27-05-2012
Giải Thoát Trong Lòng Tay

Bài giảng Giải thoát trong lòng tay (Ngày 4) - giảng ngày 27/05/2012

- phẩm tính của đạo sư và đệ tử Đại thừa

- lau nhà sạch sẽ và bày biện những biểu tượng thân, khẩu, ý giác ngộ;

- kiếm đồ cúng dường hợp pháp và bày biện đẹp mắt

Giải Thoát Trong Lòng Tay

Tôn sư Khangser Rinpoche chú giải

Tuần thứ 3

Như Thị Thất, ngày 27 tháng 05 năm 2012

 

Bây giờ chúng ta sẽ bước sang phần phát khởi tâm xem Như Lai là bậc thầy thiêng liêng, Đức Phật là bậc thầy thiêng liêng. Như Lai là bậc thầy thiêng liêng có nghĩa là Đức Phật là bậc thầy thiêng liêng, vì giáo pháp đã được Đức Phật khai sáng. Do đó, điều quý vị cần làm là bất cứ khi nào học Pháp, trước hết quý vị cần phát khởi tâm xem Đức Phật là bậc thầy thiêng liêng. Khi quý vị bắt đầu nghĩ rằng Đức Phật là bậc thầy thiêng liêng, có hai lý do phải nghĩ như vậy. Trong Phật pháp, chúng ta phải hiểu ý nghĩa chân thật của “thiêng liêng.” “Thiêng liêng” không có nghĩa là ai đó có thể tạo ra mọi thứ.” Thiêng liêng” nghĩa là một người hiểu biết chính xác đạo lộ không sai lệch. Quan trọng nhất là những điểm quý vị cần phải biết trước khi lắng nghe Pháp. Hơn nữa, có hai điều quý vị phải biết: phẩm tính của đạo sư và phẩm tính của đệ tử. Một đạo sư Đại thừa cần có mười phẩm tính. Bất cứ đạo sư Đại thừa nào cũng cần có mười phẩm tính. Đệ tử thì cần có một vài phẩm tính. Tôi không tìm thấy mười phẩm tính của đạo sư bằng tiếng Anh mà chỉ tìm được ý chính về phẩm tính của đạo sư. Thật sự thì có mười phẩm tính của một đạo sư Đại thừa. Phẩm tính đầu tiên của một đạo sư Đại thừa là lòng bi mẫn. Phẩm tính thứ hai là đạo sư Đại thừa phải có kiến thức đúng đắn về Phật pháp. Có hai loại kiến thức trong Phật pháp. Loại kiến thức thứ nhất có được thông qua kinh nghiệm của quý vị, loại kiến thức thứ hai có được từ lý thuyết. Đạo sư Đại thừa cần phải có cả hai loại kiến thức này. Có vài kiến thức quý vị học được từ lý thuyết, nhưng đạo sư Đại thừa thì cần cả kiến thức từ kinh nghiệm lẫn kiến thức từ lý thuyết. Hai loại kiến thức này rất quan trọng. Kiến thức từ lý thuyết nghĩa là khối kiến thức mà quý vị nhận được từ trường lớp và quý thầy cô của mình, đó gọi là kiến thức từ lý thuyết. Phẩm tính thứ ba của một đạo sư Đại thừa là trì giới nghiêm ngặt. Đây là phẩm tính chính yếu của một đạo sư Đại thừa. Trong ba phẩm tính này, phẩm tính quan trọng nhất của một đạo sư Đại thừa là trì giới.

Đối với người đệ tử thực hành pháp Đại thừa, điều quan trọng nhất là khả năng phân tích. Đây là điểm rất quan trọng. Để trở thành hành giả Đại thừa, quý vị cần phải có óc phân tích và thắc mắc. Đây là điểm rất quan trọng. Đối với người Việt, tôi thấy quý vị không thắc mắc nhiều; quý vị tin điều người khác nói thật dễ dàng. Điều này không đúng để trở thành hành giả Đại thừa. Khi quý vị đọc kinh điển, giáo lý của Phật, Đức Phật thảo luận rất nhiều với đệ tử của Ngài. Khi Phật ban giáo huấn, đệ tử Phật không bao giờ dễ dàng chấp nhận lời Ngài. Các vị ấy hỏi Đức Phật rất nhiều. Do đó, phẩm tính đầu tiên của một người đệ tử Đại thừa là óc phân tích. Phân tích rất quan trọng; quý vị cần phải đặt ra nghi vấn. Khi thắc mắc nhiều hơn, quý vị có thể học nhiều hơn. Nếu quý vị không thắc mắc gì cả thì không học được nhiều điều nữa.

