dạng tia màu trắng và đến với họ. Đây là phương pháp thực hành tâm bồ-đề chân thật. Quý vị có thể thực hành một, hai, hoặc ba lần. Đôi lúc, nếu không phân tích kỹ thì chúng ta sẽ bị nhầm lẫn giữa lòng bi mẫn và cảm xúc nhất thời. Cảm xúc nhất thời không tồn tại lâu. Khi quý vị phát khởi được lòng bi mẫn chân thật, nó tồn tại rất lâu dài. Lòng bi mẫn và tình thương chân thật dành cho người khác hiện diện rất lâu dài. Cảm xúc nhất thời đến rồi lại đi.

    Tôi nguyện cho tất cả quý vị thành tựu tâm bồ-đề và Phật quả càng sớm càng tốt. Nếu quý vị đắc Phật quả trước tôi thì đừng quên tôi! Hãy nhớ đến tôi! [Rinpoche và đại chúng cười] Bất cứ nơi nào tôi đến, tôi đều nói điều này; câu nói này nửa đùa nửa thật [Rinpoche cười].

  • Vì sao chúng ta luôn sợ một điều gì đó? Nỗi sợ hãi là gì và làm cách nào để vượt qua sợ hãi?
    Luyện tâm

    Có rất nhiều điều chúng ta chỉ có thể biết qua kinh nghiệm, chứ không thể nào diễn giải bằng lời. Ví như vị ngọt, quý vị chỉ có thể biết qua kinh nghiệm, quý vị không thể biết vị ngọt qua ngôn từ. Nỗi sợ hãi cũng chỉ được biết qua kinh nghiệm. Hiểu biết về nỗi sợ qua ngôn từ không quan trọng, điều quan trọng nhất là biết cách vượt qua nỗi sợ. Chúng ta sợ rất nhiều điều. Nỗi sợ tồi tệ nhất chính là sợ chết. Đây là nỗi sợ tồi tệ nhất với tất cả mọi người. Quý vị sợ chết vì quá bám chấp. Khi quá bám chấp vào một điều gì đó, quý vị sẽ sợ mất đi điều đó. Nếu quá bám chấp vào cái đồng hồ thì quý vị sợ mất nó. Tôi có một thí dụ, đây là chuyện có thật. Một dịp nọ, trong một chuyến du hành, máy bay của tôi chuẩn bị đáp xuống sân bay Dehli. Lúc đó, chúng tôi chưa hạ cánh xuống Dehli mà vẫn còn đang bay. Trên máy bay không có nhiều hành khách. Lúc đó, đột ngột có một tia sét đánh gần máy bay. Tôi thấy tia sét qua cửa sổ. Mọi người trên máy bay đã rất hoảng loạn và họ la hét. Thậm chí tiếp viên hàng không cũng đã vô cùng hoảng hốt. Tôi nghĩ nếu có thêm một tia sét thứ hai đánh trúng động cơ thì mọi chuyện đã kết thúc [Rinpoche cười]. Trong vài giây tôi đã rất sợ hãi. Sau đó, tôi nhớ đến pháp thực hành về cõi Tịnh Độ. Tôi đã bắt đầu thực hành chuẩn bị cho đời sau. Khi tôi bắt đầu thực hành thì mọi nỗi sợ hãi đều đã tan biến. Thật sự lúc đó chiếc máy bay bay loạng choạng như đường zig-zag, nhưng tâm tôi hoàn toàn không sợ hãi. Tôi không sợ hãi vì khi đó tôi không bám chấp vào đời này; tôi đang chuẩn bị cho đời sau. Khoảng 10 đến 15 phút sau, người ta thông báo máy bay chuẩn bị hạ cánh. Sau khi máy bay đáp xuống mặt đất, lúc đó tôi cảm thấy sợ hãi trở lại [Rinpoche cười], vì tôi không còn nghĩ đến đời sau nữa mà đã bám chấp trở lại vào đời này. Nỗi sợ là như vậy. Khi quý vị quá bám chấp vào điều gì đó, đó là một nguyên nhân gây ra nỗi sợ.

