04-05-2014
Quan Âm Pháp

Phần 2: Tiền hành - Gia hành thất pháp.

Quan Âm Pháp

Tôn Sư Khangser Rinpoche chú giải

 

Tuần thứ 2

Ngày 04 tháng 05 năm 2014

 

Hôm nay chúng ta học Quan Âm Pháp. Tôi nghĩ lần trước chúng ta đã hoàn tất phần quy y và phát tâm bồ đề, bây giờ đến phần bảy pháp gia hành (gia hành thất pháp). Nói chung, khi thực hành Quan Âm Pháp, trước hết quý vị phải hiểu cách thực hành. Nếu hiểu cách thực hành đúng đắn thì chắc chắn chúng ta sẽ thành tựu Quan Âm Pháp. Nói chung, khi thực hành Quan Âm Pháp chúng ta phải hiểu trình tự thực hành, và khi đã hiểu trình tự đúng đắn thì việc thành tựu pháp tu là điều chắc chắn. Đôi khi chúng ta không tự tin là mình có thể thực hành thành công và thành tựu Quan Âm Pháp. Ta cần biết rằng chúng ta có tiềm năng thành tựu Quan Âm Pháp khi thực hành đúng cách. Để hiểu đúng cách thực hành thì quý vị nên hiểu rõ từng bước một của nghi quỹ thực hành.

Có một câu chuyện về một con đại bàng mẹ đẻ trứng vào một cái tổ gà. Sau đó, con gà mẹ ấp trứng của con đại bàng. Một thời gian sau, cái trứng nở thành một con đại bàng con. Con đại bàng con luôn nghĩ mình là con gà nên nó không tập bay, nó chỉ bay chỉ vài bước chân thôi, vì nó nghĩ rằng mình là con gà. Một ngày nọ, con đại bàng con nhìn thấy một con đại bàng lớn bay trên trời và nó hỏi những con gà khác, “Đó là con gì vậy?” Những con gà khác nói, “Đó là một loài chim dũng mãnh, được gọi là đại bàng. Anh không thể bay giống nó đâu.” Con đại bàng con tin vào lời nói của những con gà rằng nó không thể bay giống như con đại bàng kia. Nó tin như vậy và không bao giờ nghĩ khác đi. Kể từ đó, con đại bàng con không bao giờ bay trong suốt cuộc đời nó. Nó sống cả đời như một con gà, và chết như một con gà, vì nó không tin mình có tiềm năng bay mà chỉ tin những con gà khác. Khi nhìn vào câu chuyện này, chúng ta thấy điều gì đáng buồn và đáng tiếc? Thực tế thì con đại bàng được sinh ra để bay lượn trong gió nhưng vì hoàn cảnh mà nó mất khả năng đó. Con đại bàng con vốn được sinh là làm loài đại bàng oai vệ, nhưng do hoàn cảnh mà nó trở nên giống một con gà, và bởi vì nó không bao giờ tin rằng mình có thể bay mà chỉ tin vào lời nói của những con gà khác: “Anh không thể bay như vậy đâu!” Nó tin vào lời nói của những con gà khác nên nó không bao giờ nghĩ khác đi và không tin vào tiềm năng của chính mình. Tương tự, trong cuộc sống, chúng ta có tiềm năng nhưng đôi lúc ta không tin vào tiềm năng của bản thân. Chúng ta có tiềm năng mãnh liệt đến nỗi dù ta thực hành bất cứ pháp tu tâm nào đi nữa, ta đều có thể đạt được rất nhiều năng lực. Đôi lúc chúng ta không tự tin vào chính mình, giống con đại bàng kia. Con đại bàng con không tin rằng nó là một con đại bàng, mà nó chỉ tin rằng mình là một con gà. Đôi khi chúng ta hành xử giống con đại bàng đó, chúng ta tin rằng mình không thể thành công, không thể làm đúng được. Đôi lúc, dù có tiềm năng nhưng chúng ta lại tin rằng mình không thể làm được, giống con đại bàng kia.

Tương tự như vậy, chúng ta có thể thực hành được mọi pháp hành, nhất là Phật pháp và chuyển hóa tâm. Nhiều người đã cố gắng nhưng họ không thể giữ được sự ổn định và tính liên tục. Biết rõ tiềm năng của bản thân chỉ là một mặt; mặt thứ hai là người ta chỉ cố gắng một lần duy nhất và cho rằng thực hành Pháp và luyện tâm rất khó. Do đó, trước hết chúng ta phải biết rằng khi thực hành bất cứ pháp nào, nếu duy trì được tính liên tục thì ta sẽ tiến bộ và đến gần thành công hơn. Nếu không duy trì tính liên tục thì chúng ta sẽ giậm chân tại chỗ.

