28-01-2014
2014

Khangser Rinpoche chú giải về Ruộng Phước.

Như Thị Thất, ngày 28/01/2014.

Ruộng Phước (Phước Điền)

 

Tôn Sư KHANGSER RINPOCHE chú giải

Như Thị Thất, ngày 28/01/2014

 

Hôm nay tôi sẽ giải thích về Ruộng Phước.

Trước khi tôi bắt đầu hướng dẫn về Ruộng Phước, quý vị cần hiểu một vài điều. Trong Ruộng Phước này có tất cả các truyền thống Phật giáo: Phật giáo Nguyên thủy, Phật giáo Đại thừa và Phật giáo Kim cang thừa. Ở đây chúng ta có cũng thể thấy được 16 vị A-la-hán ngự trên Ruộng Phước.

Kim cang thừa có bốn truyền thống. Vào thời đức Phật, Kim cang thừa được chia thành bốn bộ: Hành bộ, Tác bộ, Du-già bộ, Vô thượng Du-già bộ. Nói về mật pháp, có bốn bộ mật pháp. Những pháp tôi đã truyền, ví dụ như quán đảnh Phật A-di-đà hay quán đảnh đức Văn Thù v.v... thuộc về Hành bộ. Những pháp hành liên quan đến năng lượng trong cơ thể hoặc liên quan đến tâm vi tế thì thuộc về Vô thượng Du-già bộ. Hành bộ và Vô thượng Du-già bộ là hai bộ nổi tiếng nhất trong Kim cang thừa Tây Tạng. Khi quý vị thấy một hành giả sử dụng trống Damaru thì vị đó đang hành pháp thuộc Vô thượng Du-già bộ. Nhưng đối với chuông và chùy kim cang thì bốn bộ đều sử dụng. Tất cả mọi mật pháp đều thuộc về bốn bộ này. Nếu mật pháp nào không thuộc vào một trong bốn bộ này thì đó không phải là mật pháp của Phật giáo.

Đối với những lễ quán đảnh các pháp thuộc Hành bộ, quý vị sẽ thấy chế độ ăn uống rất nghiêm khắc. Hành bộ nghiêm khắc trong chế độ ăn uống và chú trọng nhiều vào tay ấn. Nhưng thế ấn lại không quan trọng lắm đối với Vô thượng Du-già bộ. Điều quan trọng trong Vô thượng Du-già bộ là tư duy quán tưởng và thiền định. Trong Hành bộ, tất cả mọi thế ấn đều quan trọng. Vô thượng Du-già bộ tuy vẫn có thế ấn nhưng thế ấn không quan trọng bằng tư duy quán tưởng và thiền định bên trong. Có lẽ Vô thượng Du-già bộ phù hợp với những người lười biếng (Rinpoche cười).

Đối với những hành giả thực hành Hành bộ, việc tắm rửa, giữ cho thân thể sạch sẽ là điều rất quan trọng. Trong mật pháp, quán đảnh không phải là điều quan trọng duy nhất. Khi thực hành mật pháp, quý vị phải hiểu tất cả các giai đoạn thực hành từ bước một, bước hai đến bước cuối cùng. Việc thực hành mật pháp cần phải đi theo hệ thống. Khi giảng xong quyển Giải thoát trong lòng tay, tôi sẽ giảng trình tự thực hành mật pháp và sẽ giảng chủ yếu trên quan điểm triết học.

Cây của Ruộng Phước bằng vàng. Phía trên, chính giữa là Đạo sư gốc. Hình tướng bên ngoài của Đạo sư gốc là hình tướng tổ Tsongkhapa. Ở Tây Tạng có một quan điểm cho rằng hành giả mật pháp không thể nào trở thành tu sĩ. Đây là quan điểm sai lầm. Tổ Tsongkhapa là vị tu sĩ đầu tiên thực hành mật pháp, và Ngài giữ cả mật giới lẫn những giới luật của Phật giáo Nguyên thủy. Tổ đã viết hơn 12 bộ luận giải rất dày về mật pháp. Chính giữa Ruộng Phước, chúng ta quán tưởng tổ Tsongkhapa. Ngay tim tổ Tsongkhapa là đức Phật Thích-ca-mâu-ni. Ngay tim của đức Phật Thích-ca-mâu-ni là đức Phật Kim Cang Trì. Ngay tim đức Phật Kim Cang Trì là chủng tự HUM. Quý vị có thể quán tưởng chủng tự Hum bằng bất kỳ ngôn ngữ nào.

 

Trung tâm Ruộng Phước là Đạo sư gốc trong hình tướng của tổ Tsongkhapa

 

Ngay tim của tổ Tsongkhapa là đức Phật Thích-ca-mâu-ni. Ngay tim của đức Phật Thích-ca-mâu-ni là đức Phật Kim Cang Trì. Ngay tim đức Phật Kim Cang Trì là chủng tự HUM.

Bây giờ đến năm hàng dọc phía sau tổ Tsongkhapa.

Hàng dọc chính giữa (hàng 3): trên cao nhất là đức Phật Kim Cang Trì (Vajradhara Buddha). Đức Phật Kim Cang Trì chỉ khác đức Phật Thích-ca một điểm duy nhất: khi đức Phật Thích-ca giảng mật pháp, ngài hiện thân thành đức Phật Kim Cang Trì. Tôi sẽ cho ví dụ đơn giản. Ở Tây Tạng có những điệu nhảy, đôi lúc người nhảy phải đeo mặt nạ ngựa hoặc sư tử v.v... Khi những diễn viên đó nhảy, họ phải đeo mặt nạ, ví dụ như mặt nạ nai hoặc sư tử. Khi đó, trong vở diễn, nhân vật hiện lên là nai hoặc sư tử nhưng người diễn viên thì vẫn như vậy, không thay đổi. Cũng như vậy, vẫn là đức Phật Thích-ca nhưng khi giảng mật pháp, Ngài thay đổi hình tướng và hiện thân thành đức Phật Kim Cang Trì. Hàng giữa, trên cùng là đức Phật Kim Cang Trì. Từ đức Phật Kim Cang Trì đi dọc xuống theo hàng giữa là dòng truyền thừa của các vị đạo sư được truyền trực tiếp từ đức Phật Kim Cang Trì.