Tôi sẽ cho quý vị một ví dụ đơn giản. Khoa học tìm ra nhiều sự thật hơn vì khoa học phân tích và thí nghiệm nhiều. Do đó, Pháp Đại thừa cũng giống như vậy. Khi tiến hành phân tích và thử nghiệm nhiều hơn, quý vị sẽ tìm được nhiều chân lý và thực tại. Do đó, đây là điểm quan trọng nhất để trở thành một đệ tử Đại thừa. Điểm thứ hai là đối với đệ tử Đại thừa, quý vị phải hiểu vì sao mình cần học Phật pháp, đâu là mục đích của việc học Phật pháp. Đây là điều quý vị phải tâm niệm trước khi học Pháp. Mục đích chính của việc học Pháp là để diệt trừ ác niệm của quý vị. Đó là điểm quan trọng chính yếu của việc học và thực hành Pháp. Khi thành công trong việc diệt trừ tất cả ác niệm, quý vị sẽ hạnh phúc hơn, an vui hơn. Đó là mục đích chính của Pháp, diệt trừ ác niệm và tà kiến. Đó là lý do tôi luôn nói rằng khi tâm quý vị an lạc và tĩnh lặng, quý vị sẽ thấy mọi thứ đều hoàn hảo. Khi tâm quý vị đầy phiền não và không an lạc, quý vị sẽ cảm thấy mọi thứ đều không hoàn hảo. Khi đó, quý vị ngày càng nghi hoặc, và mọi vấn đề sẽ phát sinh. Đến đây, quý vị đã hiểu mọi điều rồi chứ?

Sau này, khi học Phật pháp, tôi nghĩ quý vị cần phải thảo luận nhóm. Điều này rất quan trọng. Sau này tôi sẽ hướng dẫn quý vị cách thảo luận nhóm. Thảo luận nhóm có nghĩa là quý vị thực hành và chia sẻ kinh nghiệm với người khác, nhờ đó quý vị hiểu Phật pháp hơn nữa. Ở Việt Nam, quý vị nghĩ rằng Phật pháp là đến tham gia thời pháp của một vị lạt ma nào đó, rồi nhận quán đảnh dù hiểu hay không hiểu. Đó không phải là thực hành Phật pháp đúng đắn. Quý vị có nhớ lúc tôi ban quán đảnh ở thành phố Hồ Chí Minh, tôi có nói rằng mọi điều tôi nói bằng Tạng ngữ quý vị đều không hiểu không? Thậm chí nếu tôi hát một bài hát hay tụng một bài cầu nguyện thì quý vị cũng không hiểu gì cả. Chính vì vậy, thấu hiểu Phật pháp rất quan trọng.

Để hiểu Phật pháp, quý vị phải học. Có các phương pháp để học. Trước hết quý vị lắng nghe đạo sư, đặt câu hỏi, và thảo luận. Điều này rất quan trọng để hiểu Phật pháp, vì Phật pháp là môn học rất thâm sâu.

 

NGÀY THỨ 4

Bây giờ tôi sẽ vào Ngày thứ 4 của lamrim. Ngày thứ 4 là thực hành chuẩn bị trong lamrim. Ở miền Bắc Việt Nam, quý vị nghĩ rằng thực hành chuẩn bị là lễ lạy và tụng chú một trăm ngàn lần. Quý vị nghĩ rằng đó là thực hành chuẩn bị, là nghi thức chuẩn bị. Không hoàn toàn như vậy. Quý vị chỉ nói về số lượng. Khi tôi nói quý vị hãy tụng chú, quý vị chỉ quan tâm đến số biến trì tụng. Trong lamrim, có sáu pháp hành chuẩn bị. Có sáu điểm. Trước hết tôi muốn hỏi quý vị có quyển Giải thoát trong lòng tay chưa?

Bây giờ quý vị có thể nhìn vào Ngày thứ 4, quý vị có thể thấy nghi thức chuẩn bị. Quý vị có thể thấy trước tiên là “Lau nhà sạch sẽ và bày biện những biểu tượng thân, khẩu, ý giác ngộ.” Quý vị có thấy không? Quý vị thấy rằng chúng rất đơn giản, nhưng lại rất quan trọng. Ở Việt Nam, quý vị bày biện mọi thứ trên bàn thờ. Quý vị cần biết đặt món gì lên bàn thờ trước tiên, đặt món gì thứ hai… Ở Việt Nam, quý vị để tất cả di ảnh tổ tiên trên bàn thờ, như vậy cũng được; nhưng quý vị phải biết cách thực hiện.