1.3 Gia Hành Thất Pháp (Bảy Pháp Gia Hành)

Lần trước chúng ta đã hoàn tất phần Quy Y và Phát Bồ Đề Tâm. Bây giờ chúng ta bước sang Bảy Pháp Gia Hành, quý vị có thể đọc phần này trong nghi quỹ Quan Âm Pháp. Quý vị cần biết, đối với cơ thể của chúng ta, đâu là những yếu tố quan trọng nhất chúng ta cần cho cơ thể của mình? Chúng ta cần thức ăn bổ dưỡng. Tuy nhiên, quý vị đừng nhầm lẫn giữa thức ăn ngon và thức ăn bổ dưỡng, giữa chúng có sự khác biệt rất lớn. Mỗi ngày chúng ta cần thức ăn bổ dưỡng cho cơ thể. Tương tự, với tâm thức, đâu là yếu tố quan trọng nhất cần thiết cho tâm ta? Tâm ta cũng giống như vậy, chúng ta cần tư tưởng thiện lành cho tâm mình. Nếu cơ thể chúng ta cần thức ăn bổ dưỡng thì tâm ta cũng giống như vậy, tâm cần nhiều tư tưởng thiện lành. Nếu chúng ta ăn thực phẩm ôi thiu và đưa vào tâm mình những tư tưởng xấu ác thì điều gì sẽ xảy ra? Chúng ta sẽ bị bệnh cả về thể chất lẫn tinh thần. Do đó, nếu muốn có đời sống tinh thần khỏe khoắn thì ta phải làm gì? Chúng ta phải đưa vào tâm mình nhiều tư tưởng thiện lành và tích cực. Bảy pháp gia hành là để làm như vậy. Đây là những tư tưởng rất tốt và rất tích cực mà chúng ta sắp đưa vào tâm mình, giúp tâm ta khỏe khoắn. Tuy nhiên, hiện tại con người quá chú tâm vào thức ăn sạch, những loại thức ăn nào bổ dưỡng cho cơ thể, nhưng họ lại quên quan tâm đến tâm mình. Tâm cũng cần nhiều tư tưởng thiện lành. Chúng ta phải làm tâm mình đầy ắp những tư tưởng rất tốt và rất tích cực. Thực phẩm sạch chỉ có thể giúp cơ thể quý vị khỏe mạnh chứ không giúp được gì cho tâm thức. Để giúp tâm mình an lạc, chúng ta cần tư tưởng “sạch” (organic thoughts) [Thầy cười]. Chính vì vậy mà ở điểm này, nghi quỹ đề cập đến bảy pháp gia hành.

a) Đảnh lễ

Bây giờ quý vị có thể đọc câu thứ nhất nói về pháp gia hành thứ nhất, đảnh lễ:

Hô, tất cả nơi nương tựa ngự ở ba thời,

Do vì tôn kinh nên đảnh lễ

Trong phần đảnh lễ, chúng ta có ba loại đảnh lễ: đảnh lễ qua thân, đảnh lễ qua khẩu (lời nói), và đảnh lễ qua ý. Về đảnh lễ qua thân, có lẽ chúng ta sẽ đề cập sau. Ở đây, khi chúng ta có tín tâm và lòng sùng mộ đối với một ai đó thì mới có thể đảnh lễ. Trước hết, mỗi khi đảnh lễ, việc đảnh lễ phải đi cùng với tín tâm và lòng sùng mộ. Mỗi khi bắt đầu thực hành Quan Âm Pháp, trước hết quý vị bắt đầu bảy pháp gia hành bằng pháp gia hành thứ nhất, đảnh lễ. Nếu quý vị có thể đảnh lễ qua thân thì tốt. Nếu không có thời gian dùng thân đảnh lễ thì quý vị có thể đảnh lễ trong tâm ý. Đó là những gì chúng ta cần thực hành trong phần đảnh lễ.

b) Cúng dường

Pháp gia hành thứ hai là cúng dường:

            cúng dường ngoại và nội

Quý vị có thể thấy nghi quỹ nói về cúng dường nội (cúng dường bên trong) và cúng dường ngoại (cúng dường bên ngoài). Cúng dường ngoại là tất cả những vật phẩm quý vị dâng cúng như trái cây, nước… Đó là cúng dường ngoại mà quý vị có thể dâng cúng. Có hai loại cúng dường: cúng dường ngoại và cúng dường nội. Nói chung, có rất nhiều cách để cúng dường nội. Cúng dường nội có nghĩa là quý vị quán tưởng những vật phẩm cúng dường trong tâm và dâng cúng những vật phẩm đó. Một số người cho rằng cúng dường nội chính là cúng dường bí mật. Ở đây, cúng dường nội không phải là cúng dường bí mật. Nói rộng hơn, có tất cả ba loại cúng dường: cúng dường ngoại, cúng dường nội, và cúng dường bí mật. Trong nghi quỹ không đề cập cúng dường bí mật. Cúng dường bí mật chính là cúng dường tánh không. Tánh không thì trống rỗng, nên cúng dường tánh không trở nên hoàn toàn bí mật [Thầy cười]. Ở đây, nghi quỹ nói về hai loại cúng dường, cúng dường nội và cúng dường ngoại. Cúng dường nội nghĩa là quý vị quán tưởng phẩm vật rồi dâng cúng, ví dụ như quán tưởng hoa, quán tưởng nước rồi tiến hành cúng dường hoa và nước.