 

Các dòng truyền thừa:

(1)  Tập Hội Bí Mật

(2)  Đại Uy Đức Kim Cang

(3)  Phật Kim Cang Trì

(4) Tổ Atisha

(5) Thắng Lạc Luân Kim Cang

Bên trái của đức Phật Kim Cang Trì là tổ Atisha (đầu hàng 4). Trước khi tổ Atisha đến Tây Tạng, quan điểm về Kim cang thừa ở Tây Tạng rất rối rắm. Lúc đó, ở Tây Tạng người ta bắt đầu sử dụng rất nhiều rượu vì có quan điểm cho rằng thực hành Kim cang thừa có thể uống rượu. Họ viện cớ thực hành Kim cang thừa để uống rượu. Đây là quan điểm cực kỳ sai lầm về Kim cang thừa. Khi tổ Atisha đến Tây Tạng, Ngài đã xóa tan mọi nghi ngờ. Do đó, chúng ta thấy phía bên trái của đức Phật Kim Cang Trì là tổ Atisha. Dọc xuống theo hàng của tổ Atisha là các vị đạo sư dòng truyền thừa Kadampa cho đến vị thầy gốc của quý vị trong hình tướng tổ Tsongkhapa.

Bây giờ chúng ta xem lại. Hàng giữa, trên cùng là đức Phật Kim Cang Trì (3), đi dọc xuống là dòng truyền thừa liên tiếp các bậc thầy cho đến Đạo sư gốc của quý vị. Bên trái của đức Phật Kim Cang Trì là tổ Atisha (4) và truyền thừa xuống theo dòng Kadampa cho đến Đạo sư gốc của quý vị. Quý vị phải quán tưởng tất cả những dòng truyền thừa đó được truyền thừa liên tiếp đến Đạo sư gốc của quý vị. Do đó, bậc thầy của quý vị phải là người thông tuệ tất cả các dòng truyền thừa và tất cả các pháp hành. Quý vị thấy phía sau tổ Tsongkhapa có năm hàng dọc tượng trưng cho năm dòng truyền thừa. Mỗi một dòng truyền thừa như vậy đều được truyền thừa đến vị thầy gốc của quý vị, do đó vị thầy của quý vị am hiểu tất cả các dòng truyền thừa.

Bên phải của đức Phật Kim Cang Trì là Đại Uy Đức Kim Cang (Yamantaka) (2). Từ ngài Đại Uy Đức Kim Cang đi dọc xuống là tất cả các bậc thầy trong dòng truyền thừa của ngài Đại Uy Đức Kim Cang.

Bên phải của ngài Đại Uy Đức Kim Cang là Tập Hội Bí Mật (Guhyasamaja) (1). Phía bên trái của tổ Atisha (ngoài cùng) là ngài Thắng Lạc Luân Kim Cang (Chakrasamvara) (5).

Tôi sẽ giải thích rõ hơn. Trong Kim cang thừa có ba vị Bổn tôn chính, đó là ba vị Bổn tôn thuộc Vô thượng Du-già bộ. Quý vị có nhớ lần trước trong lớp Skype tôi từng cầu nguyện và tụng câu thần chú của ngài Đại Uy Đức Kim Cang không? Kim cang thừa có ba vị Bổn tôn chính, xuất phát từ Vô thượng Du-già bộ, đó là: Đại Uy Đức Kim Cang, Tập Hội Bí Mật và Thắng Lạc Luân Kim Cang. Đây là ba vị Bổn tôn chính trong Vô thượng Du-già bộ. Quý vị phải hiểu được sự khác nhau. Ngài Thắng Lạc Luân Kim Cang đặc biệt quan trọng trong thực hành nội hỏa. Tất cả thực hành nội hỏa đều liên quan đến vị Bổn tôn Thắng Lạc Luân Kim Cang. Thực hành thân huyễn ảo liên quan đến ngài Tập Hội Bí Mật. Ngài Đại Uy Đức Kim Cang đặc biệt đối với những thực hành tiêu trừ chướng ngại. Hình tướng phẫn nộ của đức Văn Thù là hình tướng ngài Đại Uy Đức Kim Cang. Khi thực hành Đại Uy Đức Kim Cang, hành giả phải thực hành kết hợp với những thực hành của đức Văn Thù, vì ngài Văn Thù là một hiện thân khác của ngài Đại Uy Đức Kim Cang và ngài Đại Uy Đức Kim Cang cũng là một hiện thân khác của ngài Văn Thù. Những thực hành về Đại Uy Đức Kim Cang chủ yếu là để tiêu trừ chướng ngại. Do đó quán đảnh Đại Uy Đức Kim Cang phức tạp hơn những quán đảnh khác, cần tối thiểu hai ngày.

Quý vị đã nắm được năm dòng truyền thừa đó chưa? Từ ngài Đại Uy Đức Kim Cang, truyền thẳng xuống liên tục cho đến Đạo sư gốc của quý vị. Truyền thừa của ngài Đại Uy Đức Kim Cang bắt đầu khi vị thầy đầu tiên có được linh ảnh đầu tiên về ngài Đại Uy Đức Kim Cang. Có hai lý do vì sao cần ban quán đảnh. Lý do đầu tiên đó là nhận quán đảnh cho phép quý vị có quyền thực hành Bổn tôn. Nguyên nhân thứ hai, quán đảnh ví như một lời giới thiệu. Khi vị thầy đã có linh ảnh trực tiếp của Bổn tôn, vị thầy đó ban quán đảnh cho đệ tử của mình, có nghĩa là giới thiệu đệ tử của mình với vị Bổn tôn đó. Do đó, sau khi nhận quán đảnh rồi quý vị mới có quyền quán tưởng mình hóa thành vị Bổn tôn, ví dụ như đức Văn Thù. Nếu chưa nhận quán đảnh, quý vị không có quyền quán tưởng tự thân mình là ngài Văn Thù. Đây là những mục đích chính của quán đảnh.

