03-09-2022
Lamrim 2021
Download MP3

Tóm Tắt Bài giảng tuần 75 – Ngày 03.09.2022

Ngày thứ 18 – GTTLT quyển 2 trang 191

II. Cách phát Tâm Bồ đề

1. Những giai đoạn luyện Tâm Bồ đề

a. Luyện tâm theo chỉ giáo 7 lớp nhân quả

b. Luyện tâm bằng cách đổi địa vị mình với người

Luyện 2 loại Tâm Bồ đề :

B1. Luyện Tâm Bồ đề tuyệt đối

B2. Luyện Tâm Bồ đề tương đối

Phát Tâm Bồ đề có 2 cách : Bảy lớp nhân quả & Hoán đổi ngã tha

Hoán đổi ngã tha tức hoán đổi địa vị mình với người. Để thực hành phát Tâm Bồ đề hoán đổi ngã tha được hướng dẫn thực hành theo 7 điểm luyện tâm. Trong phát tâm Bồ đề tương đối có 5 bước:

- Quán mình vời người bình đẳng

- Quán những lỗi lầm phát xuất từ ngã ái

- Quán những lợi ích do lòng tương người

- Quán đổi địa vị mình với người

- Lấy 4 điều trên làm căn bản để thiền quán cho và nhận ( Tonglen)

B2.4 Quán hoán đổi địa vị mình với người

Hoán đổi địa vị mình với người khác: không có ý nghĩa rằng bây giờ bạn nên hiểu rằng mình là người khác hay người khác đã trở thành mình. Trong quá khứ bạn đã bất chấp người khác, vì bạn thương yêu chính mình. Bây giờ hai thái độ ấy nên đổi chỗ. Như vậy sự “thay đổi” này ám chỉ sự chuyển tâm ái luyến tự ngã của bạn thành ra lòng thương đối với kẻ khác. Bạn luyện tâm bằng cách nghĩ như sau: “Tôi thường không nghĩ đến người khác, nhưng từ đây trở đi, tôi sẽ không nghĩ đến nhu cầu của chính tôi; tôi đã tự thương mình, nhưng từ đây trở đi tôi sẽ thương người khác.” Nhờ quen thuộc với pháp này, bạn sẽ thực hiện được một cuộc trao đổi địa vị như thế.

Đầu tiên nên nghĩ rằng:

+ Mình và người khác là bình đẳng

+ Chấp ngã dẫn đến lỗi lầm thế nào

+ Thương người có lợi ích gì

+ Tâm mà trước kia chỉ biết thương yêu và xem trọng bản thân mình, thì bây giờ đổi lại tâm đó lại xem yêu thương và trọng người khác hơn.

B2.5 Pháp Thiền định cho và nhận ( Tonglen)

Nhận là để xây dựng Đại bi và Cho là để xây dựng Đại Từ

+ Nhận là để xây dựng Đại bi : Tâm Đại Bi là tâm mong muốn cho người khác hết đau khổ. Nên Nhận là nhận hết sự đau khổ của người khác.

+ Cho là để xây dựng Đại Từ : Tâm Đại từ là tâm mong muốn cho người khác được an vui hạnh phúc. Nên Cho là cho hết an vui hạnh phúc của bản thân mình cho người khác

(Xem bản chánh văn Bảy điểm luyện tâm)

Pháp thực hành Thiền định Cho và Nhận làm cho các pháp thực hành trước đây có hiệu quả. Để thực hành bước thứ 4 – Hoán đổi địa vị mình với người khác được cụ thể và có hiệu quả, thì thực hành bằng cách Cho và Nhận.

Trong thực hành thì “Nhận lấy” được thi hành trước. Kỳ thực có thể chỉ nên tu tập phần “Nhận lấy” mà bỏ phần “Cho.” Sẽ không lợi lạc nếu đem Cho hạnh phúc trước khi Nhận lấy đau khổ. Bởi thế, hãy thực hành như sau để xây dựng tâm đại bi.