    Thứ hai, những suy nghĩ không cần thiết cũng là nguyên nhân của nỗi sợ. Giả sử bây giờ quý vị phải ra khỏi nhà, nếu suy nghĩ quá nhiều đến những thứ không cần thiết thì quý vị sẽ cảm thấy sợ hãi. Thí dụ, nếu quý vị nghĩ rằng có thể bên ngoài có chó, rắn, và chúng sẽ cắn mình, thì những suy nghĩ như vậy sẽ khiến quý vị lo sợ. Khi quý vị có một suy nghĩ không cần thiết thì tự động tâm sẽ nghĩ đến điều thứ hai, và hai điều sẽ khơi dậy bốn điều… Các tư tưởng không cần thiết rất lạ thường. Nếu quý vị đang lái xe và cứ nghĩ mình có thể gặp tai nạn, xe khác có thể đụng mình, nếu cứ nghĩ như vậy thì quý vị sẽ sợ lái xe. Do đó, suy nghĩ không cần thiết sẽ tạo ra nỗi sợ hãi.

    Có một số giải pháp để vượt qua nỗi sợ. Quý vị phải luôn nhắc nhở bản thân rằng “Tôi sẽ chấp nhận tất cả.” Chúng ta cần phải suy nghĩ mãnh liệt như vậy, một lần, hai lần, và dần dần nỗi sợ sẽ không còn. Do đó, quý vị phải luôn nhắc nhở bản thân rằng “Tôi sẽ chấp nhận tất cả mọi kết quả.” Đức Phật đã dạy một điều, “Nếu đã tạo ác nghiệp trong đời quá khứ thì bạn phải gánh chịu hậu quả; nếu không làm gì sai trái thì bạn không phải gánh chịu bất cứ điều gì.” Vì vậy, quý vị phải nghĩ rằng sợ hãi không có ích lợi gì, lo lắng cũng không có ích lợi gì. “Nếu trong đời quá khứ tôi đã tạo ác nghiệp thì giờ đây tôi không thể trốn thoát; nếu tôi không làm gì sai thì chẳng có gì xấu xảy ra với tôi.” Hãy chấp nhận tất cả mọi việc xảy đến trong cuộc sống của quý vị. Một học giả vĩ đại đã có một câu nói rất hay, “Khi đối mặt với khó khăn và thử thách, hãy nhìn nhận cẩn thận để xem có phương án giải quyết hay không. Nếu bạn có giải pháp thì cớ gì phải lo lắng và sợ hãi? Nếu bạn không có giải pháp thì lo lắng có ích gì?” Quý vị cần nhìn nhận theo cách này. Nếu nghĩ được như vậy một lần, hai lần, dần dần quý vị sẽ thấy tâm lý của mình thay đổi rất khác biệt. Tôi sẽ cho quý vị một thí dụ. Nếu có một người nào đó đưa tiền bằng hai tay cho quý vị thì quý vị sẽ nghĩ như thế nào? Tôi nghĩ người Việt Nam không cảm thấy có gì sai cả. Nhưng nếu làm như vậy với người Nhật Bản thì đó là việc rất tồi tệ. Thông thường, họ để tiền hoặc bất cứ món đồ nào lên bàn và đẩy chúng tới người đối diện. Có sự khác biệt lớn trong cách nhìn của người Nhật so với người Trung Hoa, họ đã tự gầy dựng một đường lối tư duy khác biệt như vậy. Đường lối tư duy của chúng ta cũng giống như chương trình máy tính, chúng ta có thể tạo ra chúng. Vì vậy, chúng ta cần gỡ bỏ vài chương trình và cài vào một số chương trình mới. Đức Phật đã tạo ra những chương trình này và chúng hoàn toàn miễn phí [Rinpoche và đại chúng cười].