Bây giờ tôi sẽ nói chi tiết hơn về quán đảnh. Có hai loại quán đảnh, quán đảnh Văn Thù hôm trước tôi truyền là quán đảnh ban phước. Loại thức hai là quán đảnh năng lực hay quán đảnh đầy đủ. Quán đảnh năng lực hay quán đảnh đầy đủ bao gồm bốn loại: quán đảnh bình, quán đảnh bí mật, quán đảnh trí tuệ, ngữ quán đảnh hay quán đảnh về khẩu. Một quán đảnh năng lực cần đầy đủ bốn loại quán đảnh này. Ví dụ, quán đảnh của ngài Đại Uy Đức Kim Cang cần có đủ bốn loại này.

Quý vị có rõ không? Dần dần quý vị sẽ biết được nhiều hơn. Sau này khi có một vị lạt-ma nào đến ban quán đảnh, quý vị sẽ biết vị đó thực hiện có đúng hay không, quý vị sẽ biết họ là lạt-ma thật hay giả. Trong cộng đồng Tây Tạng, khi ban quán đảnh phải làm tất cả bánh lễ torma. Tôi không giỏi làm bánh torma, các vị tăng khác làm rất giỏi. Khi giải thích ý nghĩa thì tôi có thể diễn tả từ A đến Z, nhưng làm thì tôi không biết làm, chỉ có các vị thầy khác biết làm (Rinpoche cười). Do đó, với một vị lạt-ma hiểu được trình tự ban quán đảnh từ A đến Z, khi đến Việt Nam ban quán đảnh sẽ cảm thấy hơi sợ vì không biết làm torma.

Quán đảnh ban phước không cần đầy đủ bốn loại quán đảnh này. Tuy nhiên, đối với quán đảnh năng lực thì có đầy đủ bốn loại. Khi một vị thầy ban quán đảnh năng lực, vị thầy đó phải tụng đọc tất cả nghi quỹ, quán tưởng bản thân mình đi vào Mạn-đà-la nhận quán đảnh từ vị Bổn tôn thông qua pháp tự quán đảnh, sau đó mới có thể ban quán đảnh. Sáu mươi đến bảy mươi phần trăm quán đảnh năng lực thuộc về Vô thượng Du-già bộ. Ví dụ, pháp hành Đại Uy Đức Kim Cang chỉ có quán đảnh đầy đủ, không có quán đảnh ban phước. Nếu có thời gian, lần sau, đến khi tôi biết làm bánh torma tôi sẽ xem xét ban quán đảnh Đại Uy Đức Kim Cang (Rinpoche cười). Ở Mông Cổ, tôi không phải làm bánh torma vì có các thầy khác làm. Tôi sẽ kể một câu chuyện. Vào năm 2004 tôi ở tu viện Gyuto, tu viện này chỉ dạy về mật pháp. Khi đó thầy hiệu trưởng của trường Sahra đến tu viện Gyuto để học các nghi lễ và học cách làm bánh torma. Ngài đã làm một cái bánh lễ. Ngài hỏi tôi rằng cái bánh ngài làm trông như thế nào. Các thầy khác trong tu viện Gyuto chỉ cười nhẹ mà không nói gì. Khi đó tôi nói với thầy hiệu trưởng, bánh torma thầy làm trông không giống bánh torma mà giống hoả tiễn hơn, có lẽ Bộ quốc phòng Mỹ chế tạo ra hỏa tiễn dựa vào thiết kế bánh torma của thầy (Rinpoche cười). Tôi không biết nghiệp của tôi thế nào mà không thể làm được bánh torma, nhưng làm bánh torma cũng không phải là việc của tôi.

Bây giờ hãy nhìn vào hai đám mây hai bên.

Ở trung tâm mây bên phải tổ Tsongkhapa là đức Phật Di Lặc. Ngay vị trí trung tâm của đám mây bên trái tổ Tsongkhapa là đức Phật Văn Thù. Đây là điểm quan trọng của dòng truyền thừa. Lấy ví dụ, tôi sẽ hỏi một câu hỏi đơn giản. Ngài Long Thọ đã viết bộ Căn bản Trung quán luận, vậy Ngài đến thế giới này từ khi nào? Sau khi đức Phật nhập diệt khoảng 400 năm. Câu hỏi đặt ra là từ thời đức Phật đến thời ngài Long Thọ, trong khoảng thời gian đó có những dòng truyền thừa nào? Ngài Long Thọ đã nói về tánh không rất mạnh mẽ,  vậy từ khi đức Phật nhập diệt cho đến thời của ngài Long Thọ, trong khoảng giữa này có học giả nào nói về tánh không được như vậy hay không? Nếu không có học giả nào nói về tánh không mạnh mẽ như vậy thì ngài Long Thọ học tánh không từ vị thầy nào? Sau khi đức Phật nhập diệt phải có một dòng truyền thừa xuống vị thầy đó cho đến ngài ngài Long Thọ. Đó là cách mà dòng truyền thừa của Phật giáo Đại thừa được tiếp nối. Giáo pháp Đại thừa được xiển dương chủ yếu từ ngài Long Thọ và ngài Vô Trước. Chúng ta phải xem xét lại những lời ngài Long Thọ nói trong Căn bản Trung quán luận có thật sự là những lời do chính đức Phật thuyết ra hay không. Một số nhà sử học nói rằng những lời trong các bộ luận của ngài Long Thọ không phải do đức Phật thuyết. Tôi có một kinh nghiệm. Ở Sri Lanka tôi từng gặp một học giả cực kỳ thông tuệ của Phật giáo Nguyên thủy. Buổi thảo luận giữa tôi và vị đó kéo dài rất lâu, khoảng vài giờ. Tôi hỏi vị đó rằng trong Phật giáo Nguyên thủy có những vị học giả nào nổi tiếng và lỗi lạc như ngài Long Thọ hay không. Vị đó đưa ra một câu trả lời rất hay và mang tính ngoại giao cao. Ông trả lời, trong truyền thống Phật giáo Nguyên thủy, chúng tôi không đưa ra lập thuyết mới vì chúng tôi chỉ thực hành theo những gì đức Phật giảng dạy, do đó không hề có những học giả lỗi lạc. Ngay cả trong thời xưa cũng có nhiều người cho rằng những gì ngài Long Thọ nói không phải do đức Phật thuyết mà do chính ngài Long Thọ nghĩ ra. Để chứng minh được những gì ngài Long Thọ viết ra chính là do đức Phật giảng, phải chứng minh được có sự truyền thừa thực tiếp từ đức Phật qua các vị thầy đến ngài Long Thọ. Người ta chứng minh rằng truyền thống Đại thừa được truyền từ đức Phật xuống ngài Văn Thù, ngài Văn Thù truyền cho ngài Long Thọ. Ở giữa đức Phật Thích-ca và ngài Long Thọ là ngài Văn Thù tiếp nối truyền thừa. Do đó, đây là điểm chính yếu về việc tiếp nối truyền thống Đại thừa. Phẩm đầu tiên trong Căn bản Trung quán luận, ngài Long Thọ đã dùng tám câu đầu nói về bát bất (tám cái không) để kính lễ đức Phật Thích-ca[1].