Trước hết là lau dọn phòng. Quý vị cần phải hiểu cách thức lau dọn nhà cửa. Đây là thực hành căn bản. Thực hành căn bản có nghĩa là, khi thực hành bất cứ pháp nào, trước hết quý vị phải tích tập công đức. Để tích tập công đức, quý vị phải trải qua sáu pháp hành cơ bản này. Tôi muốn hỏi quý vị một câu nữa, trên bàn thờ quý vị bố trí tượng Phật và kinh sách như thế nào? Nên để tượng Phật hay kinh sách ở trên? Ở đây, kinh nói rằng “bày biện các biểu tượng của thân, khẩu, ý giác ngộ.” Biểu tượng của thân Phật là tượng Phật, biểu tượng của khẩu Phật là kinh sách, biểu tượng của ý Phật là bảo tháp. Kinh sách phải được bố trí phía trên tượng Phật, vì giáo huấn của Phật quan trọng hơn Đức Phật. Ở Việt Nam, quý vị mua rất nhiều thứ để lên bàn thờ. Tôi nghĩ nếu quý vị thỉnh thêm kinh sách thì sẽ tốt hơn, vì giáo huấn của Phật quan trọng hơn Đức Phật. Khi bày biện bàn thờ, quý vị cần bố trí ảnh Phật phía dưới kinh sách. Quý vị phải để tất cả kinh sách phía trên tượng Phật. Ảnh Phật phải được đặt cao hơn ảnh của các vị bổn tôn, hộ pháp. Đây là điều rất quan trọng. Phía dưới cùng, quý vị có thể để di ảnh tổ tiên của mình. Ảnh Phật giúp quý vị nhớ đến giáo huấn của Ngài. Đó là lý do quý vị cần có ảnh Phật.

Bây giờ, thực hành căn bản là lau dọn nhà cửa. Vào buổi sáng, quý vị phải lau dọn nhà cửa. Quý vị cần biết phải tư duy như thế nào khi lau nhà. Từ đây, mọi thực hành khởi đầu. Hành giả Phật giáo không cần phải làm những điều khác biệt, nhưng họ phải tiến hành mọi điều một cách khác biệt. Khi bắt đầu thực hành Phật pháp, thậm chí khi lau nhà, quý vị lau nhà theo cách rất khác. Cách quý vị lau nhà rất khác biệt. Bất cứ khi nào quý vị lau nhà, hãy tư duy mạnh mẽ rằng quý vị đang lau sạch các cáu bẩn là mọi ác niệm của mình. Quý vị đừng nghĩ đó chỉ là bụi bẩn thông thường, quý vị cần nghĩ rằng bụi bẩn chính là những ác niệm như sân hận, bám chấp… Khi đang quét dọn nhà, thậm chí khi quý vị dùng máy hút bụi, quý vị cần nghĩ rằng mình đang dọn sạch tất cả mọi ác niệm của mình. Tư duy như vậy thì quý vị tích tập được công đức mạnh mẽ. Trong quyển Giải thoát trong lòng tay, quý vị sẽ thấy mẫu chuyện về Chuda, một người rất ngu độn vào thời đó. Sau khi lau dọn tất cả chùa chiền, ông ấy trở nên rất thông minh. Tôi nghĩ quý vị có thể đọc câu chuyện này trong Giải thoát trong lòng tay, do đó tôi không kể lại câu chuyện. Quý vị có thấy câu chuyện chưa? [Đại chúng trả lời có] Nếu quý vị đã biết câu chuyện thì tôi không mất thời gian kể lại nữa.

Ở Hà Nội quý vị có quyển sách bằng tiếng Việt không? [Đại chúng trả lời có]

Mọi pháp hành cũng giống như xây nhà. Xây nhà có nghĩa là, quý vị phải bắt đầu từ nền móng. Do đó, đây chính là nền tảng. Trong mọi pháp hành, trước hết quý vị cần tích tập công đức. Do đó, đây là cách thức tích tập công đức.

Điểm thứ hai là biểu tượng thân, khẩu, ý giác ngộ của Phật. Quý vị có thể giữ hình ảnh Phật, kinh sách, và có thể là một bảo tháp nhỏ, biểu tượng của ý Phật. Trong những biểu tượng này, quan trọng nhất là kinh điển. Thậm chí nếu quý vị không có ảnh Phật cũng không sao. Quý vị không có bảo tháp cũng không sao. Đối với hành giả Phật giáo và những người học Phật pháp, kinh điển rất quan trọng. Đó là biểu tượng của khẩu Phật. Đó là điều quan trọng nhất.

Có một bài cầu nguyện khi lau nhà:

Tham ái là cấu uế, không phải bụi.

Cấu uế ám chỉ tham, không phải bụi.

Bậc trí tẩy trừ cấu uế này,

Thận trọng tuân giữ lời Phật dạy

 

Sân hận là cấu uế, không phải bụi.

Cấu uế ám chỉ sân, không phải bụi.

Bậc trí tẩy trừ cấu uế này,

Thận trọng tuân giữ lời Phật dạy

 

Si mê là cấu uế, không phải bụi…

 

Quý vị có thấy không?