Hãy nghĩ, “Tôi sẽ nhận lấy hết khổ đau từ tất cả hữu tình, những người mẹ của tôi, và phát sinh tâm đại bi. Rồi quán tưởng tất cả khổ đau của họ được rũ sạch, có hình dáng những tia khói đen tan thành khói ngã ái ở trái tim bạn.

Bạn có thể làm việc này một cách chi tiết hơn. Hãy nghĩ nỗi khổ do sức nóng của các địa ngục tan thành lửa v.v., vào trong tim bạn, và nó tan thành ngã ái của bạn. Hãy quán tưởng bạn đang nhận lấy những khổ đau tội lỗi và chướng ngại, v.v… của những chúng sinh ở các cõi địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, tu la, người, chư thiên, v.v cho đến những Bồ tát ở địa thứ mười. Rồi tưởng tượng họ bây giờ đã được tịnh hóa tất cả tội lỗi nghiệp chướng. Hãy cầu nguyện cho những thứ ấy chín mùi nơi bạn. Nhưng khi làm sự “nhận lấy” này, thì đừng nhận từ chư Phật hay các bậc thầy của bạn.

Có nhiều hạng người trình độ khác nhau. Một số người sơ cơ tự thấy mình không thể thiền quán về Cho và Nhận, hãy xây dựng sự Nhận Lấy của bạn bằng cách khởi từ bản thân:

-Buổi sáng bạn thiền quán rằng bạn đang nhận lấy hết nỗi đau khổ mà bạn sẽ kinh quá vào buổi chiều

- Tiếp đến, nhận lấy khổ đau của ngày hôm sau; rồi đau khổ của ngày còn lại trong tháng; trong năm; trong đời này; đời sau, và tất cả những đời sau.

- Tiếp tục đến cha mẹ, bà con, bè bạn, kẻ lạ, người thù vân vân, cho đến khi bạn bao trùm tất cả hữu tình.

Nên thực hành theo thứ tự như trên.

Pháp thiền định cho nhận, 2 pháp này đặt lên hơi thở. Có nghĩa là khi hít vào nghĩ là nhận hết sự đau khổ của tất cà chúng sinh và khi thở ra là cho hết an vui hạnh phúc của bản thân mình cho tất cả chúng sinh. Theo trình tự là nhận trước rồi mới cho sau. Đối tượng là tất cả chúng sinh. Hãy bắt đầu với bản thân mình trước, phải chịu đựng được khổ đau của chính mình trước sau đó mới có thể chịu đựng khổ đau của người bạn bè người thân, sau đó gánh vác trách nhiệm nhận khổ đau cho người khác và dần dần nhận đến khổ đau cho kẻ thù, cuối cùng là nhận khổ đau cho tất cả chúng sinh.

Tất cả khổ đau ta nhận từ người khác sẽ giúp phá tan tâm chấp ngã của mình. Đầu tiên khi nghĩ đến việc nhận đau khổ của người khác sẽ khiến ta phát sinh sự sợ hãi. Thiền quán về việc nhận đau khổ của người khác có thể không khiến đau khổ từ người khác biến thành đau khổ của chính mình, nhưng từ phép quán này khi ta can đảm gánh vác khổ đau của người khác sẽ giúp ta tích lũy được công đức. Và từ công đức lớn tích lũy này cũng có thể khiến ta giúp được người khác bớt khổ.

Cho là để xây dựng Tâm Từ:

- Bạn hãy quán thân mình biến ra nhiều thân, trở thành những vật mà hữu tình mong mỏi. Những vật này tuôn ra dưới hình dạng những cơn mưa làm lắng dịu nỗi khổ của những chúng sinh ở địa ngục. Những thân ấy lại còn trở thành những hướng đạo tâm linh để dạy Pháp cho chúng, nhờ đó chúng tiến gần đến giác ngộ. Rồi những thân thể biến hóa ấy lại lấy hình dạng của ánh sáng mặt trời, y phục v.v… cho chúng sinh ở địa ngục lạnh; đồ ăn uống cho ngạ quỷ; trí tuệ biết phân biệt các pháp cho súc sinh; áo giáp cho tu la; ngũ dục cho chư thiên.