Không khởi sinh cũng không hoại diệt.

Không thường hằng cũng không đứt đoạn.

Không đồng nhất cũng không dị biệt

Không từ đâu đến cũng không đi mất.

Tôi cúi đầu đảnh lễ đức Thế Tôn đã thuyết giảng:

Về chuỗi nguyên nhân và điều kiện tạo tác vô tận,

Diệt tận ngọn nguồn mọi hí luận.

Đó là Giáo lý Vô thượng trong tất cả mọi giáo lý.

Trong Căn bản Trung quán luận, phẩm đầu tiên, đoạn đầu tiên ngài Long Thọ đã nói như vậy. Khi ngài Long Thọ viết bộ Căn bản Trung quán luận, đệ tử của Ngài là Thánh Thiên đã có cách luận giải khác, sau đó ngài Phật Hộ cũng có luận giải khác, từ những luận giải này hình thành nên những tư tưởng khác nhau.

Ngài Vô Trước đến thế giới này 900 năm sau khi đức Phật nhập diệt, trong khoảng giữa đức Phật và ngài Vô Trước cũng phải có sự truyền thừa qua các vị thầy. Truyền thừa trong khoảng giữa đó thông qua ngài Di Lặc. Chúng ta thấy lý giải của ngài Long Thọ và ngài Vô Trước khác nhau. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào ngài Vô Trước có được những tư tưởng đó? Dựa trên cơ sở nào? Ngài Vô Trước dựa hoàn toàn trên lời của đức Di Lặc.

Bên phải tổ Tsongkhapa là dòng truyền thừa truyền từ đức Phật xuống ngài Di Lặc, dòng truyền thừa Hành Vi Quảng Đại (Đại Hạnh). Xung quanh là ngài Vô Trước và tất cả các vị đạo sư khác của dòng truyền thừa, theo tư tưởng của ngài Vô Trước. Bên trái tổ Tsongkhapa là dòng truyền thừa từ đức Phật xuống ngài Văn Thù, dòng truyền thừa Tri Kiến Thâm Sâu (Thâm Kiến), và tất cả những vị Đạo sư theo tư tưởng của ngài Văn Thù. Hai đám mây hai bên phía dưới và những vị thầy ngay phía trước tổ Tsongkhapa tôi sẽ nói sau.

Bây giờ đến hai hàng trên cùng của cụm mây lớn (phía dưới các vị đạo sư).

Hai hàng trên cùng (hàng 1 và hàng 2) là các vị Bổn tôn thuộc Vô thượng Du-già bộ. Quý vị có thể dễ dàng nhận ra các vị Bổn tôn thuộc Vô thượng Du-già bộ có hình tướng rất phẫn nộ. Các ngài cầm chén sọ, cung tên, rìu, đao, tất cả vũ khí. Tôi nghĩ những vị này còn thiếu một thứ, đó là súng (Rinpoche cười). Hai hàng này là những vị Bổn tôn thuộc Vô thượng Du-già bộ. Quý vị cần hiểu một điều về Vô thượng Du-già bộ. Một số mật pháp thuộc Vô thượng Du-già bộ, đặc biệt là Đại Uy Đức Kim Cang, đức Phật không dạy trong thế giới này mà dạy ở thế giới khác. Đây là điều rất đơn giản, có thể chứng minh được. Thứ nhất là có thế giới nào tồn tại ngoài thế giới chúng ta đang ở hay không? Tu viện Sera có các nhà khoa học đến để dạy môn khoa học hiện đại. Trong khi dạy họ không thể nào phối hợp được với tư tưởng của các tu sĩ trong tu viện, bởi vì các nhà khoa học có quan điểm rất khác. Họ cho rằng ngay lúc này rất khó để chứng minh ngoài sự sống trên thế giới này còn có sự sống ở thế giới khác, họ vẫn chưa có đủ bằng chứng để chứng minh. Tuy nhiên, họ cũng không có bằng chứng để chứng minh không có sự sống ở thế giới khác.

