03-12-2022
Lamrim 2022
Download MP3

TÓM TẮT BÀI GIẢNG LAMRIM 2022

TUẦN 28 – NGÀY 03/12/2022

CHỦ ĐỀ: LUYỆN TÂM VỚI PHẠM VI TRUNG BÌNH

- Trong phần này, ta sẽ học nhiều về giải thoát, nghĩa là giải thoát khỏi mọi đau khổ của luân hồi. Để giải thoát khỏi luân hồi, ta cần có:

+ Tâm buông xả

+ Hiểu biết về Tứ Thánh Đế (Tứ Diệu Đế). Tứ Thánh Đế là nội dung thực hành cốt lõi của phạm vi trung bình. Đây cũng là tinh túy của đạo Phật.

- Tứ Thánh Đế là Bốn Sự Thật Cao Quý:

(1) Sự thật về khổ (Khổ đế)

(2) Sự thật về nguồn gốc của khổ (Tập đế)

(3) Sự thật về việc chấm dứt khổ (Diệt đế)

(4) Sự thật về phương pháp chấm dứt khổ (Đạo đế)

- Sự thật về khổ (sự thật đầu tiên) là những đau khổ mà hiện giờ ta phải gánh chịu. Nguồn gốc của khổ (sự thật thứ 2) là những nghiệp đã làm và những phiền não (chủ yếu là tham, sân, si) đã thúc đẩy ta tạo ra những nghiệp đó. Đây là 2 nguyên nhân chính yếu gây ra khổ trong luân hồi. Chính vì biết những đau khổ mà ta đang chịu là do nghiệp và phiền não nên bây giờ ta phải áp dụng phương pháp để thoát khỏi tất cả các phiền não đó. Thực hành phương pháp thoát khổ (sự thật thứ 4) sẽ cho kết quả là thoát được khổ. Khi thoát được khổ, ta sẽ có được an lạc. Ở trạng thái an lạc đó, ta sẽ không còn bị bất kỳ phiền não hay đau khổ của luân hồi quấy nhiễu nữa. Lúc đó ta đã được giải thoát, tức Niết bàn (sự thật thứ 3).

- Tóm lại, 2 sự thật đầu liên quan đến cơ chế trong luân hồi, tức là vì nguyên nhân của khổ nên ta mới bị đau khổ. 2 sự thật sau nói đến cơ chế của giải thoát, nghĩa là nếu thực hành phương pháp giải thoát thì ta sẽ được giải thoát. Cơ chế trong luân hồi là từ nghiệp và phiền não sẽ sinh ra những đau khổ trong luân hồi. Nếu muốn thoát hết khổ, cần phải phá bỏ nguồn gốc của khổ. Vậy làm sao để loại bỏ nghiệp xấu và phiền não? Phương pháp mà đức Phật đã dạy là thực hành Bát chánh đạo và Giới - Định - Tuệ… sẽ giúp loại bỏ được những nghiệp xấu và tất cả các phiền não. Khi mất hết tất cả các nguyên nhân tạo ra khổ thì sẽ không thể nào sinh ra kết quả đau khổ. Lúc đó ta đạt được giải thoát.

- Phạm vi trung bình là mong muốn thoát khỏi hết tất cả đau khổ của luân hồi, đạt được giải thoát. Muốn vậy, ta cần phải hiểu và thực hành được 4 sự thật này. Nếu không có thực hành Tứ Thánh Đế thì sẽ không có cách nào thát khỏi đau khổ của luân hồi.

* GIẢI THÍCH HÌNH VẼ BÁNH XE LUÂN HỒI VỀ TỨ THÁNH ĐẾ

+ Ở tâm điểm của bánh xe có 3 con vật là con heo, con rắn và con chim, tượng trưng cho 3 loại phiền não chủ yếu là tham, sân, si. Con heo tượng trưng cho si. Rắn tượng trưng cho sân. Chim tượng trưng cho tham. Con heo đang ngậm đuôi 2 con vật kia nghĩa là vì si mê, vì không hiểu biết nên mới tham và sân. Ba điều này là tam độc trong tâm của chúng ta. Đau khổ có 2 nguồn gốc là nghiệp và phiền não. Từ phiền não này sinh ra tất cả mọi đau khổ trong luân hồi. Đó là sự thật thứ 2 trong Tứ Thánh Đế.

+ Tiếp đến là vành ngoài một bậc ở bên trái, nửa vành bên trái có màu trắng (hoặc màu cam) tượng trưng cho thiện nghiệp; nửa vành bên phải có màu đen tượng trưng cho ác nghiệp. Vì tham, sân, si mà ta tạo ra ác nghiệp (nửa vành đen bên phải). Có những lúc ta tạo ra thiện nghiệp (nửa vành trắng bên trái). Nhờ thiện nghiệp giúp sinh lên 3 cõi lành: trời, người, phi thiên. Còn làm ác nghiệp thì sinh vào 3 cõi ác: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. 6 cõi luân hồi tượng trưng cho đau khổ của luân hồi. Đó là sự thật đầu tiên trong Tứ Thánh Đế.