  • Khi đảnh lễ, con để ý thấy mọi người thường đưa hai ngón tay cái hướng vào trong lòng bàn tay, điều đó có ý nghĩa gì?
    Phật pháp căn bản

    Khi bạn chắp hai lòng bàn tay lại, sẽ có vài vị trí để hai lòng bàn tay chạm vào nhau. Khi bạn đặt hai ngón tay cái hướng vào bên trong lòng bàn tay để lễ lạy, thì dáng dấp của cử chỉ đó tạo thành biểu tượng của một viên ngọc báu. Chúng tôi gọi đó là viên ngọc như ý và vì thế mà chúng ta cầu nguyện bất cứ điều gì cũng sẽ thành tựu. Khi bạn đặt hai ngón tay cái của bạn vào trong lòng bàn tay, hình dạng bàn tay của bạn sẽ trở thành một viên ngọc như ý. Điều đó có nghĩa là bất cứ điều gì bạn cầu nguyện đều sẽ trở thành sự thật. Điều thứ hai là, bất cứ khi nào bạn để ngón tay cái vào bên trong lòng bàn tay của mình, thì nó có nghĩa là trong cơ thể con người của chúng ta có một kinh mạch trung tâm và khí không thể đi vào kinh mạch trung tâm đó. Khi khí bắt đầu đi vào được kinh mạch trung tâm thì tâm trí của chúng ta sẽ được kích hoạt lên các cấp độ rất khác nhau, do vậy cử chỉ này cũng là biểu tượng cho việc khí đang di chuyển vào luân xa trung ương của chúng ta.

  • Ngài Pháp Vương Drukpa đã vài lần đến Việt Nam. Vậy truyền thống mà Thầy đang theo có giống truyền thống của đức Pháp Vương hay không? Truyền thống của các thầy và của đức Đạt-lai Lạt-ma có gì khác nhau hay không, dù tất cả đều bắt nguồn từ Tây Tạng?
    Chủ đề khác

    Giữa các dòng truyền thừa trong Phật giáo Tây Tạng có một chút khác biệt. Đức Đạt-lai Lạt-ma đến từ dòng truyền thừa Gelug. Bảy mươi đến tám mươi phần trăm Phật giáo Tây Tạng theo dòng truyền thừa Gelug. Đây là truyền thừa lớn nhất của Phật giáo Tây Tạng. Tôi nghĩ truyền thừa Drukpa chiếm tối đa một phần trăm Phật giáo Tây Tạng. Khoảng mười lăm đến hai mươi phần trăm còn lại theo truyền thừa Nyingma. Gia đình tôi theo truyền thừa Nyingma. Tiền thân của tôi theo truyền thừa Gelug, truyền thừa của đức Đạt-lai Lạt-ma. Tôi không theo truyền thừa nào cả [Rinpoche cười]. Tôi tiếp cận Phật pháp theo nhiều cách khác nhau. Tôi nghĩ rằng Phật pháp có thể giúp ích cho tất cả mọi người, kể cả những người không phải là Phật tử. Như buổi chiều nay, chúng ta có buổi đối thoại ngắn về cách thức sống hạnh phúc và phương pháp kiểm soát cơn giận. Tất cả những điều này đều đã được Phật dạy, và tôi chuyển tải thông điệp của Đức Phật theo một cách khác. Nếu tôi đến từ một truyền thừa nào đó, tôi chỉ có thể giúp ích cho Phật tử, đặc biệt là Phật tử theo Phật giáo Tây Tạng; tôi không thể giúp đỡ những người không theo bất cứ tôn giáo nào. Cá nhân tôi cảm thấy những lời khuyên và thông điệp của Đức Phật có thể làm lợi lạc cho tất cả những ai không phải là Phật tử hoặc không theo bất cứ tôn giáo nào. Do đó, có lẽ tôi đến từ một truyền thống mới [Rinpoche cười].