Theo quan điểm Phật giáo, có thế giới khác tồn tại hay không? Đó là một câu hỏi. Nếu các thế giới đó không tồn tại thì sẽ có vấn đề trong tất cả giáo lý của đức Phật. Dân số loài người càng ngày càng tăng, số lượng của các loài thú cũng tăng, chó, chim chóc v.v... Một số loài khác thì đang giảm dần về số lượng và đang tuyệt chủng nhưng nói chung dân số loài người đang tăng rất nhanh. Vậy những con người đó sinh ra từ đâu? Đó là một câu hỏi. Theo những lý thuyết khoa học, hàng triệu năm trước đã có khủng long, nhưng sau đó khủng long tuyệt chủng và tiếp theo loài người chúng ta tiến hóa. Chúng ta sinh ra từ đâu? Do đó, chúng ta có thể chấp nhận học thuyết trong Phật giáo cho rằng có tồn tại những thế giới khác, và chúng sinh ở đó cũng tồn tại. Nếu chúng ta biết được rằng có thế giới khác, có chúng sinh tồn tại ở đó thì đức Phật có đến đó để thuyết giảng hay không? Đây lại là một câu hỏi khác. Những thời giảng về Đại Uy Đức Kim Cang đức Phật đã giảng ở một thế giới khác. Giáo lý về Đại Uy Đức Kim Cang đã được hành giả người Ấn Độ tên là Lalita Vajra mang đến thế giới này từ một thế giới khác.

Chúng ta thấy hai hàng phía trên thuộc Vô thượng Du-già bộ, hàng trên cùng phía bên phải (của tổ Tsongkhapa) là ngài Đại Uy Đức Kim Cang. Trên Ruộng Phước có hai vị Đại Uy Đức Kim Cang, một ở trên cùng, bên phải đức Phật Kim Cang Trì và một ở hàng đầu tiên của Vô thượng Du-già bộ. Kế đến là Tập Hội Bí Mật, kế đến là Thắng Lạc Luân Kim Cang và Kim Cương Hô (Hevajra). Hàng kế tiếp bên dưới cũng thuộc về Vô thượng Du-già bộ. Ví dụ, Kim Cương Du-già Nữ (Vajrayogini) cũng thuộc Vô Thượng Du-già bộ. Chúng ta không thể nói chỉ có bấy nhiêu Bổn tôn thuộc Vô thượng Du-già bộ. Rất khó để khẳng định điều đó. Đây là những vị thuộc Vô thượng Du-già bộ phổ biến nhất. Ví dụ như ở Sera Jey, ngay cả các vị tu sĩ trong đó cũng không biết được chính xác tu viện có bao nhiêu vị tăng, vì có nhiều người đến rồi nhiều người đi. Nhưng chúng ta có thể ước lượng được. Cũng như vậy, chúng ta cũng không thể nói chính xác được số lượng chính xác các vị Bổn tôn thuộc Vô thượng Du-già bộ. Chỉ có đức Phật mới có thể nói chính xác được. Hai hàng đầu thuộc Vô thượng Du-già bộ.

Hàng thứ ba là những vị Bổn tôn thuộc Du-già bộ (Yoga Tantra). Hàng thứ tư là Bổn tôn của Tác bộ (Charya Tantra). Hàng thứ năm là Bổn tôn của Hành Bộ (Kriya Tantra).

Nếu xem xét các mật pháp, rõ ràng các vị Bổn tôn này không phải là loài người. Ví dụ đức Phật A Di Đà, một người bình thường có thân màu đỏ như vậy hay không? Do đó, những vị Bổn tôn này không mang hình tướng con người. Năm hàng này thuộc về mật pháp nên hình tướng của các vị không phải là hình tướng loài người.

Như tôi đã nói, có bốn bộ mật pháp. Đối với mỗi một vị Bổn tôn, quý vị sẽ biết vị đó thuộc bộ nào. Hai hàng đầu tiên thuộc Vô thượng Du-già bộ. Vị Bổn tôn chính giữa, hàng thứ hai, trước mặt các bậc thầy là Thời Luân Kim Cang (Kalachakra) (bổn tôn thứ 6 hàng thứ 2). Thời Luân Kim Cang thuộc Vô Thượng Du Già bộ. Mã Đầu Minh Vương (Hayagriva) cũng thuộc Vô Thượng Du-già bộ. Có những vị Bổn tôn ngay cả tôi cũng không biết. Tôi chỉ biết những vị Bổn tôn chính thôi.

Trong hàng Hành bộ, quý vị sẽ thấy những vị Bổn tôn chính như: Quan Âm Thập Nhất Diện, Quan Âm Tứ Thủ, Tara, Phật Vô Lượng Thọ, Phật A Di Đà v.v... Phật A Di Đà thuộc Hành bộ.

Hàng thứ sáu là tất cả chư Phật ba thời quá khứ, hiện tại và tương lai. Theo lý thuyết, có hàng vạn chư Phật, có một số vị Phật đã đến thế giới này. Đây là những vị Phật đã đến thế giới này và trong tương lai sẽ đến thế giới này. Đức Phật Di Lặc là đức Phật kế tiếp sẽ đến thế giới này.

Hàng thứ bảy là chư Bồ-tát. Chúng ta phải biết rằng Phật và Bồ-tát khác nhau. Những vị đã phát được tâm giác ngộ nhưng chưa thành Phật được gọi là Bồ-tát. Chư Bồ-tát phải trải qua thập địa mới thành Phật. Những ai phát được tâm bồ-đề nhưng chưa đạt Phật quả thì gọi là Bồ-tát. Có mười địa Bồ-tát. Một vị đang trong giai đoạn thập địa là một vị Thánh. Khi một vị Bồ-tát vừa hiện chứng được tánh không ngay thời điểm đầu tiên, khi đó vị này nhập vào Kiến đạo. Nhập vào Kiến đạo như vậy là đã nhập vào hàng Thánh. Đại thừa có năm đạo (ngũ đạo). Đại thừa ngũ đạo có năm đạo từ thấp lên cao: Tư lương đạo, Gia hành đạo, Kiến đạo, Tu đạo, Vô học đạo. Khi nhập vào Kiến đạo thì đã nhập vào hàng Thánh. Đối với một hành giả Đại thừa khi nhập vào Kiến đạo thì đồng thời cũng đạt được địa đầu tiên trong thập địa Bồ-tát. Tất cả chư Bồ-tát trên Ruộng Phước đã nhập đạo và ít nhất đã đạt được từ địa đầu tiên trở lên. Nếu quý vị chưa nhập vào Kiến đạo thì không thể nào ngự trên Ruộng Phước. Khi nói đến Kiến đạo hay ngũ đạo, nó như một bản đồ chúng ta phải đi. Chúng ta phải nhớ bản đồ trong tâm vì đó là con đường mình phải đi qua. Nếu không biết được con đường này thì cũng giống như chúng ta đang tính toán những địa điểm nằm ngoài vũ trụ, những địa điểm chúng ta không thể nào đến được. Tất cả Bồ-tát địa và đạo là con đường chúng ta phải đi qua.