Có một sự việc rất thú vị. Tôi nghĩ khoảng vài ngày trước, một học trò của tôi ở Trung Hoa nói với tôi rằng khi cô ấy đi làm, những lúc gặp khó khăn hoặc các vấn đề ở văn phòng thì trước hết cô quán tưởng và cúng dường tất cả vấn đề khó khăn lên Ruộng Phước [Thầy cười]. Đó cũng là một điểm quan trọng. Mỗi khi quý vị gặp khó khăn, hoặc dù quý vị gặp bất cứ vấn đề gì ở văn phòng hay trong công việc nói chung, trước hết, quý vị có thể cúng dường tất cả khó khăn lên Ruộng Phước, và thỉnh cầu Ruộng Phước nhận hết khó khăn của quý vị. Với người bình thường, khi khó khăn đến, đầu tiên họ sẽ mất kiên nhẫn. Thứ hai, khó khăn sẽ kích hoạt cơn giận nơi họ, và họ đi đến phán xét. Bây giờ quý vị có thể tưởng tượng, nếu tâm ta không kiên nhẫn mà lại rơi vào trạng thái giận dữ thì chuyện gì sẽ xảy ra? Họ sẽ phán xét theo chiều hướng nào? Quý vị có thể tưởng tượng được. Bước đầu tiên, quý vị cúng dường mọi khó khăn của mình, sau đó cầu nguyện xin được gia trì để vượt qua mọi khó khăn. Chúng ta có thể thấy một điều rất rõ là nếu ta phán xét khi tâm rất tĩnh lặng thì sự phán xét sẽ chuẩn xác hơn. Do đó, khi gặp khó khăn, quý vị không chỉ cúng dường khó khăn lên Ruộng Phước, mà phải liên tục cầu nguyện Ruộng Phước ban gia trì hoặc ban sức mạnh để quý vị vượt qua mọi thử thách. Làm như vậy thì tâm quý vị sẽ điềm tĩnh hơn. Khi quý vị điềm tĩnh thì tâm sẽ cân bằng, và quý vị có thể phán xét tốt hơn. Thông thường, khi con người gặp khó khăn, khi họ gặp vấn đề trong công việc, trước hết họ mất kiên nhẫn, rồi sau đó họ phán xét trong lúc đang giận dữ. Vì vậy mà sự phán xét trở nên sai lầm, có khi sai lầm rất nghiêm trọng. Tôi nghĩ cô học trò của tôi đã nói đến một sự việc rất thú vị và bất ngờ, cô ấy cúng dường tất cả vấn đề lên Ruộng Phước khi cô đến văn phòng làm việc. Cô ấy đã làm một việc rất đúng.

Mỗi khi cúng dường [nội], quý vị quán tưởng hoa, nước hoặc bất cứ vật phẩm nào quý vị thích. Cúng dường có hai mục đích. Thứ nhất, khi cúng dường quý vị tích tập được rất nhiều công đức. Đó là mục đích thứ nhất của cúng dường. Mục đích thứ hai của việc cúng dường là để giảm thiểu bám chấp của quý vị, để giảm thiểu ác niệm. Tôi nghĩ lần trước tôi đã nói về điều này. Khi quý vị rất ghét một người nào đó, trong tâm ý quý vị có thể cúng dường người đó lên Ruộng Phước hoặc Đức Quán Thế Âm, và cầu nguyện Đức Quán Thế Âm giúp đỡ người đó.

Tôi có một người học trò, cô ấy đã kể cho tôi nghe chuyện cô đi nghỉ mát với cha mẹ của cô. Có một lần cha mẹ cô khó chịu vì một nguyên nhân nào đó, và họ không thể hợp tác với nhau. Cô ấy kể tôi rằng bỗng nhiên cha mẹ cô vô cùng khó chịu trong suốt thời gian rất khó khăn, và trong tâm ý cô đã cúng dường cha mẹ mình lên Ruộng Phước [Thầy cười]. Theo quan điểm Phật giáo thì đó là thực hành Pháp. Nếu nhìn theo quan điểm tâm lý học thì chúng ta gọi đó là kỹ năng kiểm soát nóng giận. Còn theo quan điểm Phật pháp thì đó là một pháp thực hành. Thực hành Phật pháp và tâm lý học cũng rất tương đồng với nhau. Theo tâm lý học, một môn khoa học, thì đó là kỹ năng kiểm soát nóng giận.