+ Vành ngoài nữa có 12 ô nhỏ, tượng trưng cho 12 chi phần của nhân duyên là Vô minh - Hành - Thức - Danh sắc - Lục nhập - Xúc - Thọ - Á - Thủ - Hữu - Sinh - Lão tử.

+ Hình vẽ bánh xe luân hồi có nói đến các pháp thực hành của phạm vi nhỏ. Nghĩa là quy y và nương tựa Tam Bảo, sau đó thực hành tịnh hóa ác nghiệp và làm thiện nghiệp để được sinh lên 3 cõi lành. Nếu làm ác thì sẽ phải sinh vào 3 cõi ác là địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Chúng sinh ở cõi địa ngục chịu khổ nóng lạnh, súc sanh chịu nỗi khổ ngu si, cõi ngạ quỹ chịu khổ đói khát. Ở các cõi ác này, đau khổ nhiều như thế nên cơ hội có được một chút nhàn rỗi để thực hành pháp dường như không có. Cho nên để tránh được những đau khổ đó, ta phải thực hành tịnh hóa ác nghiệp và làm thiện nghiệp để được sinh lên cõi lành. Nhưng cho dù thoát khỏi 3 cõi ác và sinh lên cõi trời, người, hay phi thiên thì ta vẫn nằm trong luân hồi, vẫn chịu sự trói buộc của sinh tử.

+ Ngoài cùng có một con quỷ ngậm nguyên bánh xe luân hồi, tượng trưng cho thần chết. Nghĩa là nếu vẫn ở trong luân hồi thì dù sinh lên cõi nào đi chăng nữa, có hưởng an lạc, hạnh phúc như thế nào đi chăng nữa thì ta vẫn ở trong miệng của thần chết, lúc nào cũng chịu trói buộc của sinh tử luân hồi. Đó là sự thật đầu tiên trong Tứ Thánh Đế.

+ Để thoát ra khỏi luân hồi, đức Phật đã hướng dẫn 2 sự thật phía sau, nghĩa là cần thực hành Bát chánh đạo và Giới - Định - Tuệ mới có được giải thoát. Trong hình vẽ bánh xe, ta thấy có một vị tu sĩ đứng trên đám mây ở góc trên bên phải, đang chỉ tay về phía mặt trăng. Vị này đứng ở ngoài bánh xe, nghĩa là đứng ngoài thần chết, tức vị đó đã thoát khỏi sinh tử luân hồi. Vị tu sĩ chỉ tay về phía mặt trăng, nghĩa là chỉ cho ta con đường đi đến Niết bàn, tức là ta có thể làm theo hướng dẫn của vị đã thoát khỏi luân hồi sinh tử để có được giải thoát. Vị tu sĩ đang chỉ tay tượng trưng cho sự thật thứ tư - con đường chấm dứt khổ.

+ Trong hình vẽ bánh xe, mặt trăng và mặt trời tượng trưng cho giải thoát, Niết bàn hay sự chấm dứt khổ. Đó là sự thật thứ 3.

+ Phía trên bên trái có cung điện của vị Phật và ở phía dưới có dải hào quang đi từ tâm điểm của bánh xe lên cung điện của Phật giống như bậc thang và có vài người đi trên bậc thang đó. Nghĩa là nếu ta phát tâm nhờ Tín - Nguyện - Hạnh và hướng tâm về đức Phật A Di Đà, nếu có đủ công đức và niềm tin, thì sau khi chết, ta cũng có thể vãng sanh lên cõi tịnh độ của Phật A Di Đà. Đó cũng là một cách có thể thoát khỏi luân hồi.

- Để thực hành con đường giải thoát, trước tiên ta phải muốn giải thoát đã. Muốn giải thoát, ta phải thấy được những khuyết điểm, đau khổ của luân hồi, từ đó phát tâm chán ngán luân hồi, phát tâm buông xả từ bỏ luân hồi. Như vậy, ta mới có động lực để thực hành con đường đưa đến giải thoát.

- Khi học về sự thật đầu tiên - sự thật về khổ, ta sẽ học được rất nhiều khuyết điểm, đau khổ của luân hồi. Học về những đau khổ đó không phải để khiến ta thất vọng, chán nản về luân hồi mà học về khổ để thấy rằng cho dù sinh ra ở bất cứ nơi nào trong luân hồi, ta đều có nguy cơ bị phiền não chi phối và sẽ phải chịu đau khổ. Để không bị phiền não quấy nhiễu, ta phải áp dụng phương pháp tịnh hóa ác nghiệp và loại bỏ phiền não. Đó là mục đích của việc học về những khuyết điểm của luân hồi.