Điều quan trọng khi bắt đầu thực hành Pháp là quý vị phải có được sự tự tin. Khi có được sự tự tin, quý vị sẽ cảm thấy mọi thứ dễ dàng hơn. Để có được sự tự tin, đầu tiên quý vị phải có được kinh nghiệm. Khi đã có được chút kinh nghiệm, quý vị sẽ tự tin nghĩ rằng, “Ồ, mình có thể làm được điều này, mình có thể làm được điều kia.” Cũng như một con mèo, khi ăn trộm sữa được một hai lần, nó sẽ tự tin hơn và can đảm nhảy vào bếp để ăn trộm tiếp.

Bây giờ quý vị đã phân biệt được sự khác nhau giữa Phật và Bồ-tát. Phật và Bồ-tát không giống nhau. Nếu là Bồ-tát không phải là Phật. Nếu là Phật không phải là Bồ-tát. Phải là Bồ-tát trước rồi mới thành Phật sau. Khi nhập vào địa thứ mười của thập địa Bồ-tát thì khi đó đã tiến rất gần đến Phật quả. Đại thừa thập địa này rơi vào Kiến đạo và Tu đạo. Trong Đại thừa ngũ đạo, khi vừa nhập vào đạo thứ năm là Vô học đạo thì đạt được Phật quả. Một người nhập Kiến đạo khi người đó hiện chứng được tánh không, trực tiếp chứng ngộ tánh không. Một lần nọ ở miền Nam Ấn Độ, có một người Mỹ đến kể tôi nghe về câu chuyện cuộc đời của anh ta. Anh ta kể rằng anh ta đã từng là phi công và rất quan tâm đến thực hành Pháp. Sau khi có nhiều chuyện xảy ra với cuộc đời mình, anh ta bỏ công việc phi công để chuyên tâm thực hành Pháp. Anh ta hỏi tôi rằng một người đã hiện chứng được tánh không thì người đó thuộc vào giai đoạn nào. Tôi trả lời rằng có thể là Kiến đạo. Khi đó người Mỹ đó nói với tôi, “Ồ, có lẽ tôi đã nhập vào Kiến đạo”. Tôi chỉ cười và nói Ok, tôi không thể nói “Anh chưa vào được Kiến đạo đâu!” (Rinpoche cười). Những vị Bồ-tát trên Ruộng Phước là những vị đã nhập vào Kiến đạo.

Phía dưới hàng chư Bồ-tát là hàng Độc Giác Phật (hàng 8). Đại thừa có ngũ đạo, Độc Giác thừa cũng có ngũ đạo và Thanh Văn thừa cũng có ngũ đạo. Khi đạt được đạo thứ năm của Độc Giác thừa thì trở thành Độc Giác Phật. Khi đạt được đạo thứ năm của Thanh Văn thừa thì trở thành một vị A-la-hán. Điểm khác biệt giữa A-la-hán và Phật là tất cả chư Phật là A-la-hán, tất cả các vị A-la-hán đều không phải là Phật. Độc Giác Phật cũng là A-la-hán (A-la-hán của Độc Giác thừa), nhưng không phải là Phật (A-la-hán của Đại thừa), bởi vì các vị Độc Giác Phật đạt được Vô học đạo của Độc Giác thừa nhưng chưa đạt được Vô học đạo của Đại thừa.

Khi tôi còn nhỏ có một vị tăng lớn tuổi khá vui tính. Vị tăng này đặt nhiều câu hỏi rất kỳ lạ. Vị này hỏi một câu, “Tất cả mọi con chó đều là chuột, tất cả mọi con chuột đều là mèo, vậy chó là gì?” Lúc đó chúng tôi suy nghĩ rất nhiều. Một người bạn của chúng tôi đã nói suy nghĩ những điều này thật tốn thời gian. Khi đó vị tăng lớn nói rằng, “Không, câu hỏi là một câu hỏi triết học.” Vị này còn cố gắng liên hệ câu hỏi này với triết học phương Tây (Rinpoche cười). Tuy nhiên ở một khía cạnh nào đó, vị này rất đúng. Bởi vì trong nền triết học phương Tây, khi nói về lập luận thì có hai cách, thứ nhất là lập luận trực tiếp, thứ hai là lập luận gián tiếp. Triết học Descartes là một trong những dòng triết học phương Tây tôi ưa thích nhất.

Phía dưới hàng chư Bồ-tát là các vị Độc Giác Phật. Những vị nhập vào Vô học đạo của Độc Giác thừa được gọi là Độc Giác Phật. Nếu nhập vào Vô học đạo của Thanh Văn thừa thì được gọi là A-la-hán. Tất cả những vị đạt được Vô học đạo, cho dù là Thanh Văn thừa, Độc Giác thừa hay Đại thừa thì đều được gọi chung là A-la-hán. Tuy nhiên chỉ khi đạt được Vô học đạo của Đại thừa mới được gọi là Phật.