Để thành công trong bất cứ lãnh vực nào trong cuộc sống, điều quan trọng nhất không phải là học thức. Điều quan trọng nhất chính là kỹ năng, cách vận dụng học thức của bản thân. Cũng như vậy, mọi thực hành Phật pháp dạy chúng ta kỹ năng kiểm soát ác niệm của bản thân, và cách làm tăng trưởng và phát triển thiện niệm trong tâm. Đó cũng là một mục tiêu của thực hành Phật pháp. Tuy nhiên, chúng ta cần biết rằng khi thực hành Phật pháp, ta phải duy trì tính liên tục, điều này rất quan trọng. Khi duy trì được tính liên tục thì kỹ năng của quý vị sẽ tiến bộ.

Cô học trò kể với tôi là cô đã cúng dường cha mẹ của mình [lên Ruộng Phước], và đó là lý do cô có thể kiểm soát cơn giận. Ngay khi chúng ta gặp người mình ghét thì ta sẽ cảm thấy thế nào? Chúng ta cảm thấy không vui. Tại thời điểm đó, chúng ta làm thế nào để giảm thiểu sự buồn bực? Chúng ta làm thế nào để vượt qua cơn giận mỗi khi gặp người mình ghét? Để vượt qua những điều đó thì chúng ta có thể làm gì? Chúng ta có thể thực hành cúng dường. Quý vị không cần thắc mắc rằng khi cúng dường lên Đức Phật, Ngài có thích hay không; đó không phải là việc của quý vị mà là việc của Đức Phật. Khi quý vị bố thí 1 đô-la cho người ăn xin, quý vị chẳng bao giờ nghĩ rằng người ăn xin đó sẽ vui mừng khi được 1 đô-la, 2 hay 3 đô-la. Quý vị chẳng bao giờ nghĩ như vậy mà chỉ bố thí số tiền trong khả năng của mình. Cúng dường cũng tương tự như vậy, các bước đều giống nhau. Một dịp nọ ở Ấn Độ, đã khá lâu rồi, tôi cho một người ăn xin 2 hoặc 3 rupee, và lúc đó người ăn xin đã ném trả lại tôi số tiền đó [Thầy cười].

Một điểm khác về cúng dường đó là khi quán tưởng cúng dường, quý vị có thể quán tưởng hoa hoặc bất cứ món nào khác. Quý vị có thể quán tưởng nhiều hơn, như điện thoại hoặc máy tính, hoặc bất cứ vật phẩm nào khác để cúng dường Đức Phật. Khi cúng dường chúng ta tích tập được công đức rất lớn. Trước khi bắt đầu thực hành Quan Âm Pháp, quý vị cần có công đức mạnh mẽ hỗ trợ mình. Để tích tập công đức thì quý vị nên thực hành cúng dường, vì cúng dường là một trong những cách tốt nhất để tích tập công đức. Cúng dường là pháp gia hành thứ hai. Pháp gia hành thứ nhất là đảnh lễ, thứ hai là cúng dường.

Mục đích chính của thực hành bảy pháp gia hành là để tịnh hóa ác hạnh và tăng trưởng công đức. Khi quý vị thực hành Quan Âm Pháp hay bất cứ pháp hành Phật giáo nào khác, việc thành tựu pháp hành phụ thuộc rất nhiều vào thiện nghiệp và công đức của quý vị. Do đó, chúng ta cần đặt nền móng trước khi xây nhà. Thực hành bảy pháp gia hành tương tự việc đặt nền móng để xây nhà. Mỗi khi quý vị thấy một đối tượng nào đó, đôi khi có rất nhiều tư tưởng khác nhau xuất hiện trong tâm, có lúc là bám chấp, lúc khác là sân giận…, và những tư tưởng này ảnh hưởng nặng nề lên tâm ta. Thực hành cúng dường là điều rất tốt để giúp tâm ta tránh khỏi bị ác niệm tác động. Đôi khi chúng ta phải phòng ngừa tâm mình bị ác niệm tác động. Vì mọi ác niệm nảy sinh khi chúng ta thấy các đối tượng, nên để tránh khỏi các ác niệm, chúng ta có thể cúng dường bất cứ đối tượng nào mình thấy lên Đức Phật và Ruộng Phước. Cách làm này sẽ giúp tâm ta tránh khỏi bị các ác niệm tác động. Bây giờ quý vị có thể thấy rằng trong lúc chúng ta đi trên đường hoặc đang làm việc ở văn phòng, chúng ta có thể tiến hành pháp hành này. Pháp thực hành này rất đơn giản nhưng lại rất hiệu quả. Đây chính là pháp cúng dường nội mà chúng ta cần thực hành.

c) Tịnh hóa

Pháp gia hành thứ ba là tịnh hóa. Chánh văn nói:

Sám hối tất cả nghiệp bất thiện,

Đây là pháp gia hành thứ ba. Tôi nghĩ tôi đã dạy về điểm này rồi phải không? Đó là pháp thực hành Kim Cang Tát Đỏa. Nói chung, việc tịnh hóa ác nghiệp rất quan trọng. Mỗi khi chúng ta hành động sai trái, nếu quý vị không tịnh hóa chúng thì dư âm của những hành động đó sẽ luôn lưu lại trong tâm, và đôi khi những dư âm đó ảnh hưởng nặng nề đến sự an lạc của tâm ta. Cũng có nhiều lúc chúng ta hối hận về rất nhiều điều trong cuộc sống, và sự hối hận đó đôi lúc cũng quấy rầy tâm ta. Có những lúc sự ân hận quá mãnh liệt và rất khó để chúng ta kiểm soát tâm ân hận của mình. Để vượt qua sự hối hận, chúng ta phải tịnh hóa tất cả ác hạnh hoặc các hành vi sai trái của bản thân. Tịnh hóa là một cách để vượt qua sự hối hận. Đó là điểm thứ nhất.