Bất cứ khi nào lau dọn nhà cửa, quý vị có thể tụng bài cầu nguyện này. Tụng bằng miệng không mấy quan trọng, mà trong tâm quý vị phải nghĩ rằng mình đang tẩy sạch mọi cấu uế là ác niệm, sân giận, bám chấp… từ trong tim, trong tâm quý vị. Quý vị phải làm việc nhà dù có muốn hay không. Đây chính là cách quý vị làm việc nhà theo Phật pháp. Rất nhiều người nói với tôi rằng họ không có đủ thời gian để thực hành Pháp. Bởi vì họ không biết cách thực hành nên họ cảm thấy mình không có thời gian thực hành. Thậm chí khi quý vị lau nhà, khi làm việc nhà, quý vị cũng có thể cùng lúc thực hành Pháp. Thậm chí khi quý vị nghe nhạc, nếu biết cách, quý vị có thể thực hành Pháp trong lúc nghe nhạc. Thậm chí khi xem phim, nếu biết cách, quý vị có thể thực hành Pháp trong lúc xem phim. Tôi sẽ chia sẻ với quý vị cách đơn giản để thực hành Pháp trong lúc nghe nhạc. Khi nghe nhạc, quý vị có thể quán sát tính vô thường trong giai điệu bài nhạc. Khi nghe nhạc trong khoảng một đến hai phút, quý vị có thể thấy phần trước của lời nhạc biến mất nhường chỗ cho phần lời phía sau. Điều này cho thấy tính vô thường, cho thấy thời gian trôi nhanh đến thế nào. Khi quán sát âm thanh, quý vị sẽ thấy tính vô thường của vạn pháp. Ý của tôi là quý vị có thể thực hành Pháp trong lúc làm việc nhà. Quý vị có thể làm việc nhà theo Phật pháp, nhưng đừng làm việc nhà quá sức một cách không cần thiết, được chứ? [Rinpoche cười] Thực hành lau nhà vào buổi sáng được đề cập vì vào mỗi buổi sáng, chúng ta bắt đầu từ việc nhà, lau dọn nhà cửa. Trong kinh, chúng ta được dạy cách kết hợp thực hành Phật pháp vào sáng sớm, vì công việc vào mỗi sáng sớm là lau dọn nhà cửa. Vì vậy, việc thực hành Pháp của quý vị cũng sẽ được bắt đầu từ thời điểm đó.

Đối với những người ngu, thực hành Phật pháp chỉ diễn ra trong chùa. Họ nghĩ họ nên đến chùa để thực hành Pháp. Đó là cách của người ngu. Đối với một số khác, thực hành Pháp chỉ là đọc vài quyển kinh, ý tôi là những bài cầu nguyện. Họ nghĩ nếu không tụng những bài cầu nguyện thì vận rủi sẽ đến. Vì vậy họ cứ tụng đọc. Đó hoàn toàn không phải là thực hành Phật pháp.

Có một vị lạt ma đến một ngôi trường để dạy Phật pháp. Một đứa trẻ nói với vị lạt ma, “Thầy dạy cao quá, con không thể hiểu được. Thầy có thể dạy cơ bản về thực hành Phật giáo không?” Vị lạt ma nói, “Được chứ! Bây giờ thầy sẽ dạy các con cách rất đơn giản để thực hành Phật pháp.” Vị lạt ma đưa ra một ví dụ, “Có ba mươi đứa trẻ như các con. Ngày nọ, ba mươi đứa trẻ đó leo lên đỉnh của một ngọn núi. Chúng leo rất chăm chỉ. Chúng không ăn hoặc uống gì cả, mà leo núi rất chăm chỉ cả ngày.” Vị lạt ma kể, “Một ngày khác, ba mươi đứa trẻ trở về từ ngọn núi. Chúng rất mệt. Hai mươi chín đứa đi ngủ vì chúng cảm thấy rất mệt. Có một đứa cũng mệt và khát, nhưng nó không đi ngủ. Nó đến góc phòng và bắt đầu tụng kinh như mọi ngày.” Vị lạt ma nói, “Đó là cách thực hành Pháp thực thụ.” Vài ngày sau, vị lạt ma trở lại ngôi trường đó. Vị ấy hỏi bọn trẻ, “Các con còn nhớ cách thực hành Pháp tốt nhất không?” Có một đứa trẻ giơ tay lên và nói với vị lạt ma, “Con đã tìm được cách thực hành Pháp tốt hơn cách của thầy.” Vị lạt ma rất đỗi kinh ngạc và tò mò, ông ta hỏi, “Bằng cách nào?” Đứa trẻ đưa ra một ví dụ, “Có ba mươi vị lạt ma giống thầy leo lên đỉnh của một ngọn núi. Các vị ấy leo rất chăm chỉ, không ăn gì cả và rất khát nước. Rồi họ trở về từ ngọn núi. Hai mươi chín vị nghĩ rằng họ chưa hoàn tất phần thực hành hàng ngày, do đó họ tụng bài cầu nguyện mỗi ngày. Có một vị lạt ma nghĩ ‘Tôi mệt lắm rồi, tôi rất khát.’ và do đó ông ta đi ngủ mà không thực hành gì cả.” Đứa trẻ nói với vị lạt ma, “Đó là cách thực hành tốt nhất.”

