28-05-2022
Lamrim 2022
Download MP3

TÓM TẮT BÀI GIẢNG LAMRIM 2022 - TUẦN 5 – NGÀY 28/05/2022
CHỦ ĐỀ: 6 pháp chuẩn bị: Khẩn cầu Ruộng Phước (Thầy Thabkhe Lodroe hướng dẫn)
-Trong Phật pháp, Lamrim có nghĩa là các giai đoạn thực hành để đạt đến giác ngộ. Trong Lamrim có 2 phần cần thực hành là thực hành thân và thực hành tâm. Trong đó, tâm là phần thực hành chủ yếu. Mục tiêu của việc học Lamrim là học phương pháp rèn luyện và điều phục tâm.
- Trước khi bắt đầu buổi giảng, Thầy Thabkhe Lodroe hướng dẫn một phần thiền nho nhỏ. Đầu tiên, hãy nghĩ đến những điều may mắn trong cuộc sống và thầm cảm ơn vì đã có được những điều may mắn tốt đẹp như thế. Lấy ví dụ, chuyện hít thở cũng là một điều may mắn. Mỗi sáng thức dậy, chúng ta hãy nghĩ đến hơi thở và cảm thấy mình may mắn còn được sống trên đời này.
- Thực hành thiền như sau trong 2 phút: Hãy nhắm mắt lại, tạm gác tất cả mọi buồn phiền trong ngày và tập trung tâm trí vào hơi thở, sau đó hít vào và thở ra thật dài, thật nhẹ nhàng và chậm rãi. Khi thở ra, hãy nghĩ rằng mọi buồn phiền, vất vả trong ngày hôm nay đều đi ra hết theo hơi thở. Sau đó, hít vào một hơi chậm rãi, từ từ và nghĩ rằng tất cả mọi năng lượng tốt đẹp đều được nạp trong cơ thể để làm tươi mới cơ thể.
- Hãy dành 1 phút để nghĩ đến động cơ học Phật pháp là mong muốn đem lợi lạc cho bản thân và cả cho những người xung quanh, gia đình, bạn bè, xã hội. Tại sao phải có động cơ tốt trước khi học Phật pháp? Đó là bởi vì tất cả những thiện nghiệp mà chúng ta có được đều xuất phát từ động cơ ban đầu. Lấy ví dụ, nếu chúng ta có tâm mong muốn mang đến lợi lạc cho người khác, thì chỉ cần lễ lạy hay đi kinh hành vòng quanh tượng tháp của Phật một chút thôi cũng đã có công đức rất lớn. Nhưng với tâm tham sân si thì cho dù có làm việc gì to tát, công đức thực sự có được vẫn rất ít.
- Thầy tiếp tục hướng dẫn 6 nghi lễ chuẩn bị cho một thời thiền:
1/ Lau nhà sạch sẽ và bày biện những biểu tượng thân, khẩu, ý giác ngộ
2/ Kiếm đồ cúng dường hợp pháp và bày biện đẹp mắt
3/ Ngồi theo thế (gồm 8 sắc thái) của Phật Tỳ Lô Giá Na và dâng lên bài thỉnh cầu quy y
4/ Khẩn cầu Ruộng Phước (Ngày thứ 5, trang 275)
+ Ở phần này, ta đang nghĩ đến đối tượng mà ta nương tựa vào, đó chính là Tam Bảo. Ở trên Ruộng Phước, có các thành phần của Tam Bảo.
+ Đầu tiên, ta phải giữ cho tâm trong một trạng thái trống vắng. Kế tiếp, nghĩ phía trước mặt mình mọc một cây lớn có tán cây rất rộng. Hoặc ta nghĩ có một cành hoa sen, có cuống hoa sen mọc ra một bông sen nở rộ. Trên cây hoặc trên bông sen đó có pháp tòa và đức Phật Thích Ca đang ngồi trên pháp tòa đó.
+ Ở nơi trung tâm phía trước mặt mình có Phật Thích Ca. Bên phải Phật Thích Ca là dòng truyền thừa Hành vi Quảng Đại gồm Ngài Di Lặc và các vị trong dòng truyền thừa Hành Vi Quảng Đại được nhận giáo lý từ Ngài Di Lặc. Bên trái của Phật Thích Ca là Ngài Văn Thù trong dòng truyền thừa Tri Kiến Thâm Sâu và các vị tổ trong dòng truyền thừa này được nhận giáo lý từ Ngài Văn Thù. Sau lưng Phật Thích Ca gồm các vị tổ trong dòng truyền thừa gia trì trực tiếp từ đức Phật Kim Cang Trì. Ngồi ở phía trước mặt của Phật Thích Ca là tất cả các vị thầy mà mình từng học pháp. Phía trước mặt các vị thầy sẽ có các vị Bổn Tôn trong Kim Cang Thừa như Tập Hội Bí Mật, Thắng Lạc Luân Kim Cang. Tầng tiếp theo là các đức Phật, sau đó đến các vị Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác, các vị hộ pháp…. (Đọc thêm sách Giải Thoát Trong Lòng Tay).
+ Khi nghĩ rằng nơi không gian trước mặt thực sự có các đức Phật, Bồ Tát, các vị tổ như thế trên Ruộng Phước, thì chúng ta đảnh lễ, cúng dường, sám hối… sẽ tích tập vô lượng công đức.