Thứ hai, dù chúng ta làm bất cứ ác hạnh nào, chúng sẽ vẫn lưu lại trong tâm ta. Các ác hạnh tạo thành tập khí trong tâm và các tập khí sẽ đưa đến hệ quả tiêu cực trong đời này hoặc trong đời sau. Do đó, Duy Thức tông (Mind Only school) nói đến a-lại-da thức (alaya). A-lại-da là nơi tất cả tập khí được lưu giữ. Muốn thoát khỏi luân hồi thì quý vị phải làm gì? Quý vị phải tận diệt tất cả tập khí. Để diệt trừ tất cả tập khí tiêu cực thì quý vị phải làm gì? Quý vị phải phá hủy nền tảng của nó, phá hủy a-lại-da thức. Đó là học thuyết của Duy Thức tông.

Duy Thức tông nói rằng tất cả tập khí tiêu cực đều được lưu lại trong a-lại-da thức. Tôi nghĩ người Việt Nam cũng gọi thức đó là a-lại-da. Duy Thức tông nói để diệt trừ mọi tập khí tiêu cực thì chúng ta phải diệt trừ nền tảng của chúng; vì thế chúng ta phải diệt trừ a-lại-da thức. Đó là học thuyết của Duy Thức tông.

Vài trường phái triết học Phật giáo khác cho rằng tất cả tập khí bất thiện được lưu giữ trong tâm thức. Để diệt trừ tất cả tập khí bất thiện thì chúng ta phải diệt trừ tâm. Khi tâm chấm dứt thì tất cả tập khí bất thiện cũng chấm dứt, và khi đó chúng ta không còn tái sinh nữa, đồng thời thoát khỏi luân hồi. Đây là học thuyết của một trong những trường phái triết học Phật giáo.

Tôi nghĩ quý vị gọi “Mind Only School” là “Duy Thức tông” phải không? Vài trường phái nói rằng tập khí bất thiện được lưu lại trong tâm thức. Để diệt trừ mọi tập khí thì chúng ta phải diệt trừ tâm. Khi tâm chấm dứt thì mọi tập khí bất thiện chấm dứt, và chúng ta sẽ thoát khỏi luân hồi. Đây không phải là tư tưởng của Duy Thức tông, mà là tư tưởng của các trường phái khác. Duy Thức tông chỉ công nhận a-lại-da thức. A-lại-da chính là thức thứ tám. Những tư tưởng này khác nhau.

Có nhiều trường phái triết học khác nhau, và họ có những học thuyết khác nhau. Tất cả các triết gia đều có cách định danh khác nhau cho các đối tượng, và họ cố gắng đưa ra nhiều học thuyết. Đây là một vấn đề triết học. Duy Thức tông nói rằng tất cả tập khí bất thiện được lưu giữ trong a-lại-da thức. Để diệt trừ mọi tập khí bất thiện thì chúng ta phải phá hủy a-lại-da thức. Các trường phái khác, chẳng hạn như hai trường phái thấp hơn là Hữu Bộ tông và Kinh Bộ tông, nói rằng tập khí bất thiện được giữ trong thức, khi thức chấm dứt thì các tập khí bất thiện tự động chấm dứt, và chúng ta thoát luân hồi. Đây là một đề tài triết học. Thức có rất nhiều định danh khác nhau. Các triết gia đưa ra nhiều danh tính cho thức thứ sáu, nơi lưu giữ tất cả tập khí bất thiện. Duy Thức tông đặt tên “a-lại-da” cho nơi lưu trú của mọi tập khí bất thiện, đó là a-lại-da thức. Các trường phái khác đặt nhiều tên khác nhau cho thức thứ sáu, nơi các tập khí bất thiện lưu trú. Các nhà triết học luôn định danh cho mọi đối tượng bởi đó là công việc của họ.