- Hãy ban phát những công đức của cải của bạn theo cách ấy; và làm những dâng cúng dồi dào như thế cho những bậc thầy, quán tưởng rằng điều ấy sẽ làm tăng những thiện sự của họ

- Khi thực hành pháp “Cho” bạn sẽ phát triển được tâm Từ. Vì bạn sẽ nghĩ về những chúng sinh ấy rằng họ quá thiếu thốn hạnh phúc như thế nào.

- Bạn lấy pháp quán để luyện tâm này làm pháp tu chính yếu của bạn.

Trong đời sống hằng ngày hãy tụng đọc những bài kệ để nhắc mình tu tập, tức pháp thực hành phát Tâm Bồ đề, ở đây là pháp Hoán đổi ngã tha ở bước Cho & Nhận.

Bài kệ :

Hỡi bậc thầy tôn quý đầy từ bi

Hãy gia hộ cho con:

Mong tất cả khổ đau

Tội lỗi và chướng ngại

Của tất cả hữu tình đã từng làm mẹ con

Bây giờ hãy trút lên con không trừ

Con nguyện cho người khác hạnh phúc và thiện hành của con,

Mong tất cả hữu tình được hạnh phúc

Pháp Thực hành Cho Nhận là phần thứ 2 trong 7 điểm luyện tâm

Phần 3 trong 7 điểm luyện tâm – Chuyển nghịch cảnh thành con đường giác ngộ

Có hai tiêu đề: (1) Chuyển hóa toàn cảnh bằng tư tưởng; (2) Chuyển hóa bằng hành động

- Chuyển hóa toàn cảnh bằng tư tưởng:

+ Chuyển hóa nhờ phân tích: mỗi khi lo lắng vì bệnh hoạn kẻ thù, phi nhân, v.v…, chúng ta thường trách cứ người khác. Vì chúng ta không hiểu được rằng tất cả bệnh tật là hậu quả của nghiệp chúng ta. Tuy nhiên khi tìm ra nguyên nhân sâu xa, thì ta sẽ thấy rằng mọi nỗi bất hạnh đều phát sinh do nghiệp. Và ngay cả nghiệp ấy cũng do chấp ngã; bởi thế ngã ái là điều căn bản đáng trách.

“Khi vũ trụ tràn đầy tội lỗi” , ta không nên trách những người xung quanh mang đến khó khăn nghịch cảnh cho mình. Do ác nghiệp mình gây tạo từ các đời trước, giờ trở nên chín muồi, trở thành kết quả đau khổ mà mình phải gánh chịu trong đời này.

Khi bị trộm lấy mất hết của cải, bạn không nên trách tên trộm mà hãy trách ác nghiệp và ái ngã của mình. Bởi thế khi gặp nghịch cảnh, hãy nghĩ rằng chúng đang giúp ta thành tựu giác ngộ, vì có câu “ bệnh, tội lỗi và chướng ngại là một cái chổi (để quét sạch nghiệp).

Vậy khi gặp nghịch cảnh bạn nên nghĩ rằng: “Tôi đang thực hành pháp Cho và Nhận bằng cách quán tưởng tôi đang nhận lấy những tội lỗi và chướng ngại của các hữu tình”. Bằng cách này bạn vừa tịnh hóa được các ác nghiệp của mình vừa thực hành được pháp Cho & Nhận. Và khi thực hành pháp này, sẽ tích lũy được rất nhiều công đức. Hãy quán tưởng một cách chân thành khi bạn làm việc “nhận lấy” này: nhận lấy khổ đau của hữu tình. Nếu bạn tu tập cách ấy, thì ngay cả bệnh tật cũng sẽ không làm chướng ngại bạn.