Phía dưới hàng Độc Giác Phật là hàng Thanh Văn (hàng 9). Có một câu hỏi được đặt ra. A-la-hán và Độc Giác Phật khác nhau như thế nào? Những phương pháp thực hành khác nhau như thế nào? Về điểm này, trường phái Duy Thức cho rằng không có điểm gì khác nhau. Điểm khác biệt duy nhất là các vị Độc Giác Phật thực hành tánh không kết hợp với tích lũy vô lượng công đức. Các vị Thanh Văn thực hành tánh không nhưng không kết hợp với việc tích tập công đức. Trong phẩm thứ hai của Hiện Quán Trang Nghiêm Luận có nói rõ ràng sự khác nhau giữa pháp hành của một vị Độc Giác Phật và một vị Thanh Văn. [Rinpoche đọc lại trích dẫn trong luận bằng Tạng ngữ.]

Khi còn nhỏ chúng tôi phải học thuộc lòng tất cả các bộ luận thuộc Trung quán, ví dụ như Hiện Quán Trang Nghiêm Luận hoặc những bộ luận của ngài Nguyệt Xứng. Khi thuyết giảng phải lấy dẫn chứng trực tiếp từ luận để chứng minh đây là tư tưởng của Tổ chứ không phải là tư tưởng của bản thân tôi. Nếu bộ luận đó được dịch ra tiếng Việt tôi có thể chỉ ra phẩm nào, câu thứ mấy. Thậm chí nếu luận được dịch chính xác số trang, tôi có thể chỉ chính xác câu đó ở phẩm thứ mấy, trang số mấy, dòng thứ mấy.

Phẩm thứ hai của Hiện Quán Trang Nghiêm Luận có nói rõ ràng sự khác nhau giữa pháp hành của một vị Độc Giác Phật và một vị Thanh Văn. Trong đó nói rằng pháp hành tánh không của một vị Độc Giác Phật và một vị Thanh Văn là như nhau, không có gì khác biệt. Tuy nhiên, một vị Độc Giác Phật thực hành tánh không kết hợp với tích tập công đức, còn Thanh Văn thì không kết hợp tích tập công đức. Do đó, khi một vị Độc Giác Phật thuyết giảng, người nghe có thể hiểu được ngay cả khi vị đó không mở lời nói, chỉ qua ngôn ngữ cơ thể mà người đối diện cũng có thể hiểu được. Đó là do vị Độc Giác Phật đã thực hành tánh không kết hợp với tích lũy công đức.

Phía dưới hàng các vị Bồ-tát là hàng các vị Độc Giác Phật. Phía dưới hàng các vị Độc Giác Phật là hàng các vị Thanh Văn.

Phía dưới hàng các vị Thanh Văn là hàng các vị Dakini (hàng 10)

[Rinpoche hỏi Dakini tiếng Việt gọi là gì. Người phiên dịch trả lời: Không Hành Nữ. Ngài nói dịch như vậy không đúng. Dakini không phải là Không Hành Nữ. Thậm chí một số vị thầy Tây Tạng cũng không hiểu rõ được thuật ngữ này vì đây là một từ tiếng Phạn. Daka nghĩa là “to rob something.” Dakini nghĩa là: Female Robber].

Dakini là những vị nữ hành giả đã đạt được sự chứng ngộ rất cao, vượt qua khỏi Kiến đạo. Đó cũng là những vị giúp đỡ cho những người thực hành Pháp.

Hàng cuối cùng là tất cả các vị Hộ Pháp (hàng 11).

Đến đây chúng ta đã xong phần phía dưới. Hôm khác tôi sẽ nói về đám mây nhỏ hai bên và vòng tròn các bậc đạo sư trước mặt tổ Tsongkhapa.

Theo quan điểm mật pháp, mỗi vị Bổn tôn có một nhiệm vụ khác nhau. Những vị Hộ Pháp có nhiệm vụ bảo hộ. Những vị phía trên (bổn tôn thuộc Vô thượng Du-già bộ) còn được gọi là Yidam. Yidam có nghĩa là dẫn đường đến Phật quả. Bên trên là dẫn đường, bên dưới là bảo hộ. Đây là hai nhiệm vụ khác nhau. Một là dẫn đường đến Phật quả, hai là bảo hộ chúng ta khỏi chướng ngại trên con đường.

Tôi sẽ dành ra một, hai phút cho phần hỏi đáp.

 

HỎI –– ĐÁP

Hỏi: Đức Phật Di Lặc ở đám mây bên phải tổ Tsongkhapa có phải là đức Phật kế tiếp sẽ đến với thế này?

Rinpoche: Phải. Trên Ruộng Phước, đức Phật Di Lặc không ngồi thả hai chân xuống ngai như chúng ta thường thấy.

 

Hỏi: Ngài dạy rằng ngài Vô Trước xuất hiện 900 năm sau khi đức Phật nhập diệt. Trong khoảng giữa đức Phật và ngài Vô Trước có ngài Di Lặc, nhưng đức Phật Di Lặc chưa đến thế giới này?

Rinpoche: Tôi sẽ kể một điều. Có thể Phật Di Lặc có nhiều visa chứ không chỉ có một visa (Rinpoche cười). Đức Phật Di Lặc đã đến thế giới này vào thời đức Phật Thích-ca. Lần sau, khi đức Phật Di-lặc đến thế giới này, ngài cũng sẽ làm những điều tương tự như đức Phật Thích-ca đã làm (Mười hai công hạnh Phật [2]). Ở thời đức Phật Thích-ca, đức Phật Di Lặc cũng đã đến thế giới này nhưng không phải trong hình tướng con người. Lần sau khi ngài đến, ngài sẽ đến trong hình tướng con người.

 

Hỏi: Con phải quán tưởng Đạo sư gốc trong hình tướng tổ Tsongkhapa như thế nào? Ví dụ con quán tưởng Khangser Rinpoche là Đạo sư gốc của con thì con quán tưởng gương mặt là của tổ Tsongkhapa hay là gương mặt của Rinpoche?