Đứa trẻ đó rất đúng. Vì sao quý vị cầu nguyện mỗi ngày? Vì quý vị nghĩ quá nhiều cho bản thân mình. Chúng ta nghĩ rằng nếu tôi không cầu nguyện thì tôi sẽ rơi vào địa ngục, tôi sẽ gặp vận rủi. Quý vị nghĩ quá nhiều cho bản thân mình. Quý vị không thực hành Pháp đúng đắn. Có nhiều lời than thở rằng thế giới này ngày càng trở nên ích kỷ hơn. Thậm chí khi thực hành Pháp quý vị còn trở thành các hành giả Phật giáo ích kỷ hơn nữa. Đó không phải là cách thức thực hành đúng đắn.

Bây giờ tôi trở lại bài giảng. Nhiều người nghĩ rằng thực hành Pháp chỉ là cầu nguyện mỗi ngày, như vị lạt ma kia kể về đứa trẻ đến góc phòng để đọc bài cầu nguyện hàng ngày. Nó nghĩ rằng như vậy là thực hành Pháp. Nhiều người nghĩ rằng đó là thực hành Pháp. Không đúng. Ở đây, tất cả mọi điều, dù quý vị đang làm gì thì quý vị vẫn có thể kết hợp với thực hành Pháp. Vì vậy, chúng ta đang bàn đến việc lau nhà vào buổi sáng. Thậm chí việc lau nhà cũng có thể kết hợp với thực hành Pháp. Bây giờ tôi hỏi quý vị, quý vị có thời gian làm việc nhà không? Quý vị có thời gian làm việc ở sở làm không? Nếu có, quý vị có đủ thời gian để thực hành Pháp. Vì vậy, lamrim dạy rằng thậm chí việc nhà của quý vị cũng có thể được kết hợp với thực hành Pháp. Ở thời của giáo pháp lamrim không có công ty, không có việc làm công sở, vì vậy lamrim không nhắc đến việc kết hợp việc làm công sở với thực hành Phật pháp. Lamrim đã được trước tác hàng ngàn năm trước. Tuy nhiên, tôi có thể kết hợp được. Tôi sẽ chỉ cho quý vị cách kết hợp việc làm công sở với thực hành Pháp. Lau nhà là một công việc nhà rất đơn giản. Thậm chí một việc như vậy còn có thể được kết hợp với thực hành Pháp thì quý vị có thể kết hợp mọi việc khác với thực hành Pháp. Bất kể quý vị đang làm việc nhà nào, chúng đều có thể được chuyển hóa thành việc thực hành Pháp. Điều này phụ thuộc vào suy nghĩ của quý vị. Đây là điểm quan trọng nhất. Nếu biết cách chuyển hóa việc nhà thành thực hành Pháp, quý vị sẽ có đủ thời gian để thực hành Pháp. Nếu không hiểu Phật pháp, quý vị sẽ cảm thấy mình không có đủ thời gian để thực hành.

Ở Tây Tạng chúng tôi có một câu nói, “Nếu bạn không biết cách thực hành Pháp thì dù bạn đang ngồi trên đỉnh của một ngọn núi, đó cũng chỉ là khổ đau. Nếu bạn biết cách thực hành Pháp, dù bạn đang ở trên một con đường hoặc trong một thành phố náo nhiệt nhất, bạn sẽ thành tựu Phật quả.” Đâu là con đường náo nhiệt nhất ở thành phố Hồ Chí Minh? [Người dịch trả lời đường náo nhiệt nhất ở Quận 1] Nếu biết cách thực hành đúng đắn, quý vị có thể đắc Phật quả trên con đường đó. Không có vấn đề gì cả. Nếu không biết cách thực hành đúng đắn, ngay cả khi quý vị đến Bồ Đề Đạo Tràng, nơi Đức Phật thành đạo, quý vị cũng không thể nào giác ngộ. Có lẽ Phong nên đắc Phật quả ở ngay con đường đó, khi đó tất cả mọi người sẽ di cư từ Ấn Độ sang Việt Nam [Rinpoche cười lớn]. Do đó, vấn đề nằm ở chỗ biết cách thực hành Pháp. Ở đây, lamrim kết hợp thực hành Pháp với việc lau nhà. Quý vị nghĩ rằng thật lạ lùng khi nhắc đến việc lau nhà, nhưng ở đây nó mang đến thông điệp sâu sắc rằng mọi việc đều có thể được chuyển hóa thành pháp hành Phật giáo. Từ trước đến nay, tôi nghĩ quý vị đã lau nhà và làm rất nhiều việc, nhưng không biết cách kết hợp chúng với thực hành Pháp. Từ bây giờ, quý vị phải kết hợp tất cả với việc thực hành Pháp.