Có một vườn thú, trong đó có một con sư tử cũ và một con sư tử mới đến. Người ta luôn cho con sư tử mới ăn chay, như trái cây, chuối… Họ luôn cho con sư tử mới ăn những món đó. Với con sư tử cũ, họ cho nó ăn thịt. Sau một tháng, con sư tử mới cảm thấy rất ngán ngẩm thức ăn như chuối… và nó đến gặp con sư tử cũ. Con sư tử mới nói với con sư tử cũ, “Tôi có thể hiểu vấn đề tuổi tác, ông lớn tuổi hơn tôi; nhưng tôi muốn biết vì sao ông luôn được ăn thịt, còn tôi chỉ được ăn trái cây và chuối. Tôi đã đến đây được một tháng nhưng chưa từng được ăn thịt. Vì sao vậy?” Con sư tử mới hỏi con sư tử cũ như vậy, và con sư tử cũ trả lời, “Vâng, tôi biết chứ. Anh phải biết là vườn thú này rất nghèo, chỉ đủ để nuôi một con sư tử thôi. Ông chủ vườn thú lại là một triết gia; để giải quyết vấn đề, ông ta dán nhãn cho anh là “con khỉ” nên họ chỉ cho anh ăn trái cây và chuối thôi.” [Thầy cười] Ông chủ vườn thú đó, một triết gia, nghĩ rằng nếu ông định danh con sư tử mới là con khỉ thì sẽ giải quyết được vấn đề. Tuy nhiên, không phải như vậy, làm như vậy cũng không giải quyết được vấn đề. Vấn đề vẫn còn ở đó. Tương tự, dù tập khí lưu trú ở đâu thì vấn đề vẫn còn hiện hữu. Điều quan trọng nhất là làm cách nào để tịnh hóa các tập khí? Triết học không có lời giải, do đó quý vị phải kết hợp với việc thực hành.

Đâu là tư tưởng đúng? Điều đó phụ thuộc vào việc quý vị đưa ra lời giải cho đối tượng nào. Trong triết học có nhiều tư tưởng và học thuyết khác nhau, quý vị sẽ không thể biết đâu là tư tưởng đúng. Tuy nhiên, khi thực hành bất cứ điều gì, thông qua kinh nghiệm của bản thân thì quý vị sẽ phân biệt được đúng hay sai. Quý vị có biết thế nào là một triết gia lỗi lạc nhất không? Triết gia và luật sư khá giống nhau. Nếu ai có thể chứng minh được màu đen là màu trắng thì người đó chính là triết gia lỗi lạc nhất [Thầy cười]. Tuy nhiên, họ chỉ thuyết phục được người khác tin theo, chứ thực tế thì họ không thể áp dụng được. Đôi lúc, triết gia và luật sư khá giống nhau. Một dịp nọ, ở địa ngục người ta mở nhạc rất lớn và quấy rầy cõi trời. Người ở cõi trời rất bực tức với tiếng nhạc lớn ở địa ngục. Họ hét lớn vọng xuống địa ngục, “Các ông phải giảm âm lượng lại!” Lúc đó, Diêm Vương nói, “Tôi không giảm âm lượng thì các ông làm gì tôi?” Người ở cõi trời đáp, “Nếu các ông không giảm âm lượng thì tôi sẽ kiện các ông.” Diêm Vương cười phá lên và nói, “Làm sao ông kiện chúng tôi được? Tất cả luật sư đều ở địa ngục này rồi!” [Thầy cười]

Cũng giống như vậy, tất cả những điểm này là các tư tưởng triết học. Họ nói về nơi các tập khí bất thiện lưu trú. Tuy nhiên, khi thực hành thì chúng ta không đề cập đến nơi lưu trú của tập khí bất thiện hay cơ chế vận hành của chúng, mà chúng ta chỉ nhấn mạnh cách tịnh hóa tập khí bất thiện. Do đó, pháp gia hành thứ ba là tịnh hóa.

Như tôi đã nói trước đây, cách tốt nhất để tịnh hóa ác hạnh là thực hành pháp tịnh hóa Kim Cang Tát Đỏa. Tôi nghĩ tôi đã nói vài lần là khi tịnh hóa ác nghiệp thành công thì quý vị sẽ thấy vài dấu hiệu trong mơ, hoặc quý vị sẽ có cảm giác cơ thể mình nhẹ hơn. Những điều này có thể xảy ra khi quý vị thực hành tịnh hóa ác nghiệp có tiến bộ. Có quý vị nào chưa hiểu cách thực hành tịnh hóa Kim Cang Tát Đỏa không? Nếu tất cả đều đã biết thì tôi không nhắc lại. Chúng ta có phần ghi âm bài giảng tịnh hóa Kim Cang Tát Đỏa trên trang web không? [Người phiên dịch trả lời có. Xem lại bài giảng thực hành tịnh hóa Kim Cang Tát Đỏa tại đường dẫn http://www.dipkar.com/vi/teachings/view/149/giai-thoat-trong-long-tay-07042013] Tốt, quý vị hãy nghe lại phần ghi âm, như vậy tôi sẽ không nhắc lại nữa. Quý vị phải luôn quán tưởng Đức Kim Cang Tát Đỏa và thực hành tịnh hóa trước khi bắt đầu thực hành Quan Âm Pháp. Tôi nghĩ tôi đã truyền khẩu bài chú dài và bài chú ngắn Kim Cang Tát Đỏa. Khi quý vị tịnh hóa ác nghiệp thành công thì sẽ thấy vài dấu hiệu trong mơ, ví dụ như quý vị mơ thấy mình bay trên trời, hoặc đang ói mửa, hoặc đang leo lên một ngọn núi. Những dấu hiệu trong mơ này cho thấy quý vị đang tịnh hóa ác nghiệp thành công. Nếu trong tâm quý vị phát khởi tín tâm và lòng sùng mộ ngày càng mãnh liệt đối với Tam Bảo thì đó cũng là một dấu hiệu cho thấy ác nghiệp của quý vị đang giảm bớt. Đây là pháp gia hành thứ ba.