  • Chúng tôi chỉ hiểu có một phái Mật tông Tây Tạng xuất phát từ đạo Phật, nhưng chúng tôi lại thấy có Đạt-lai Lạt-ma, có những người mang tên Drukpa và Ngài mang tên Rinpoche. Xin Ngài giải thích những điểm chung và những điểm khác nhau. Môn phái Thầy đang theo khác với Đại thừa, Tiểu thừa như thế nào?
    Chủ đề khác

    Chúng tôi đến từ Phật giáo Tây Tạng. Phật giáo Tây Tạng tập trung chủ yếu vào ba thừa: Tiểu Thừa, Đại Thừa và Kim Cang Thừa; và cũng chú trọng vào nhiều pháp thực hành. Quý vị có thể thấy Phật giáo Tây Tạng nhấn mạnh hai điểm chính: tu học và thực hành.

    Chúng tôi học những gì trong Phật giáo Tây Tạng? Có vài lĩnh vực chúng tôi phải học. Thứ nhất, chúng tôi học lý luận Phật giáo. Lý luận Phật giáo là một môn học mang tính khoa học rất cao. Chúng tôi chứng minh mọi điều qua lập luận bằng lý lẽ. Lấy thí dụ về lòng bi mẫn. Chúng ta phải thực hành lòng bi mẫn, vậy lợi ích của nó là gì? Lòng bi mẫn là gì? Làm thế nào thể thực hành lòng bi mẫn? Tất cả đều bằng lý lẽ. Chúng tôi học lý luận, rồi học tất cả các giai đoạn thực hành. Sau đó, chúng tôi học tất cả đạo lộ của hàng bồ-tát Đại Thừa. Đó là những gì chúng tôi học, và chú trọng vào thực hành. Khi học, chúng tôi chia sẻ kinh nghiệm của mình với người khác. Sau đó, chúng tôi sẽ học Kim Cang Thừa. Chúng tôi cần tối thiểu 18 năm để học Phật pháp. Nếu học chuyên sâu, tôi nghĩ phải cần ít nhất 21 đến 22 năm. Tôi đã học trong 18 năm, chỉ học trong suốt khoảng thời gian đó. Sau đó, chúng tôi học Kim Cang Thừa.

    Kim Cang Thừa chủ yếu nói đến phương pháp dùng năng lượng của cơ thể, tâm và khí vi tế để kích hoạt thức vi tế. Tất cả những điều này được nói đến trong Kim Cang Thừa. Mục đích là kích hoạt thức vi tế. Kim Cang Thừa cũng dạy cách đón nhận gia trì từ nguồn năng lượng bên ngoài vào cơ thể chúng ta. Chẳng hạn như khi chúng ta cầu nguyện với chư Phật và chư Bồ-tát, năng lực gia trì tích cực sẽ đến.

    Sáng nay tôi đã kể với quý vị về thí nghiệm trên ba chén cơm. Với chén thứ nhất, chúng tôi chạm tay vào và cầu nguyện. Chén thứ hai, chúng tôi chỉ cầu nguyện. Đối với chén thứ ba, chúng tôi không cầu nguyện hay chạm vào. Chúng ta có thể thấy cơm được cầu nguyện và cơm không được cầu nguyện rất khác nhau. Như tôi đã nói sáng nay, chén cơm không được cầu nguyện đã hỏng trong bảy ngày. Hai chén cơm còn lại vẫn chưa bị hỏng sau mười một hoặc mười hai ngày. Tôi có giữ lại hình ảnh trong máy tính của tôi. Giữa chén cơm được chạm vào và chén cơm không được chạm vào cũng có khác biệt rất lớn. Khi chạm vào cơm thì chúng tôi thấy hiệu quả hơn. Vì vậy, đôi lúc năng lượng có thể luân chuyển ra khỏi cơ thể chúng ta. Do nghiệp của mỗi người khác nhau nên một số người có cơ thể khá nhạy cảm trong việc tiếp nhận năng lượng. Một số người cảm thấy năng lượng luân chuyển trong cơ thể mình rất mãnh liệt, đó là do nghiệp của họ. Tôi sẽ chỉ cho quý vị một thí nghiệm có thật. Bây giờ hãy cọ xát hai bàn tay của quý vị vào nhau, sau đó đặt tay lên phía trên đỉnh đầu, cố gắng theo dõi sức nóng lan tỏa đến nơi nào trên cơ thể quý vị: khắp cơ thể, đầu, hay nơi nào khác. Trên đỉnh đầu có một luân xa, chúng ta hãy theo dõi xem năng lượng đó chạy khắp cơ thể như thế nào, sức nóng đi đến bộ phận nào trong cơ thể. Khi đặt tay như vậy, hãy quán tưởng có luồng ánh sáng trắng từ tay đi vào cơ thể. Hãy giữ yên lặng và làm như vậy hai hoặc ba lần để tập trung theo dõi sức nóng. Hãy nhắm mắt lại! Khi làm như vậy, quý vị sẽ cảm thấy cường độ năng lượng đi vào cơ thể như thế nào. Tuy nhiên, cường độ đó không giống nhau đối với tất cả mọi người. Một số người sẽ cảm nhận rất mãnh liệt, một số khác thì không cảm nhận được như vậy. Theo tôi, do nghiệp nên một số người có thể rất nhạy cảm với năng lượng.