Bây giờ, pháp hành chuẩn bị thứ hai là “Kiếm đồ cúng dường hợp pháp và bày biện đẹp mắt.” Quý vị có thấy không? Ở Việt Nam, tôi nghĩ quý vị cúng dường hương, có phải không? Hương hay nước? Quý vị có cúng dường nước không? Quý vị cúng dường món gì cũng được cả. Hương ở Việt Nam rất mạnh. Đôi lúc nó làm tôi dị ứng. Ở đây, quý vị phải hiểu cúng dường đúng đắn. Quý vị phải cúng dường bằng ý. Thậm chí khi quý vị cúng dường hương hay chén nước, đều được, điều quan trong nhất là cúng dường qua ý. Trong truyền thống lamrim chúng tôi có một câu chuyện rất nổi tiếng về một vị thầy dòng Kadampa. Ông ta ở trong một cái hang nhỏ trên đỉnh núi. Ngày nọ, ông ta nhận tin báo rằng các thí chủ, bạn bè của ông đang đến thăm ông. Ông ta bắt đầu lau dọn bàn thờ, sắp xếp hình ảnh và tượng Phật đẹp mắt. Rồi ông ta cúng dường lên tượng Phật. Ông ta lau chùi mọi thứ rất đẹp. Sau đó, ông ta quán sát chính mình. Vì sao ông ta lại làm những điều này? Vì sao ông ta lau dọn bàn thờ, cúng dường tượng Phật? Ông ta nhìn lại hành động của bản thân mình. Ông ta cúng dường và lau dọn bàn thờ nhưng chẳng có tín tâm và lòng thành, mà ông chỉ đang muốn thể hiện sự bày biện đẹp đẽ này cho các thí chủ và bạn bè thấy mà thôi. Ông ta nghĩ động cơ của mình thật sai lầm và rồi ông đi ra ngoài, hốt bụi và cát ném vào bàn thờ của mình. Đây là một trong những mẩu chuyện ưa thích của tôi và tôi rất thích câu chuyện đó khi còn trẻ. Bất cứ khi nào quý vị bày biện bàn thờ hoặc khấn nguyện, đừng trông vào người khác xem họ làm gì, bày biện ra sao, mà hãy hết lòng thực hiện với tín tâm của chính mình. Theo truyền thống Tây Tạng thời xưa thì người ta cúng dường đèn bơ. Trước đây tôi cũng cúng dường đèn bơ trên bàn thờ nhưng có một hôm, đèn bơ đã làm cháy mất một trang sách của tôi, thế là từ đó tôi không cúng dường đèn bơ nữa vì đèn bơ đã gây tổn thất cho tôi, điều đó rất phi lý. Như tôi đã nói với quý vị, hành giả Phật pháp phải có lý trí, phải biết đặt nghi vấn. Đức Phật không yêu cầu cúng dường đèn bơ cho Ngài, không yêu cầu cúng dường nước cho Ngài. Điều quan trọng nhất là cúng dường bằng tâm. Đó là cách cúng dường quan trọng nhất. Cúng dường vật chất, như đèn bơ, đôi lúc lại gây tổn hại. Do đó, quý vị có thể thấy điều đó ở điểm thứ hai này: Kiếm đồ cúng dường hợp pháp và bày biện đẹp mắt.

Tôi muốn hỏi quý vị một điều nữa. Khi cúng dường hương, nước hoặc trái cây trên bàn thờ thì quý vị cầu nguyện gì? Đó là điều quan trọng. Tôi biết có thể quý vị cầu cho công việc tốt hơn, lương cao hơn, hoặc điều này hay điều kia, nhưng đó không phải là cầu nguyện, mà là quý vị đang than thở với Đức Phật. Tôi không nói rằng quý vị không nên cầu nguyện. Quý vị nên cầu nguyện và cần phải biết cách cầu nguyện của một hành giả Phật giáo. Khi quý vị mong có một công việc tốt hơn thì đừng chỉ cầu nguyện cho riêng mình mà hãy cầu nguyện cho tất cả chúng sinh có một công việc tốt hơn. Nếu quý vị đang ước có một tách cà phê thì hãy nguyện cho tất cả chúng sinh cũng có được một tách cà phê. Đó là cách cầu nguyện mà quý vị cần thực hiện. Khi quý vị cầu nguyện theo cách này thì quý vị sẽ tích tập được nhiều công đức hơn nữa. Khi quý vị có nhiều công đức thì quý vị sẽ rất may mắn và lời cầu nguyện của quý vị có nhiều khả năng trở thành hiện thực. Quý vị hiểu rõ không?