Khi chúng ta hạnh phúc, ta không nhớ pháp. Nhưng khi những nghịch cảnh như mang tiếng xấu, bị xuống chức, bị bệnh, v.v… thì chúng ta mới tung mình ra khỏi tình trạng vô cảm và khởi sự làm việc lành. Khi gặp nghịch cảnh, nhận biết do ác hành của mình tạo nên, bạn sẽ nỗ lực tích lũy phước đức trí tuệ, bạn phải từ bỏ ác hành, tạo nhiều thiện đức để thanh lọc ác nghiệp. Vì thế, đó là chuyển nghịch cảnh thành con đường giác ngộ.

Khi bạn bị ma vương, ác ma, bùa chú v.v… làm hại, thì hãy xem như chúng đang làm lợi ích lớn cho bạn, vì điều ấy tác động cho bạn tu tập Pháp trong khi trước đấy bạn hoàn toàn bù đầu vào những chuyện thế tục không nhớ gì đến Phật pháp.

Đau khổ cũng có thể là một yếu tố góp phần vào việc chứng ngộ chân như nếu bạn biết cách lèo lái tư duy của mình. Khi một hoàn cảnh bất lợi xảy đến cho chúng ta, chúng ta liền gián đoạn ngay sự tu tập. Nhưng đừng làm thế.

Khi đối diện với đau khổ, bạn cảm thấy bất hạnh và điều này tẩy trừ kiêu căng. Bạn cũng cảm thấy thương xót kẻ khác vì chính bạn cũng đau khổ, và điều này là một nhân tố cho bạn mong muốn từ bỏ những gì bạn cần phải từ bỏ. Sự sung sướng làm tiêu mòn công đức bạn tích lũy, Còn đau khổ thì tịnh hóa được tội lỗi và chướng ngại. Khi người khác ca tụng bạn sẽ kiêu căng, không thể thấy lỗi lầm của mình, và mặc dù bị chỉ trích thì không có gì vui, nhưng sau đó bạn sẽ xét lại hành động của mình, và điều này sẽ làm bạn cẩn thận thay đổi lối hành xử.

Khi đau khổ hãy nghĩ nhờ đau khổ sẽ thấy lỗi lầm của mình, làm việc thiện lành, tích lũy công đức và tịnh hóa ác nghiệp. Khi sung sướng, bạn nghĩ rằng đấy là quả chín muồi từ các thiện hành, từ đó sẽ tăng động lực cho bạn thiền quán về tâm bồ đề

+ Chuyển hóa bằng tri kiến:

Hạnh phúc và đau khổ của chúng ta có thể đã phát sinh từ những hoàn cảnh hoặc tốt hoặc xấu. Nhưng khi xét bản chất của chúng thì những điều ấy được thấy là đã sinh ra từ một chuỗi nhân duyên hỗ tương lệ thuộc. Như vậy hoàn cảnh tốt hay xấu, đau khổ hay hạnh phúc tất cả chỉ là những nhãn hiệu, và những việc như thế không thể được thiết lập theo bản chất của chúng, dù chúng ta nhìn sâu vào sự kiện rằng “tôi” và “người khác” không thực sự hiện hữu, thì điều này sẵn sàng ngăn chận chúng ta khỏi đau khổ, tham luyến, v.v…

Nếu bạn không hiểu được tri kiến ấy thì phải nghĩ: “Khi tôi chết, tất cả những hạnh phúc và buồn khổ mà bây giờ tôi có thể có, sẽ chỉ còn là những ký ức, như thế tôi đã chiêm bao về chúng. Thương hay ghét trong cuộc đời ngắn ngũi này thật là điều vô nghĩa.

Với cách giải thích này nhằm cho ta từ bỏ bám chấp, tham luyến và phân biệt những gì cho là ta và người khác