    Thực hành trong Kim Cang Thừa chủ yếu làm việc với những đối tượng của tâm và phải thực hành quán tưởng nhiều điều. Đây là một trong những điểm trọng yếu mà Kim Cang Thừa tập trung vào. Tuy nhiên, đối với mọi pháp hành, điểm trọng yếu nhất là tâm bồ-đề. Tâm bồ-đề là tâm mong ước làm lợi lạc cho tất cả chúng sinh hữu tình. Làm lợi lạc cho chúng sinh hữu tình là điểm trọng yếu của tất cả mọi pháp hành Phật giáo. Đối với tất cả mọi pháp hành, dù quý vị đang thực hành pháp môn nào, hãy nghĩ đến lợi lạc của tất cả chúng sinh hữu tình. Khi đánh mất tâm niệm này, chúng ta mất tất cả mọi thực hành Phật pháp. Khi nghĩ mình thực hành vì lợi lạc của tất cả chúng sinh, khi đó việc thực hành Phật pháp mới bắt đầu và có thể được hoàn tất. Do đó, mỗi khi tôi giảng Pháp, tôi thường nghĩ nếu lời tôi nói làm lợi lạc dù chỉ cho một người thì tôi cũng cảm thấy hạnh phúc. Chính vì luôn nghĩ như vậy nên tôi không bao giờ cảm thấy mệt mỏi, tôi nghĩ đó là một lý do. Khi chúng tôi học, thầy của chúng tôi đã khá lớn tuổi. Khi chúng tôi đến tìm thầy, dù đang ngủ nhưng thầy tôi cũng lập tức thức dậy. Thầy không bao giờ nói rằng ngài không thể giảng dạy. Hiện tại thầy tôi đã chín mươi mốt tuổi. Chúng tôi vẫn đến hỏi thầy về Phật pháp, thầy vẫn tiếp tục dạy chúng tôi. Thậm chí khi chỉ nói được mười phút thầy đã bắt đầu ho, nhưng thầy vẫn tiếp tục dạy, vì vậy chúng tôi phải ngừng hỏi. Thầy tôi nói ngài luôn cầu nguyện rằng, “Nếu cuộc sống của tôi có thể mang lại lợi lạc cho người khác, có thể giúp ích cho bất kỳ chúng sinh nào thì nguyện cho tôi được sống. Nếu tôi không mang lại lợi lạc cho người khác, không giúp ích cho bất kỳ chúng sinh nào thì nguyện cho tôi được chết.” Ngài luôn nói như vậy. Đó chính là thực hành tâm bồ-đề. Đây chính là điểm trọng yếu của Phật giáo. Đây cũng là điểm chung xuyên suốt tất cả các truyền thống Phật giáo.