Từ bây giờ, quý vị phải thay đổi cách cầu nguyện. Trước kia, quý vị chỉ cầu xin cho bản thân mình thì giờ đây quý vị phải cầu nguyện cho hết thảy chúng sinh hữu tình. Trước kia, tâm quý vị chỉ cầu xin hạnh phúc cho bản thân thì bây giờ quý vị phải cầu nguyện hạnh phúc cho hết thảy chúng sinh hữu tình, cho tất cả mọi người. Nếu quý vị không thể cầu nguyện hạnh phúc đến với hết thảy chúng sinh thì ít nhất quý vị cũng phải cầu nguyện hạnh phúc cho toàn thể gia đình mình.

Có lẽ tôi ngừng ở đây. Tôi sẽ dành vài phút cho phần hỏi đáp.

Thư có ở đó không? Jade, Thư, Phong không đặt câu hỏi. Những người khác có thể hỏi tôi.

 

Hỏi: Phật tử ở Hà Nội muốn biết thêm về mười phẩm tính của đạo sư.

Rinpoche: Hiện tại tôi không có bản tiếng Anh. Tôi sẽ có bản tiếng Anh vào buổi sau và khi ấy tôi sẽ giải thích về mười phẩm tính của đạo sư.

Còn câu hỏi nào nữa không? Nếu quý vị không có câu hỏi nghĩa là có hai khả năng. Hoặc là quý vị đã hiểu hoàn toàn thấu đáo, hoặc là quý vị không hiểu gì cả. Tôi không biết quý vị thuộc về khả năng nào [Rinpoche cười].

 

Người dịch: Rinpoche, lần trước Ngài nói với chúng con rằng Ngài sẽ hướng dẫn mọi người bài chú tụng trước mỗi thời pháp.

Rinpoche: Được, tôi nhớ rồi!

 

Hỏi: Xin Ngài dạy cách tốt nhất để ghi nhớ việc kết hợp thực hành Pháp vào trong công việc hàng ngày.

Rinpoche: Quý vị có thể kết hợp thực hành Pháp trong mọi lúc, nhưng trước hết quý vị phải đi từng bước một. Bước thứ nhất, ngày mai khi quý vị lau dọn nhà, quý vị hãy nghĩ rằng mình không chỉ lau chùi bụi bẩn thông thường, mà quý vị đang lau sạch các vết nhơ trong tâm như sân giận, ghen tị, và tất cả mọi ác niệm. Từ bây giờ quý vị phải nghĩ như vậy. Quý vị hãy thực hành bước thứ nhất này rồi nó sẽ dần trở nên dễ dàng hơn. Sau đó tôi sẽ hướng dẫn tiếp bước hai, bước ba… Đến một ngày nào đó quý vị sẽ có thể kết hợp từng công việc với thực hành Pháp mà không gặp khó khăn gì nữa.

 

Hỏi: Khi nhận truyền khẩu của những vị Rinpoche, con chỉ lặp lại theo các ngài mà không hiểu gì cả. Xin Rinpoche giảng dạy về điều này.

Rinpoche: Khi tôi ban khẩu truyền, quý vị cần lặp lại một hoặc hai lần. Như vậy là đủ. Quý vị không cần phải lặp đi lặp lại lời khẩu truyền đó. Nếu phải lặp đi lặp lại thì tốt nhất quý vị phải hiểu. Đôi khi, khi quý vị lặp lại mà không hiểu đúng thì đó là quán đảnh mù. Quán đảnh mù là điều nguy hiểm nhất. Có một câu chuyện. Thời xa xưa, có một người đàn ông đang kiệt sức vì đói. Đêm hôm đó, ông ta cầu nguyện với Phật Quan Âm và ông đã có một giấc mộng. Trong giấc mơ, Đức Phật đến và nói với ông, “Ngày mai sẽ có người đến cho ông một bao đầy gạo. Ngày mai một vị tu sĩ sẽ đến nhà ông. Khi vị tu sĩ đến, ông hãy lấy cây gậy gõ vào đầu ông ta, vị tu sĩ đó sẽ hóa thành bao gạo.” Sáng hôm sau khi người đàn ông tỉnh dậy, ông ta nghĩ thật lạ lùng, nhưng giấc mơ đã thành hiện thực. Có một vị tu sĩ đến nhà ông. Ông lấy gậy gõ lên đầu vị tu sĩ đó và vị tu sĩ biến thành bao gạo. Ông ta chưa từng chứng kiến việc này và ông ta nghĩ rằng lấy gậy gõ lên đầu bất cứ tu sĩ nào thì vị tu sĩ đó chắc cũng biến thành bao gạo. Điều này cho thấy quán đảnh mù rất nguy hiểm. Khi không hiểu gì cả mà quý vị cứ lặp đi lặp lại thì điều đó có thể nguy hiểm. Quý vị không cần phải lặp đi lặp lại lời khẩu truyền mà chỉ cần một hoặc hai lần là được. Thế thôi.