+ Lúc nghĩ đến Ruộng Phước, chúng ta phải nghĩ rằng các vị Phật, các vị Bồ Tát, các vị tổ… trên Ruộng phước có thân trong suốt như pha lê, với hào quang lấp lánh chiếu rọi xung quanh, tượng trưng các vị không còn phiền não, nhiễm ô.
5/ Dâng lời cầu nguyện 7 phần và một mandala thế giới
- Thực hiện Bảy pháp gia hành với mục đích tích góp công đức và tịnh hóa ác nghiệp:
(1) Kính lễ (lễ lạy), gồm 3 phần: kính lễ qua thân, qua lời nói, qua ý nghĩ.
+ Kính lễ qua thân là lạy Phật. Mục đích là để tịnh hóa ác nghiệp qua thân. Khi lễ lạy, 5 phần trên cơ thể chạm xuống đất gồm trán, 2 đầu gối, 2 lòng bàn tay.
+ Lúc lễ lạy, có người chắp 2 tay chạm lên trán 1 lần, chạm ở cổ 1 lần, chạm ở tim một lần. Chạm vào trán với ý nghĩa mong thành tựu được đảnh Phật. Chạm ở cổ với ý nghĩa thành tựu lời nói của Phật. Chạm ở tim với ý nghĩa là thành tựu trí giác ngộ như Phật. Cách suy nghĩ thứ 2 là khi chắp 2 tay chạm lên trán, cổ và tim, chúng ta mong muốn thanh tịnh mọi ác nghiệp qua thân, qua lời nói và qua ý nghĩ. Nếu nghĩ được như thế khi thực hành lễ lạy thì rất tốt.
+ Nếu biết được cách lễ lạy, chúng ta sẽ tích góp được rất nhiều công đức. Ví dụ, lúc lễ lạy trước đức Phật, chúng ta nghĩ rằng không chỉ có mỗi đức Phật Thích Ca mà có hàng vạn đức Phật, tất cả các vị Bồ tát, tất cả mọi nơi quy y đều tụ hội ở không gian trước mặt mình. Thứ 2, nghĩ rằng thân của mình sẽ biến hóa ra hàng ngàn, hàng vạn thân giống như mình cùng lễ lạy. Thứ 3, nghĩ xung quanh mình có người thân, gia đình, tất cả mọi chúng sinh cùng lễ lạy với mình. Nghĩ như thế khi lễ lạy, chúng ta sẽ tích góp được rất nhiều công đức.
+ Việc lạy Phật giúp ta giảm tính ngã mạn.
(2) Cúng dường:
+ Có thể cúng dường các lễ vật như nước, đèn, thực phẩm, trái cây… (cúng dường tùy theo khả năng). Khi cúng dường, đừng nghĩ là bắt buộc phải có món lễ vật thực sự. Quan trọng là phải cúng dường sự thoải mái, an lạc lên đức Phật. Ví dụ, khi đến một nơi nào đó, thấy một khung cảnh đẹp hoặc một đồ vật đẹp mắt, một bông hoa đẹp dọc đường…, khiến lòng thoải mái, an lạc thì ta hãy cúng dường cảm giác an lạc đó lên đức Phật.
+ Trong các nghi lễ hay cúng mandala. Cấu trúc của một mandala là có núi Tu Di ở giữa với 4 đại châu xung quanh. Chúng ta cúng tất cả mọi thứ quý báu trong cả một thế giới lên đức Phật với mong muốn những nơi mình sinh ra sau này chính là nơi tịnh độ của đức Phật. Ngoài ra, với công đức có được do cúng nhiều món quý báu lên đức Phật, chúng ta cũng mong rằng sau này sẽ làm được những việc thiện hành và giúp các chúng sinh khác thoát khổ.
+ Điều quan trọng là phải có động cơ cúng dường phù hợp và có các món lễ vật cúng dường phù hợp.
(3) Sám hối ác nghiệp (ác nghiệp qua thân, qua lời nói, qua ý nghĩ):
+ Một đặc điểm quan trọng của ác nghiệp là nó có thể được tịnh hóa. Trong việc thực hành Phật pháp, sám hối, tịnh hóa ác nghiệp rất quan trọng, bởi vì để có trải nghiêm chứng ngộ trên con đường tâm linh, cần phải thanh lọc những nhiễm ô. Sám hối ác nghiệp cũng rất quan trọng về mặt tâm lý con người. Bởi vì những việc làm xấu ngày trước đối với người thân, bạn bè… có thể khiến ta dằn dặt suốt cả cuộc đời. Khi sống trong hối hận thì ta không thể làm việc gì tốt được. Do đó, nếu biết cách sám hối, tịnh hóa ác nghiệp, chúng ta sẽ biết làm gì để bù đắp những lỗi lầm đã gây ra, từ đó thay đổi bản thân để tương lai không phạm những lỗi lầm đó nữa.
+ Áp dụng phương pháp sám hối ác nghiệp gồm có 4 năng lực:
Thứ nhất, phải nhận diện lỗi lẫm của mình như đã từng nói xấu, giết hại chúng sinh khác…
Thứ 2, khi đã nhận ra lỗi lầm, phải ăn năn sám hối trước Tam Bảo.
Thứ 3, khi đã ăn năn sám hối, hãy quyết tâm không tái phạm.
Thứ 4, làm nhiều việc thiện lành để đối trị lại ác nghiệp mình đã tạo ra.