  • Thưa thầy, tôi đang sống sung sướng hạnh phúc cùng gia đình, công việc ổn định và kinh tế tốt, tôi thấy cuộc sống không có khó khăn gì cả, vậy tại sao tôi phải quy y?
    Phật pháp căn bản

    Đầu tiên là tôi xin chúc mừng bạn vì bạn đang có một cuộc sống hạnh phúc sung sướng. Có rất nhiều người không có được một cuộc sống như vậy. Kế tiếp, có hai lý do để giải thích cho việc quy y của bạn:

    Thứ nhất, bạn quy y có nghĩa là bạn phấn đấu để trở thành một người tốt hơn nữa. Rất tốt khi bạn đang có một đời sống vui vẻ; rất tốt khi bạn đang có một gia đình hạnh phúc; rất tốt khi bạn đang có một công việc lý tưởng; và rất tốt khi mức lương của bạn đang rất cao. Và bây giờ, bạn phải trở nên một người tốt hơn nữa. Trở thành một người tốt hơn chính mình trước kia chính là điều quan trọng trong cuộc đời của bạn. Có thể là mọi người nghĩ rằng họ đang rất tốt rồi, tuy nhiên tôi đang yêu cầu bạn không phải trở nên tốt mà tôi yêu cầu bạn trở nên tốt hơn nữa. Tốt hơn con người hôm qua của bạn.

    Thứ hai, trong cuộc đời này, mọi thứ đều vô thường. Đâu có ai thấy được ngày mai có thể bạn sẽ không vui? Giống như cơn động đất bất ngờ ở Nepal. Tất cả mọi thứ đều thay đổi. Sự yên ổn của đời người chuyển biến chỉ trong vòng một phút; người từng có nhiều nhà cửa và gia sản thì chỉ cần một phút là mất hết. Người có nhiều bạn bè và người thân cũng chỉ trong vòng một phút mà chẳng còn gì nữa. Đôi lúc trong cuộc đời này, trong thế giới này, một phút có thể làm thay đổi tất cả.

    Lấy một ví dụ đơn giản, bạn cùng gia đình đến bệnh viện xét nghiệm máu. Làm sao có thể chắc chắn mọi chuyện sẽ hoàn hảo? Rất khó. Kết quả có thể rất hoàn hảo ngay lúc này, nhưng 6 tháng nữa thì rất khó khẳng định mọi thứ vẫn trọn vẹn. Nếu bạn cùng gia đình đến bệnh viện để khám sức khỏe, khó mà nói rằng tất cả mọi thứ đều sẽ hoàn hảo. Thậm chí ngay lúc này, mọi việc có thể rất hoàn mỹ nhưng sau 6 tháng nữa thì rất khó để nói mọi thứ vẫn vẹn toàn. Do đó, rất nhiều người sợ đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe vì họ sợ phải biết đến những kết quả ngoài ý muốn. Vô thường là một trong những điều tồi tệ nhất trên thế gian này. Mọi thứ đều hoàn hảo nhưng vì vô thường mà tất cả rồi sẽ trở nên không còn trọn vẹn. Đó là một trong những điều tệ hại nhất trên thế gian này. Vì lẽ đó mà chúng ta quy y và việc này cũng giống như chúng ta ngăn ngừa hoặc chuẩn bị cho những thử thách của vô thường. Đó chính là nguyên nhân thứ hai.

    Nguyên nhân thứ nhất là để trở thành một con người tốt hơn. Bạn có thể đã là một người rất tốt rồi nhưng bạn vẫn cần phải trở thành một người tốt hơn trước. Nguyên nhân thứ hai là để chuẩn bị cho những sự cố vô thường, những gì bạn đang có ngày hôm nay có thể sẽ không còn nữa vào ngày mai. Tất cả mọi thứ đều có thể đổi thay; thân thể vật lý này ngay bây giờ có thể rất khỏe mạnh nhưng một, hai ngày sau thì nó có như vậy mãi không? Không ai có thể nói nó được như vậy mãi. Ngay cả khi bạn đang cảm thấy mình rất mạnh khỏe, nhưng nếu bạn đi khám sức khỏe và người ta kết luận rằng có một vài sự thiếu hụt nào đó trong người bạn thì sao, sẽ rất khó để nói điều gì sẽ xảy ra, đó là lý do tại sao bạn phải phòng ngừa hoặc chuẩn bị cho sự vô thường.