Rinpoche: Điểm này quý vị cần hiểu một điều. Hình tướng là hình tướng của tổ Tsongkhapa. Nhưng trên thực tế phải nghĩ đó chính là Đạo sư gốc của mình. Trong những điệu nhảy sư tử, khi người diễn viên đội mũ sư tử, trên thực tế đó là người diễn viên, nhưng trên hình tướng bên ngoài thì trông giống như sư tử. Cũng như vậy, khi quán tưởng, trên thực tế đó là Đạo sư gốc của quý vị, đó là đức Phật Thích-ca, đó là đức Phật Kim Cang Trì, là cả ba nhưng hiện thân lên thành hình tướng của tổ Tsongkhapa.

 

Hỏi: Quán Âm Pháp thuộc Hành bộ, vậy đức Quán Thế Âm là Phật hay Bồ-tát?

Rinpoche: Đây là câu hỏi rất hay. Sera Jey cho rằng ngài Quán Thế Âm là Phật. Drepung và Sera Mey cho rằng ngài là Bồ-tát, không phải Phật. Quý vị phải tự chọn và suy nghĩ cẩn thận. Tôi trả lời rằng 100% ngài là Phật. Thầy tôi đã nói vậy, chúng tôi cũng có bằng chứng để chứng minh. Cả hai bên đều có bằng chứng để chứng minh. Điều này mang đến sự bối rối vì có nhiều quan điểm khác nhau, nhưng đây là một câu hỏi hay. Nếu quý vị hỏi tôi đức Quán Thế Âm là Phật hay Bồ-tát, tôi sẽ trả lời ngài là Phật. Có một điều quý vị cần phải hiểu, vào thời đức Phật Thích-ca, đức Quán Thế Âm đã đến thế giới này. Khi đó ngài hiện thân thành một vị Bồ-tát và hành động như một vị Bồ-tát. Nhưng trên thực tế ngài là một vị Phật. (Rinpoche hỏi người Việt gọi đức Quán Thế Âm là Bồ-tát Quan Âm hay Phật Quan Âm. Người phiên dịch trả lời Quan Âm Bồ-tát). Quán Âm Bồ-tát là tên do đức Phật đặt cho ngài. Bởi vì vào thời đức Phật Thích-ca, ngài Quán Thế Âm đến thế giới này và thị hiện trong hình tướng của một vị Bồ-tát, tất cả hành động của ngài cũng là hành động của một vị Bồ-tát. Khi quý vị đến Drepung, hãy nói đức Quán Thế Âm là một vị Bồ-tát. Khi đến Sera Jey, hãy nói ngài là Phật. Nếu qua bên đây nói khác, qua bên kia nói khác, lâu ngày cả hai bên sẽ đá quý vị ra (Rinpoche cười).

 

Hỏi: Đức Quán Thế Âm là Phật hay Bồ-tát có gì quan trọng hay không?

Rinpoche: Không có gì quan trọng. Thậm chí nếu ngài đến từ Việt Nam hay Ấn Độ cũng không quan trọng, không ai bận tâm cả. Nếu thật sự quý vị muốn tìm hiểu sâu trên thực tế về ngài Quán Thế Âm thì điều đó quan trọng đối với quý vị. Tùy thuộc vào quý vị thôi. Nếu quý vị không quan tâm thì cần gì phải để ý đến việc ngài đến từ đâu (Rinpoche cười). Có một điểm, kinh hệ Drepung dựa vào Bát Nhã Tâm Kinh để chứng minh đức Quán Thế Âm là một vị Bồ-tát. Drepung trích dẫn câu, “Thánh giả Quán Thế Âm Bồ-tát,” dựa vào chữ “Bồ-tát” để chứng minh. Đây là cách Drepung dùng để chứng minh. Sera Jey cũng dùng một số kinh điển khác để chứng minh đức Quán Thế Âm là Phật. Các kinh điển đó nói rằng đức Di Lặc và đức Quán Thế Âm đều đã đạt được Phật quả nhưng khi hai ngài đến thế giới này thì hiện lên thành thân của một vị Bồ-tát. Dựa vào đó mà Sera Jey chứng minh ngài Quán Thế Âm và ngài Di Lặc đều là Phật. Là Phật hay Bồ-tát, tự bản thân ngài Quán Thế Âm biết rõ nhất. Có những quan điểm khác nhau như vậy là do dựa trên những nền tảng triết học khác nhau. Nền tảng Triết học của Sera và Drepung khác nhau cho nên toàn bộ tư tưởng triết học cũng khác nhau. Do đó nền tảng triết học rất quan trọng, từ nền tảng xây dựng nên các tư tưởng khác nhau.

 

Hỏi: Trong quán đảnh Quán Thế Âm, ngài nói đức Quán Thế Âm cũng có cõi Tịnh Độ và Mạn-đà-la, vậy đức Quán Thế Âm phải là một vị Phật.

Rinpoche: Đức Quán Thế Âm là sự kết hợp giữa Đại thừa và Mật thừa.

Cảm ơn quý vị! Tôi sẽ dừng ở đây.

 

*Ban Biên Tập Dipkar Việt Nam dịch và hiệu đính lần thứ nhất @ 17/05/2014.

[1] http://thuvienhoasen.org/D_1-2_2-77_4-3260_5-50_6-2_17-81_14-1_15-1/#nl_detail_bookmark

[2] 01. Đâu Suất giáng trần, 02. Nhập trụ mẫu thai, 03. Viên mãn đản sinh, 04. Thiếu niên tài nghệ, 05. Thụ dụng phi quyến, 06. Ly gia xuất gia, 07. Nan hành khổ hạnh, 08. Đến Kim Cang Tòa (Bồ Đề Đạo Tràng), 09. Điều phục ma quân, 10. Viên thành Chánh Giác, 11. Chuyển Diệu Pháp Luân, 12. Nhập Đại Niết Bàn.