Còn câu hỏi nào khác hay không?

 

Hỏi: Khi chúng con làm việc và bị căng thẳng, nếu chúng con kết hợp công việc với thực hành Pháp mà vẫn bị stress thì chúng con phải làm gì?

Rinpoche: Khi quý vị đi làm mà bị căng thẳng trong công việc thì điều này có liên quan rất nhiều với cách suy nghĩ của quý vị. Khi quý vị làm việc thì có một điều đáng mừng mà quý vị cần phải nghĩ đến trước tiên là mình đang có việc để làm. Hiện nay có hàng ngàn người đang thất nghiệp. Họ không có việc gì để làm cả. Quý vị may mắn có được việc làm. Quý vị có thể thấy hiện nay, ở nhiều quốc gia, rất nhiều người bị thất nghiệp. Điểm thứ hai, quý vị căng thẳng vì quý vị đang tạo quá nhiều áp lực lên bản thân. Khi ép mình quá mức thì quý vị sẽ bị căng thẳng. Thực hành Pháp không phải như vậy. Những lúc căng thẳng quý vị thường làm gì? Quý vị nghĩ quá nhiều đến bản thân: Tôi phải làm điều này, tôi phải làm điều kia, tôi… tôi… tôi… Quý vị nghĩ quá nhiều đến cái “tôi” và trở nên căng thẳng. Bây giờ quý vị cần phải nghĩ rằng bất kể tôi làm công việc gì, mong cho việc làm này sẽ giúp được cho người khác, mong cho việc làm này sẽ mang đến lợi ích cho họ. Quý vị cần nghĩ theo cách như thế. Nếu làm việc và tư duy được như vậy, quý vị sẽ đỡ căng thẳng hơn và sếp của quý vị sẽ hài lòng hơn. Nghĩ cho người khác, đó là Phật pháp. Quý vị sẽ đạt được ba điều: ít căng thẳng hơn, thực hành Pháp nhiều hơn, và sếp sẽ vui hơn. Ở sở làm, quý vị đừng so sánh mình với người khác. Đừng nghĩ rằng “Anh ta/cô ta không phải làm như thế này, tại sao tôi phải làm?” Nếu quý vị so sánh bản thân mình với người khác quá nhiều thì quý vị sẽ ngày càng bức bối hơn nữa. Thêm một điều nữa, khi quý vị có nhiều việc phải làm, nếu căng thẳng thì quý vị sẽ thấy những công việc đó rất khó khăn; còn nếu quý vị bớt được căng thẳng thì dù có nhiều việc cần phải làm đi nữa, quý vị cũng sẽ cảm thấy các công việc đó không còn quá khó. Ở sở làm, điều quan trọng nhất là quản lý công việc. Trước hết quý vị cần phải suy nghĩ kỹ là việc nào nên làm trước và việc nào nên làm sau… Quý vị phải thực hiện công việc một cách tuần tự, có hệ thống. Khi quý vị gắng sức dồn tất cả mọi việc vào cùng một lúc thì điều đó sẽ khó hơn nhiều. Vì vậy, đối với việc thực hành Phật pháp, quý vị phải nghĩ rằng: Nếu tôi không thành Phật trong đời này thì tôi sẽ cố gắng thành Phật trong đời sau, thậm chí nếu tôi không thành Phật trong đời sau thì tôi sẽ cố gắng thành Phật trong đời kế tiếp… Suy nghĩ như vậy sẽ mang lại cho chúng ta dũng khí và tính nhẫn nại. Tương tự, nếu hôm nay tôi không thể hoàn tất công việc thì tôi sẽ hoàn thành chúng vào ngày mai. Quý vị cần phải nghĩ như vậy vì cách nghĩ đó sẽ giúp quý vị thêm can đảm và kiên trì. Nhưng quý vị chớ có hiểu lầm ý này. Đừng nghĩ rằng ngày hôm nay tôi không làm việc thì để mai làm cũng được, rồi ngày mai cũng không làm thì để ngày mốt làm, như vậy là hiểu sai lời tôi nói. Sau khi nghe Pháp nếu quý vị trở nên lười biếng hơn thì không hay chút nào! [Rinpoche cười]

Tôi ngừng ở đây. Cảm ơn quý vị!

 

*Ban Biên Tập Dipkar Việt Nam dịch và hiệu đính lần thứ nhất @ 23/08/2014.