d) Hoan hỷ

Pháp gia hành thứ tư là hoan hỷ. [Chánh văn nói:

            Hoan hỷ thiện nghiệp,]

Hoan hỷ có nghĩa là chúng ta hoan hỷ tất cả thiện nghiệp mà ta đã làm. Hoan hỷ là một trong những yếu tố rất quan trọng trong cuộc sống. Mỗi khi chúng ta nhìn lại cuộc sống và nghĩ về những hành động thiện lành mà mình đã làm, nếu chúng ta hoan hỷ những hành động đó thì ta sẽ được hạnh phúc. Đối với một đứa trẻ, cậu bé nghĩ rằng khi lớn lên cậu sẽ có hạnh phúc. Khi lớn lên, cậu nghĩ rằng nếu hoàn thành bậc học cao đẳng thì anh ta sẽ hạnh phúc. Sau khi ra trường, anh ta nghĩ nếu có tìm được việc làm thì sẽ hạnh phúc. Sau khi có việc làm, anh lại nghĩ nếu lập gia đình thì sẽ hạnh phúc. Khi đã lập gia đình, anh lại nghĩ nếu con cái trưởng thành thì anh sẽ hạnh phúc. Và rồi khi con cái của anh đã trưởng thành thì chuyện gì sẽ xảy ra? Khi đó anh sẽ phải nghỉ hưu. Khi anh ta nghỉ hưu thì anh sẽ thấy những gì? Anh ta sẽ thấy cuộc đời anh đang trôi qua trước mắt. Cuộc đời là một vòng luẩn quẩn. Rất nhiều người, tất cả đều trong vòng luẩn quẩn đó. Chúng ta phải sống khác đi một chút. Nếu hỏi một đứa trẻ thì nó sẽ nói gì? Nó sẽ nói rằng khi lớn lên nó sẽ hạnh phúc. Nếu hỏi một cậu thiếu niên thì cậu ta nói gì? Cậu sẽ nói nếu tốt nghiệp ra trường cậu sẽ hạnh phúc. Nếu hỏi một người đã tốt nghiệp ra trường thì họ sẽ nói rằng nếu lập gia đình họ sẽ hạnh phúc. Nếu hỏi người đã lập gia đình thì anh ta sẽ nói rằng nếu con cái trưởng thành anh sẽ hạnh phúc. Đó là một cái vòng luẩn quẩn. Nếu quý vị hỏi một người đã nghỉ hưu thì họ sẽ trả lời ra sao? “Ôi, đời tôi thế là hết, nó vừa trôi qua trước mắt tôi!” Ai cũng vậy cả.

Vậy, đạo Phật dạy chúng ta những gì? Trong cái vòng luẩn quẩn đó, đạo Phật dạy chúng ta cách sinh khởi niềm vui, cách sống hạnh phúc trong từng khoảnh khắc. Khi ta còn nhỏ, làm sao để có hạnh phúc? Sau khi đã lập gia đình thì ta làm thế nào để hạnh phúc? Đạo Phật dạy chúng ta cách sống vui tươi trong từng khoảnh khắc của vòng đời này. Điểm then chốt thứ nhất là hoan hỷ, hãy nhìn lại những điều tốt đẹp mà quý vị đã làm, cố gắng hoan hỷ và cảm thấy hạnh phúc với chúng. Đó là một lời khuyên từ đạo Phật.

Nói chung, bọn trẻ đều nghĩ rằng khi lớn lên chúng sẽ hạnh phúc. Nhưng tôi nghĩ chúng cũng có lý. Đôi lúc, khi tôi đi cùng các học trò lớn tuổi hơn tôi thì người khác nhầm lẫn các học trò của tôi là Rinpoche, và họ nghĩ tôi là thị giả vì khác biệt tuổi tác [Thầy cười].