    Tôi bỗng nhớ ra một điều khi bạn nói kinh tế của bạn đang rất tốt. Tôi mới nhớ ra thôi. [Thầy cười khúc khích] Hai ngày trước, tôi đến thăm một địa điểm mà trước đây đã từng có rất nhiều trận đánh trong thời đệ nhị thế chiến, ở Italy. Nơi đó từng có rất nhiều người chết và có rất nhiều ma, đại loại như vậy. Một người Canada đã nói với tôi một câu rất khôi hài: “Ma quỷ thật sự là người mà không có tiền, khi bạn không có tiền thì bạn sẽ là ma.” [Thầy cười]. Có thể trong cái nhìn của ông ta thì tôi là một tu sĩ ma. [Thầy cười].

  • Ý nghĩa của bảo tháp là tượng trưng cho ý của Phật, vậy bảo tháp sẽ được đặt ở vị trí nào trên bàn thờ?
    Phật pháp căn bản

    Chỉ cần đặt ảnh bảo tháp gần với ảnh của đức Phật, ảnh bảo tháp đại diện cho tâm Phật, ảnh của Phật đại diện cho thân Phật. Còn kinh sách, chẳng hạn như bản Bát Nhã Tâm Kinh thì sẽ đại diện cho giáo lý của đức Phật và các bạn có thể để những thứ ấy lên trên bàn thờ. Khi các bạn có cả ba thứ thì đó là những biểu tượng đại diện cho thân, khẩu, ý của đức Phật.

  • Ý nghĩa của tám món cúng dường là gì ạ?
    Phật pháp căn bản

    Tám món cúng dường bao gồm nước, hoa, hương, đèn, thực phẩm, âm nhạc…tất cả những món cúng dường này là dành cho 5 giác quan của thân thể.

  • Khi hy vọng vào một ai đó hoặc một điều gì đó mà bị thất vọng nhiều lần thì có nên tiếp tục kỳ vọng vào người đó hoặc việc đó nữa hay không?
    Luyện tâm

    Khi bạn hy vọng vào một ai đó thì tùy thuộc vào cách bạn đặt hy vọng. Khi bạn hy vọng vào một người, bạn sẽ kỳ vọng rất nhiều và điều đó sẽ làm bạn thất vọng. Khi bạn tin tưởng ai đó và ít kỳ vọng hơn thì niềm hy vọng đó sẽ không làm tổn thương bạn. Trong đời sống hàng ngày của chúng ta, khi yêu thương ai đó thì đôi lúc chúng ta lại kỳ vọng vào họ quá nhiều. Quá nhiều kỳ vọng sẽ làm cho tình thương yêu của bạn không còn thuần khiết nữa. Khi các bạn tin tưởng ai đó, việc phân tích là quan trọng hàng đầu. Thứ hai, không chỉ phân tích mà bạn còn phải xem xét năng lực của người mà bạn đặt niềm tin vào họ. Khi tôi ở Việt Nam, bất cứ khi nào tôi nói về vấn đề sức khỏe thì tất cả mọi người đều trở thành bác sĩ. Nếu tôi tin họ là bác sĩ thì đó quả là một niềm tin mạnh mẽ [Thầy cười]. Ngay cả khi họ không phải là bác sĩ nhưng lại cư xử như họ là bác sĩ thì đó là niềm tin sai lạc. Có nhiều cách tin tưởng, bạn cần phải biết khả năng của họ. Vì lẽ đó mà khi bạn tin tưởng một người thì có hai việc bạn cần phải chú ý. Điều thứ nhất là phải phân tích. Điều thứ hai là khả năng của người đó, họ có thể thật sự làm được gì.