Hoan hỷ có nghĩa là khi nhìn lại đời mình và thấy tất cả những hành động thiện lành mà mình đã làm, quý vị hoan hỷ và cảm thấy hạnh phúc với chúng. Có hai lý do để hoan hỷ. Thứ nhất, như tôi đã nói trước đây, khi nhìn lại những gì mình đã làm và cảm thấy hạnh phúc thì quý vị có thể sống vui vẻ trong từng giây phút. Thứ hai, với bất cứ thiện nghiệp nào, khi hoan hỷ với nó thì một lần nữa quý vị sẽ tích tập được lượng công đức ngang bằng với công đức quý vị đã có được khi làm thiện nghiệp đó trước đây. Hầu hết con người khi nhìn lại cuộc đời thì họ làm gì? Họ nhìn lại đời mình và chỉ nhìn vào những gì họ đã vuột mất và những giai đoạn khốn khó họ từng trải. Họ nghĩ đi nghĩ lại về những điều đó và chúng khiến họ đau khổ liên tục. Đó là điều mà mọi người vẫn thường làm. Chúng ta sẽ làm ngược lại, đó là điều đạo Phật dạy.

Khi tôi còn trẻ, tôi đã mất một người anh họ. Đó là một thời điểm rất buồn trong đời tôi. Nếu tôi cứ nghĩ đi nghĩ lại về sự việc đó thì người anh của tôi cũng không thể sống lại. Điều đó chỉ khiến tôi đau khổ mà thôi. Tôi không nên làm như vậy, vì làm như vậy không có ích lợi gì cho tôi và cho người khác. Anh ấy đã qua đời trong một tai nạn nhỏ, anh tôi bị điện giật ở nhà. Điều đó thật khó tin! Nhưng bây giờ, chuyện gì đã xảy ra thì cũng đã qua rồi. Nếu tôi nghĩ tới nghĩ lui về tai nạn đó, nếu tôi cứ tự hỏi bản thân nhiều câu hỏi, chẳng hạn như tại sao anh ấy lại chết trẻ như vậy, tại sao cuộc đời anh tôi lại như vậy, thì rất nhiều suy nghĩ không cần thiết sẽ nảy sinh trong tâm tôi. Những suy nghĩ đó cũng không thể mang anh tôi trở về. Do đó, điều tôi nên làm là cố gắng hướng tâm tôi vào những điều tích cực. Tôi nên nhìn lại những thiện nghiệp mà tôi đã làm, như vậy thì tôi có thể hoan hỷ và hạnh phúc. Đây là một điểm rất quan trọng. Đây không chỉ đơn thuần là thực hành Pháp, mà nó còn là cách quý vị quản lý cuộc sống, quản lý hạnh phúc của mình. Đây là một kỹ năng quản lý.

Bây giờ quý vị hãy nhìn lại ba khoảnh khắc đau khổ nhất và ba khoảnh khắc hạnh phúc nhất trong đời mình. Nhiều người có khuynh hướng nhìn vào những khoảnh khắc tồi tệ trong cuộc sống nhiều hơn. Theo tâm lý học, đó là một dạng rối loạn tinh thần. Theo đạo Phật, bởi còn rất nhiều tập khí hoặc ác nghiệp nặng nề nên tâm bị đẩy theo hướng suy nghĩ nhiều hơn về khổ đau. Vậy, để thoát khỏi luồng suy nghĩ đó thì quý vị cần làm gì? Quý vị phải thực hành hoan hỷ tất cả công đức mà mình đã tích tập được trong quá khứ.

Hôm nay tôi dừng ở đây. Bây giờ tôi sẽ truyền khẩu chú Kim Cang Tát Đỏa. Trong tháng Phật đản này, nếu có thời gian rảnh thì sẽ rất tốt nếu quý vị tụng chú Kim Cang Tát Đỏa, bản ngắn hoặc bản dài tùy theo khả năng của quý vị, bởi tháng này là tháng rất linh thiêng. Trong truyền thống Tây Tạng, mùa Phật đản đến sau đây một tháng chứ không phải bây giờ [Thầy cười]. Quý vị sẽ thắc mắc thời điểm nào là đúng? Nếu hỏi các triết gia thì họ sẽ tranh luận [Thầy cười]. Có một câu nói: Nếu hai triết gia gặp nhau thì họ chỉ có thể đồng tình với nhau về một điểm, đó là sự bất đồng giữa hai người. Đó là điểm mà hai triết gia đồng thuận với nhau, ngoài ra họ không đồng tình với nhau về bất cứ điểm nào khác. Lúc nào họ cũng tranh luận [Thầy cười].

Bây giờ quý vị nào chưa nhận khẩu truyền chú Kim Cang Tát Đỏa thì hãy đọc theo tôi.

[Rinpoche truyền khẩu.]

Cảm ơn tất cả quý vị! Hẹn gặp lại!

 

Ban Biên Tập Dipkar Việt Nam dịch và hiệu đính @11/08/2015.

Nguyện cho các Bậc Thầy kính yêu phúc thọ an khang,

Nguyện cho cơn mưa to Mật pháp tối thượng thấm nhuần khắp mọi nơi,

Nguyện cho mật nhủ Kim Cang Thừa xuôi dòng Cửu Long đến tận quê hương tôi,

Nguyện cho giáo pháp diệu thâm của Đức Thích Ca chiếu sáng đời đời.